Sự đồng lõa và “máu” của rừng vẫn chảy (!?)
Xã hội 06/08/2019 11:47
Ngày 8/4/2019, Báo Ngày mới Online (Báo Người cao tuổi) đăng bài: “Huyện Kbang, tỉnh Gia Lai: Đốt gốc phi tang sau khi nhiều cây cổ thụ bị đốn hạ”, phản ánh việc, sau khi “lâm tặc” đốn hạ nhiều cây dã hương, một số người đã đốt gốc phi tang, với mục đích, nếu các cơ quan chức năng có đến hiện trường kiểm tra, không có chứng cứ để “kết tội” “lâm tặc” lẫn người quản lí bảo vệ rừng(!). Khoảng 13 giờ ngày 1/4/2019, tại hiện trường, sau khi chụp ảnh, quay clip về những gốc cây vẫn còn bốc cháy (có 1 gốc còn ghi trên mặt cắt: KT.1.4.2019.gốc số 1), phóng viên Báo Người cao tuổi đã thông báo cho một số cơ quan và cá nhân có trách nhiệm của huyện Kbang và tỉnh Gia Lai, nhưng hầu hết họ không quan tâm. Có lẽ vụ việc trên họ đã biết, nhà báo chỉ rỗi hơi, rách chuyện (!?).
Những tưởng bài báo phản ánh đúng sự thật, các cơ quan chức năng của huyện Kbang và tỉnh Gia Lai sẽ tiếp thu và có biện pháp xử lí nghiêm minh những kẻ phá rừng và những tập thể, cá nhân có liên quan. Ai ngờ, hơn 80 ngày sau, ngày 25/6/2019, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai có Công văn số 1516-CV/BTGTU; ngày 27/6/2019, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Gia Lai có Công văn số 820/STTTT-TTBCXB chuyển Văn bản số 1742/CV-HU của Huyện ủy Kbang, với nội dung cho rằng: Bài viết có một số thông tin, đánh giá mang tính chủ quan, võ đoán, không phản ánh đúng nội dung của sự việc; đánh giá chưa chính xác những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và các lực lượng chức năng của huyện Kbang trong công tác quản lí bảo vệ rừng thời gian qua.
Nhận được các văn bản trên, Báo Người cao tuổi đã giải trình, báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền, khẳng định bài báo phản ánh vụ việc chính xác, trung thực, với mong muốn chính quyền và các cơ quan hữu quan của huyện Kbang và tỉnh Gia Lai nhanh chóng có các giải pháp bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên của quốc gia. Tuy nhiên, Báo vẫn thấy tiêng tiếc là Ban Tuyên giáo, Sở TT&TT cùng đại diện các cơ quan có thẩm quyền xem các ảnh, clip phóng viên của Báo ghi tại hiện trường, để “trăm nghe không bằng một thấy”, “nói phải củ cải cũng nghe” (!?).
Do các cơ quan có thẩm quyền đã nắm được vụ việc, hơn nữa tác giả bài báo trên đã chuyển sang cơ quan khác, nên Báo Người cao tuổi chưa nêu tiếp vụ việc trên. Thế nhưng, ngày 25/7, tôi nhận được điện thoại của người biên tập bài trên: “Anh đọc báo Infonet đi, họ có bài nêu về việc chặt hạ gỗ quý ở huyện Kbang. Là người trực tiếp biên tập, thấy một số cơ quan chức năng của tỉnh Gia Lai và huyện Kbang vu cho Báo ta phản ánh không đúng sự thật, tôi cũng bức xúc lắm”.
Infonet, chuyên trang của Báo Vietnamnet, Bộ TT&TT, vào lúc 13 giờ 54 phút ngày 25/7/2019, đăng bài: “Gia Lai: Hàng loạt cây gỗ quý bị chặt hạ ngay “sau lưng” trạm bảo vệ rừng”. Xin được trích một số đoạn trong bài trên: “Thời gian qua trên địa bàn huyện Kbang (Gia Lai) tình trạng chặt phá cây rừng tự nhiên diễn ra thường xuyên và trở nên báo động. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt cây gỗ quý bị đốn hạ không thương tiếc, trước sự “bất lực” của chủ rừng cũng như cơ quan chức năng”; “Theo chân người dân…chúng tôi có mặt tại khoảnh 1 và khoảnh 5, tiểu khu 152, thuộc địa giới hành chính xã An Nghĩa, do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ka Nák quản lí.” Bài báo viết tiếp: “Như vậy chỉ trong 3 giờ đồng hồ vừa đi và về, chúng tôi đã ghi nhận và thống kê được 9 cây gỗ quý bị chặt hạ, trong đó có 5 cây được cho là dã hương, 3 cây lim, 1 cây dổi. Cây bé nhất có đường kính 54 cm, cây lớn 150 cm. Trong đó có 2 cây gỗ lim được đội kiểm tra liên ngành kiểm đếm và đóng dấu”;…“Cuối năm 2018, hàng chục cây dã hương bị chặt hạ ở tiểu khu 152”.
Điều đáng nói, bài trên cho biết, Trạm bảo vệ rừng số 5 của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ka Nák chỉ cách nơi có các cây gỗ quý bị chặt hạ chưa đầy 1 cây số. Điều đáng nói hơn khi các phóng viên trực tiếp gặp một số người có trách nhiệm thì họ thông báo cũng như trả lời chung chung, phóng viên đề nghị cung cấp các văn bản, báo cáo đều bị họ khước từ. Điều đặc biệt và lạ lùng, trao đổi với các phóng viên, ông Trương Thanh Hà, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kbang cho rằng: “Xem bói thì ra ma, quét nhà thì ra rác; còn đường thì còn tai nạn giao thông; còn người thì còn ốm đau, bệnh tật và đi bệnh viện; còn rừng thì còn vi phạm rừng, không thể nào hết được” (!?).
Những người có trách nhiệm của Huyện ủy Kbang, Sở TT&TT, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai đã đọc bài báo trên chưa? Nếu đã đọc thì thấy gì, nghĩ gì với số liệu và những bức ảnh đăng kèm theo bài? Phải chăng phát biểu của ông Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kbang cũng đã phản ánh phần nào nạn phá rừng đang diễn ra ở địa phương này?
Thât oan cho Báo Ngày mới Onlile (Báo Người cao tuổi) khi bị vu là võ đoán, bịa đặt, không phản ánh đúng nội dung vụ việc, phủ nhận những cố gắng, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và các lực lượng chức năng của huyện Kbang trong công tác bảo vệ, quản lí rừng (!).