Bản án 26 năm chưa được thi hành tại TP. Hồ Chí Minh: Cần nhìn thẳng vào sự thật để sửa sai
Đơn thư bạn đọc 03/03/2021 07:55
Giấy báo tin của Cục quản lý thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp |
Tiền hậu bất nhất
Bản án số 81/DSPT ngày 4/5/1995 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.Hồ Chí Minh tuyên xử: Hủy hợp đồng mua bán nhà số 112 Nguyễn Chí Thanh, phường 16 quận 11, TP.Hồ Chí Minh, giữa bà Vương Thục Phân và bà Sỳ Lý Cú. Bà Phân do ông Trần Phụng Siêu đại diện, phải thanh toán số vàng 66 lượng 1 chỉ 5 phân 4 số 9 cho bà Cú. Bà Cú phải giao trả toàn bộ căn nhà 112 Nguyễn Chí Thanh, phường 16 quận 11 cho bà Trần Phụng Hoàn. Việc giao nhà và tiền được tiến hành cùng một lúc và ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật. Như vậy, theo nội dung bản án, người phải thi hành án là bà Phân và bà Cú, người được thi hành án là bà Hoàn.
Sau khi Bản án số 81/DSPT có hiệu lực pháp luật, năm 1996, bà Hoàn gửi đơn đến Cục Quản lý thi hành án dân sự (nay là Tổng cục Thi hành án dân sự), Bộ Tư pháp và được Cục này chuyển cho TAND Tối cao. Do các bên không tự nguyện thi hành án, ngày 21/1/2002 và ngày 27/3/2002, bà Hoàn có đơn yêu cầu thi hành án đối với nội dung: Bà Cú phải giao trả toàn bộ căn nhà 112 Nguyễn Chí Thanh cho bà Hoàn.
Tại Biên bản giải quyết thi hành án ngày 3/6/2002 của Phòng Thi hành án TP.Hồ Chí Minh về đơn khiếu nại của bà Hoàn, Chấp hành viên Trần Văn Hảo trả lời: Việc bà Hoàn xin nhận nhà 112 Nguyễn Chí Thanh, hiện gia đình bà Cú đang chiếm dụng, do hiện nay, phía gia đình bà Phân chưa giao vàng nên chưa tiến hành giao nhà cho bà Hoàn được. Về nội dung này, luật sư Trần Thế Vinh cho rằng trả lời của Chấp hành viên là vô lý, né trách nhiệm, không đúng với thực tế vụ việc, bởi lẽ gia đình bà Phân không có nghĩa vụ phải thi hành án thay cho bà Phân. Hơn nữa, trong Biên bản ngày 3/6/2002, Chấp hành viên Hảo không đề cập đến thời hiệu thi hành bản án số 81/DSPT ngày 4/5/1995 của TAND Tối cao tại TP.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, tại Quyết định số 41/THA ngày 11/1/2006 của Thi hành án dân sự TP.Hồ Chí Minh về giải quyết khiếu nại, có nêu: Ngày 21/1/2002 và ngày 27/3/2002, bà Hoàn có đơn yêu cầu thi hành án khoản bà Cú phải giao trả toàn bộ căn nhà 112 Nguyễn Chí Thanh cho bà Hoàn, nhưng không có đơn xin khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án theo quy định. Căn cứ Điều 25 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 thì thời hiệu yêu cầu thi hành án là 3 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Trường hợp của bà Hoàn, bản án số 81/DSPT ngày 4/5/1995 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 4/5/1995, nhưng đến ngày 10/10/2005, bà Hoàn mới nộp đơn xin khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án, là không có cơ sở để chấp nhận.
Thế nhưng không hiểu vì sao, trước đó, ngày 18/2/2000, bà Cú có đơn xin khôi phục thời hiệu thi hành bản án số 81/DSPT ngày 4/5/1995 của TANDTC, vẫn được Thi hành án dân sự TP.Hồ Chí Minh chấp nhận tại Quyết định thi hành án số 334/THA-CĐ ngày 8/5/2000 và Quyết định số 384/YHA-YC ngày 12/5/2000. Trong khi đó, bà Hoàn có Giấy báo tin đã nhận đơn khiếu nại vào ngày 21/8/1996, ngày 11/4/2001 của Cục Quản lý thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp và Đơn yêu cầu thi hành án ngày 21/1/2002, ngày 27/3/2002 và 9/10/2002 của Phòng Thi hành án dân sự TP.Hồ Chí Minh, nhưng Thi hành án dân sự thành phố lại xác định đã hết thời hiệu thi hành án!? Đáng chú ý là tại Công văn trả lời đơn khiếu nại số 2440/THA ngày 5/8/2005 của Thi hành án dân sự TP.Hồ Chí Minh có nêu Bản án số 81/DSPT ngày 4/5/1995 đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án. Bà Hoàn muốn được thi hành án thì phải làm đơn xin khôi phục thời hiệu thi hành án để được xem xét theo quy định. Căn cứ Công văn trên, ngày 10/10/2005, bà Hoàn có đơn yêu cầu khôi phục thời hiệu thi hành bản án số 81/DSPT thì Cơ quan Thi hành án dân sự TP.Hồ Chí Minh, không chấp nhận, lý do bà Hoàn không chứng minh được sự kiện bất khả kháng khiến bà không nộp đơn yêu cầu thi hành án đúng hạn (Quyết định số 41/THA ngày 11/1/2006 của Thi hành án dân sự TP.Hồ Chí Minh). Như vậy, trong các văn bản trả lời và Quyết định giải quyết khiếu nại của Thi hành án dân sự TP.Hồ Chí Minh, là thể hiện không đúng quy định pháp luật, tiền hậu bất nhất, gây bức xúc dư luận.
Văn bản của Viện KSND Tối cao gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp số 542/VKSNDTC-V11 ngày 8/2/2021
Ai phải chịu trách nhiệm!?
Rõ ràng, việc thi hành Bản án số 81/DSPT kéo dài là do các bên phải thi hành án không tự nguyện thi hành án và Chấp hành viên Trần Văn Hảo vận dụng không đúng các quy định pháp luật về thi hành án, được quy định tại Điều 14, Điều 20 Pháp lệnh Thi hành án dân sự: Trong thời hạn 7 ngày, kể từ khi nhận được bản sao bản án, quyết định chuyển giao của Tòa án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án phải chủ động ra quyết định thi hành án. Đối với trường hợp bà Hoàn là người được thi hành án, đã nhiều lần gửi đơn yêu cầu thi hành án, nên việc Thi hành án dân sự TP.Hồ Chí Minh, lấy lý do bà Hoàn đã hết thời hiệu thi hành án, là không có căn cứ, thể hiện né tránh trách nhiệm, có dấu hiệu không khách quan, thiên vị cho bà Cú. Cụ thể là tại Văn bản số 323/TP-THA ngày 23/7/2002, Cục Quản lý thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp nêu rõ: Bản án số 81/DSPT có hiệu lực từ ngày 4/5/1995 nhưng Cơ quan thi hành án ra quyết định theo đơn yêu cầu thi hành án của bà Cú vào năm 2000, đã quá thời hiệu yêu cầu thi hành án tại Khoản 1 Điều 21 Pháp lệnh Thi hành án dân sự. Những ai phải chịu trách nhiệm về việc thi hành bản án số 81/DSPT cần được làm rõ và xử lý theo quy định.
Dư luận người dân địa phương đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp quan tâm, chỉ đạo, kiểm tra, rà soát quá trình thi hành bản án số 81/DSPT ngày 4/5/1995 của TAND Tối cao tại TP.Hồ Chí Minh, theo tinh thần cần nhìn thẳng vào sự thật để sửa sai, từ đó có hướng giải quyết dứt điểm vụ án, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án là bà Trần Phụng Hoàn.