"Sao nỡ” lấp vịnh Bái Tử Long làm khu đô thị?
Đơn thư bạn đọc 01/09/2023 00:00
Qua tìm hiểu của phóng viên, một doanh nghiệp nhiều tháng nay tổ chức lấp vịnh Bái Tử Long làm khu đô thị như phản ánh của người dân. Theo đó, Công ty TNHH Đỗ Gia Capital (Thủ đô Đỗ Gia) có địa chỉ tại phường Cẩm Thạch, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh là đơn vị trúng đấu giá lô đất “vàng” tại Dự án Khu đô thị khu 10B, trên vịnh Bái Tử Long.
Vài nét về dự án “nghìn tỉ” trên vịnh Bái Tử Long
Theo tìm hiểu phóng viên, tại Quyết định số: 4720/QĐ-UBND ngày 30/12/2021, UBND tỉnh Quảng Ninh đã công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án Khu đô thị tại khu 10B, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả. Khu đất có phía Đông giáp biển; phía Tây giáp núi đá vôi, đầm cây Giang; phía Nam giáp suối Lộ Phong và vịnh Bái Tử Long; phía Bắc giáp núi đá vôi, với tổng số tiền là 1.192 tỉ đồng, cao hơn 4,1% so với giá khởi điểm 1.145 tỉ đồng.
Công TNHH Đỗ Gia Capital đang triển khai san lấp vịnh Bái Tử Long làm khu đô thị. Ảnh Lê Dũng. |
Quy hoạch được phê duyệt, diện tích khu đất đấu giá là hơn 31,8ha, trong đó diện tích khu vực cây xanh cách li là hơn 4,9ha; đất ở, hạ tầng xã hội và hạ tầng kĩ thuật là hơn 26,8ha. Quy mô đầu tư của dự án là đầu tư xây dựng thô và hoàn thiện mặt ngoài 52 căn biệt thự, cao 4 tầng với tổng diện tích đất 17.636,8m2; đầu tư xây dựng hoàn thiện các công trình thương mai dịch vụ và các hạng mục phụ trợ tại các lô kí hiệu: TM-DV1, TM-DV2, TM-DV3 cao 7 tầng với tổng diện tích lô đất 21.129m2.
Những cánh rừng ngập mặn bên trong khu dự án đang dần chết khô. Ảnh Lê Dũng |
Theo nhiều người dân của TP Hạ Long và Cẩm Phả, dự án này được đánh giá là khu đất “siêu đẹp” mà nhiều đại gia đất Mỏ hướng tới. Để sở hữu được một căn biệt thự hoặc một nhà liền kề, chủ nhân sẽ phải bỏ ra một số tiền không nhỏ. Cụ Đặng Ngọc Đoan, 85 tuổi, gần 50 tuổi đảng, một thợ mỏ đã sinh sống và làm việc tại vùng than Cẩm Phả từ những năm 60 của thế kỉ trước chia sẻ: “Một thập kỉ qua, chủ trương từ Trung ương đến tỉnh Quảng Ninh đều khẳng định là không đánh đổi môi trường để phát triển. Cụ thể hơn, định hướng phát triển của Quảng Ninh là chuyển từ “nâu” sang “xanh”. Trong khi quỹ đất ở Cẩm Phả có thiếu đâu, dọc tuyến đường bao biển từ phường Quang Hanh đến phường Cẩm Đông còn “ối đất”. Nhiều khu đất người ta quây tôn để giữ đất còn bỏ không đã thấy xây, đắp gì đâu, mà lấy người đâu ra mà ở? Thế nhưng, tại sao TP Cẩm Phả lại chấp thuận một dự án mà nó sẽ có ảnh hưởng nguy hại trực tiếp về cảnh quan và môi trường trên vịnh Bái Tử Long?”.
Khu đô thị Quang Hạnh sẽ sở hữu vị trí Tựa Sơn hướng thủy trên mặt vịnh Bái Tử Long sát cạnh kỳ quan Hạ Long. |
Ông Hoàng Trung, người cao tuổi ở phường Hà Phong, Hạ Long bức xúc nói: “Khu vực này trước đây là những cánh rừng ngập mặn xanh tốt, nhiều thủy sản trú ngụ, là nguồn lợi thủy sản rất lớn cho một bộ phận người dân Cẩm phả và Hạ Long sống về nghề sông nước. Bên cạnh đó, rừng ngập mặn còn giúp người dân an toàn trước những trận bão lớn, triều cường hằng năm. Ông còn cho biết thêm, đất dân cư ở Hồng Hải, Hồng Hà dọc theo tuyến đường Trần Quốc Nghiễn hiện nay có giá thị trường gần 200 triệu đồng một mét vuông, nếu khu đô thị của Công ty TNHH Đỗ Gia Capital “Thủ đô - Đỗ Gia” hoàn thành thì giá thành chắc chắn sẽ cao hơn đất ở dọc tuyến đường Trần Quốc Nghiễn. Bởi đất ở đó gần như ở giữa biển, đẹp hơn, yên tĩnh hơn, thích hợp với nghỉ dưỡng,… tiền của nhà đầu tư khi ấy không có chỗ mà để”.
Các phương tiện đang hàng ngày chở đất lấp vịnh Bái Tử Long. Ảnh Lê Dũng |
Cách nay hơn 10 năm, khoảng năm 2009 - 2010, TP Hạ Long có chủ trương lập Dự án mở rộng diện tích khu dân cư dọc theo tuyến đường Trần Quốc Nghiễn đoạn từ sau Thư viện, Bảo tàng Quảng Ninh hiện nay đến địa phận phường Hà Tu. Theo đó, sẽ tiến hành san lấp vịnh Hạ Long rộng ra 200 m về phía Nam. Biết được chủ trương của thành phố, các tầng lớp Nhân dân TP Hạ Long không đồng tình với dự án này. Bởi nếu triển khai dự án, người dân coi đó là “bức tử” vịnh Hạ Long. Trước dư luận không nhận được sự đồng thuận của người dân, tỉnh Quảng Ninh không đồng ý phê duyệt dự án. Khi ấy nhà thơ Nguyễn Thị Hoàng Hòa, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh có viết bài thơ “Sóng thôi đừng khóc” kính tặng đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính nói lên nỗi niềm của văn nghệ sĩ Quảng Ninh với dự án này. Tạp chí Người cao tuổi xin đăng nguyên văn bài thơ và Thư cảm ơn của đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh (nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ) được đăng trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh và nhiều phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có ấn phẩm Tác phẩm mới của Hội Nhà văn Việt Nam số Xuân Quý Tỵ 2013.
Sóng thôi đừng khóc
Một ngày sóng bỗng òa lên khóc
Bởi đớn đau đất lấp chôn mình
Đất tham lam đẩy sóng lùi ra biển
Biết làm gì để sóng được hồi sinh?
Biển quặn đau trước thế thái nhân tình
Đất dửng dưng trước kì quan thế giới
Đất lấn chiếm, đất dựng xây, lấp vội
Bờ chỉ còn cách đảo một tầm tay
Sự thể rồi sẽ đến đâu đây
Nếu đất không giật mình tỉnh thức
Se sẽ gọi; “Sóng ơi - Thôi đừng khóc!”
Đất cúi đầu tạ lỗi trước kì quan.
Vâng! “Đất tham lam đẩy sóng lùi ra biển”. Sẽ có lợi cho ai đó, có thể là vô cùng lớn cho một người hoặc nhiều người? Nhưng TP Cẩm Phả nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung sẽ mất đi một diện tích mặt vịnh đẹp, những ha rừng ngập mặn hiếm hoi còn lại nằm trong khu vực này sẽ có nguy cơ bị chết, trong khi Nhà nước và các tổ chức quốc tế đang đầu tư kinh phí khuyến khích người dân trồng rừng ngập mặt để bảo vệ môi trường. Hệ lụy của nó sẽ ra sao khi khu đô thị này ở cách xa đất liền. Câu hỏi đặt ra TP Cẩm Phả còn dự án nào trên vịnh Bái Tử Long nữa không?
Thư cảm ơn của đồng chí Phạm Minh Chính gửi nhà thơ Nguyễn Thị Hoàng Hòa. |
Ngoài ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, cảnh quan vùng đệm vịnh Bái Tử Long, trong quá trình triển khai dự án, các phương tiện vận tải của doanh nghiệp này còn làm ảnh hưởng đến đời sống dân sinh của Nhân dân phường Hà Phong, TP Hạ Long, chưa kể ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông trên quốc lộ 18 đoạn từ phường Hà Phong đến cổng Lữ đoàn 170 Hải Quân (phường Hà Tu) mà nhiều ki-lô-mét trên tuyến đường bao biển từ phường Hà Tu đến địa phận phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả và ngược lại. Và câu hỏi đặt ra là hàng triệu mét khối đất đá dùng để san lấp dự án này lấy ở đâu?