Xuôi ngược sông nước miệt vườn miền Tây tìm chất liệu cho báo chí
Xã hội 21/06/2024 09:00
Tháng 10/1986, tốt nghiệp ra trường đi làm báo. Ngày đó, báo chí không như bây giờ, mỗi địa phương chỉ có duy nhất là báo Đảng và Đài Phát thanh-Truyền hình (lúc đó nhiều tỉnh, thành chưa có truyền hình). Báo chí chỉ làm nhiệm vụ tuyên truyền chính trị phục vụ địa phương chứ không phải cạnh tranh, thương mại hóa báo chí như bây giờ. Phóng viên chúng tôi thường được phân công đi viết tuyên truyền về thủy lợi mùa khô, huy động lương thực,… là chính.
Thời mới đổi mới đất nước còn nghèo khó, đi tìm chất liệu cho bài viết gian nan lắm! Phải chen chúc ngồi trên xe than chạy xình xịch, nóng mồ hôi ướt cả áo. Nhớ ngày đó, đi miệt Ngã Năm, tỉnh Hậu Giang (Sóc Trăng) phải đi tàu vì không có đường bộ. 9-10 giờ tối, xuống bến Ninh Kiều hay đến Ngã Bảy lên tàu nằm võng xuôi dòng về Ngã Năm (Sóc Trăng) đến 5 giờ sáng mới đặt chân lên chợ Ngã Năm. Đó là chuyện đi công tác, còn chuyện tác nghiệp thì vất vả hơn nhiều. Nhớ một lần được phân công đi viết bài thủy lợi mùa khô tại huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Hậu Giang (nay là tỉnh Sóc Trăng), phải đi băng qua những cánh đồng để tìm đến nơi đào kênh. Ở đây, đa số là bà con dân tộc Khmer, gặp các em nhỏ người Khmer hỏi đường đi, khổ là các em này không biết tiếng Việt, họ trả lời bằng tiếng Khmer. Bó tay! Cuối cùng cũng băng qua ruộng đồng tìm được điểm đến. Nắng mùa khô giữa đồng ruộng như trút lửa nhưng phóng viên phải lội bộ di chuyển để đến từng tổ đội để ghi nhận tiến độ công trình, để ghi nhanh phản ánh không khí lao động trên công trường. Công trường giữa đồng ruộng, nước mặn, nước uống không đủ uống nói chi là nước để tắm. Chiều tối, mỗi phóng viên được một thùng nước để tắm. Đó là chế độ cao chứ anh em đào kênh đắp bờ thì chịu “dơ” không có nước tắm rửa. Tối đến, phóng viên ngủ giữa đồng ruộng, không mùng mền, chăn gối, tha hồ cho muỗi “hút máu”. Tuy vất vả như vậy nhưng đối với phóng viên trẻ mới vào nghề rất hứng thú và “máu lửa” với nghề.
Các phóng viên báo chí tác nghiệp. |
Còn huy động lương thực tác nghiệp vất vả chẳng thua gì thủy lợi mùa khô. Hằng năm, cứ sau Tết, vào tháng Giêng là thu hoạch lúa, ngày ấy hằng năm chỉ làm một vụ lúa, phóng viên được phân công xuống địa bàn thường là huyện để phản ánh tiến độ huy động lương thực (thu thuế, mua lúa của các hộ dư thừa định mức). Lúa các xã huy động tập kết đổ thành đống như cát. Phóng viên phải di chuyển từ xã này đến xã khác (đi bộ) để ghi nhận tiến độ thu mua lương thực để phản ánh tiến độ huy động lương thực của huyện để tỉnh có thông tin chỉ đạo chung toàn tỉnh.
Ngày đó, Đại hội Đảng bộ địa phương yêu cầu phóng viên, nhà báo là đảng viên mới đủ điều kiện dự. Nhưng rồi đất nước đổi mới, báo chí cũng đổi mới, các nhà báo không phải là đảng viên được dự Đại hội Đảng bộ; và các nhà báo này có nhiều tin bài phản ánh, tuyên truyền tốt, góp phần Đại hội Đảng bộ các địa phương thành công tốt đẹp. Báo chí hôm nay đã nhiều đổi mới, cạnh tranh quyết liệt, đòi hỏi nhà báo, phóng viên cũng tranh đua đi tìm chất liệu mới, thông tin nhanh vừa đáp ứng nhu cầu bạn đọc, vừa hướng đến mục tiêu quốc gia, lợi ích dân tộc.
Bước vào thời kì đổi mới, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long được làm chủ mảnh ruộng miếng vườn của mình, đã nhiều đổi thay, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp trở thành vùng nông nghiệp lớn nhất nước. Tuy nhiên nền nông nghiệp nơi đây chưa bền vững, điệp khúc mất mùa được giá, trúng mùa mất giá vẫn thường xuyên xảy ra. Khi hàng hóa nông sản bị ứ đọng, mất giá, không ít nhà báo, phóng viên xem là đề tài đang “hot” vào cuộc viết bài phản ánh.
Chuyện hạt gạo, con tôm, con cá,…ở Đồng bằng sông Cửu Long luôn “ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh”, nhiều lúc dư thừa, cả nông dân và doanh nghiệp cùng lao đao. Những lúc hàng triệu tấn gạo tồn đọng trong kho doanh nghiệp, lúa nông dân không thương lái nào mua; doanh nghiệp xuất khẩu cá tra không có đầu ra bị tồn kho, hàng trăm ngàn tấn cá tra đã tới lứa không ai mua, người nuôi như ngồi trên đống lửa với tiền thức ăn cho cá ngày càng tăng lên, nợ ngân hàng ngày càng lớn ra, anh em đồng nghiệp trách tôi: “Ông làm báo sao không quan tâm viết bài, lúa gạo, cá tra bị ế ẩm vậy…”. Thật ra thông tin đó ai mà không quan tâm nhưng làm thế nào để truyền thông có lợi cho nông dân, cho doanh nghiệp của nước mình đó mới là quan trọng. Nhiều doanh nghiệp trách anh em báo chí: “Tại báo chí mấy ông viết nên các nhà nhập khẩu biết thông tin gạo, tôm cá mình đang ứ đọng nên họ tìm mọi cách ép giá. Chúng tôi nghĩ báo chí mình không nên đưa thông tin lúc dư thừa, giá tụt giảm mà đưa những lúc hàng hóa nông, thủy sản đang khan hiếm, giá tăng… thì thông tin này rất có lợi cho nông dân, doanh nghiệp chúng tôi. Gạo, tôm cá sẽ chắc chắn bán được giá cao hơn, có lợi cho đất nước mình hơn…”
Vâng! Đúng là viết báo cần những con số để minh chứng cho sự tăng, giảm như về giá cả, sản lượng, thị trường, đầu tư, xuất nhập khẩu, ngân hàng… nhưng đâu phải lúc nào cũng viết được. Bởi thông tin rất nhạy cảm với thị trường. Không ít doanh nghiệp và nông dân phàn nàn báo chí viết về hàng nông sản, thủy sản ứ đọng dư thừa vô tình đẩy giá xuống càng thê thảm hơn. Nhớ cách đây hơn 15 năm trước, Ấn Độ là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, năm đó họ trúng mùa nhưng thông tin của họ là đang bị hạn El Nino bị mất mùa và có khả năng phải nhập khẩu gạo. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước ta họp bàn là “găm hàng” chờ giá cao mới xuất khẩu. Không ngờ, thông tin Ấn Độ đã đẩy giá gạo xuất khẩu lên họ bán hàng ra, còn doanh nghiệp ta chờ giá lên để xuất khẩu, kết quả là sau đó giá gạo tụt giảm, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã mất cơ hội.
Chất liệu báo chí sông nước miệt vườn miền Tây Nam Bộ vô vàn phong phú. Nơi đây đã có hàng ngàn nhà báo, phóng viên đang ngày đêm tranh đua tác nghiệp từ đề tài đến thời gian đăng tải thông tin. Tuy nhiên, để có chất liệu cho bài viết có chiều sâu, hấp dẫn bạn đọc thì phải cất công đi tìm chất liệu cuộc sống thường nhật của cư dân miền Tây sông nước. Hiểu được người miền Tây mới có được bài viết đúng chất liệu miền Tây, được bạn đọc mến thương. Để làm được điều đó không đơn giản chút nào!