Xã Hưng Long, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương: Nhiều nội dung chưa được kết luận thanh tra làm rõ!
Nhịp cầu bạn đọc 22/01/2021 09:28
Sau khi nhận được nhiều ý kiến phản ánh, kiến nghị của một số cán bộ, đảng viên và Nhân dân xã Hưng Long, về các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của ông Bùi Quang Quỳ, Chủ tịch UBND xã Hưng Long và một số cá nhân liên quan. Qua đơn của cử tri, HĐND xã yêu cầu UBND xã trả lời bằng văn bản về những nội dung kiến nghị, nhưng UBND xã không trả lời.
Chi ủy Chi bộ thôn Hán Lý đã trích 6 nội dung Nghị quyết của Chi bộ tháng 8/2020, gửi Đảng ủy và đề nghị trả lời Chi bộ bằng văn bản. Sau hơn một tháng đề nghị, nhưng Đảng ủy cũng không trả lời. Với những cách xử lí giải quyết của các cơ quan nêu trên, ông Tùng (người tố cáo) không đồng tình.
Tháng 8/2020, ông Tùng đã có đơn phản ánh đến lãnh đạo UBND huyện Ninh Giang đề nghị được làm sáng tỏ, qua thời gian tiếp nhận và xem xét. Đến ngày 14/9/2020, Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang ra Quyết định số 4402/QĐ-UBND về việc Thanh tra đột xuất tại UBND xã Hưng Long. Tại quyết định này đã nêu rõ thời hạn thanh tra là 30 ngày làm việc, nhưng quá thời hạn UBND huyện chưa có Kết luận thanh tra.
Sau 97 ngày chờ đợi, Thanh tra huyện Ninh Giang mới tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang ban hành Kết luận số 06/KL-UBND ngày 21/12/2020 về việc Thanh tra đột xuất tại UBND xã Hưng Long.
Kết luận Thanh tra đột xuất tại xã Hưng Long số 06/KL-UBND ngày 21/12/2020 |
Tuy nhiên theo ông Tùng, nội dung Kết luận thanh tra không phản ánh đúng toàn bộ hành vi sai phạm, mà ông Quý cùng các cá nhân có liên quan đã thực hiện. “Thậm chí, Kết luận Thanh tra của huyện có dấu hiệu bao che, dung túng cho các sai phạm?” ông Tùng đặt vấn đề.
Thứ nhất, kết luận thu tiền của 9 hộ dân để xử lí đất dôi dư, xen kẹt chưa khách quan.
Trong đơn phản ánh gửi lãnh đạo UBND huyện Ninh Giang, ông Tùng nêu rõ những sai phạm trong quá trình thực hiện “hợp thức hóa” đất dôi dư, xem kẹt cho một số hộ dân trong địa phương. Tuy nhiên, nội dung trong Kết luận Thanh tra lại không rõ ràng, không đúng với thực tế mà người dân đã phản ánh. Các nội dung trong quá trình thanh tra chưa được làm rõ như: Tổng số hộ đủ điều kiện được xử lí đất dôi dư là 22 hộ, nhưng thu tiền “bôi trơn, làm nhanh” chỉ có 9 hộ, với tổng số tiền là 81.820.000 đồng; Xã nói tự nguyện, nhưng trong số 22 hộ được xử lí, mà chỉ có 9 hộ nộp tự nguyện. Cho rằng tự nguyện nộp tiền, nhưng ngày 12/9/2018, UBND xã lại phải mời 9 hộ dân đến họp và quy định mức giá của từng vị trí thửa đất để các hộ nộp!?.
Việc thực hiện thu tiền tự nguyện này, không phải cán bộ chuyên môn thu, mà người trực tiếp thu là lãnh đạo UBND xã. Thu tiền không có hóa đơn chứng từ thể hiện việc thu. Đảng ủy, Thường trực HĐND xã và UBND xã không ai biết; Số tiền 79.135.000 đồng theo như Kết luận để thực hiện các công việc như: Trích đo địa chính thửa đất, lập bản đồ, hồ sơ địa chính thửa đất phục vụ việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, việc tổ chức các cuộc họp liên quan, việc in ấn các tài liệu có khổ giấy lớn cho đơn vị đo đạc là không đúng. Các kinh phí chi cho việc này, đã chi từ ngân sách theo quy định và được tính trong mỗi mét vuông đất, mà các hộ đã nộp tại Kho bạc. Chỉ có 9/22 hộ phải nộp chi phí này để thực hiện, mà 13 hộ còn lại không phải nộp kinh phí này. Thu tiền của 9 hộ từ năm 2017, sau khi người dân phản ánh cho rằng những năm trước việc xử lí đất dôi dư không phải nộp phí “bôi trơn”, nhưng lãnh đạo UBND xã lại gợi ý, để người dân phải nộp khoản phí này cho trực tiếp lãnh đạo UBND xã.
Đến tháng 7/2020, tại kì họp thứ 3 HĐND xã, sau khi người dân phản ánh gay gắt và có đơn thư, lãnh đạo UBND xã chỉ đạo cán bộ chuyên môn ứng tiền cá nhân ra để trả lại số tiền 81.820.000 đồng cho 9 hộ dân. Nhưng thực tế, Kết luận Thanh tra không chỉ ra cán bộ nào bỏ tiền ra trả dân. Trong khi Nhân dân có đơn phản ánh, thì lãnh đạo UBND xã mới trả lại cho dân được cho là tiền “tự nguyện”.
Trước khi triển khai việc xử lí đất dôi dư xen kẹp, UBND xã còn thu tiền đặt cọc là 2 triệu đồng/hộ (có phiếu thu tiền), và nói với các hộ dân khi nào xử lí xong sẽ đối trừ. Nhưng, khi người dân nộp tiền theo quy định thì lại không được đối trừ. Số tiền trên được chi vào đâu, chi cho ai, ai giữ số tiền còn thừa đó? Thanh tra huyện Ninh Giang không xác minh, làm rõ nội dung này.
Thứ hai, kết luận thu, sử dụng tiền bến bãi theo hợp đồng thầu đấu giữa UBND xã và ông Phạm Thành Lập.
Theo nội dung Kết luận, UBND xã Hưng Long thu tiền không báo cáo Phòng Tài chính, không nộp vào ngân sách xã tại kho bạc là trái với Điều 5, Luật Ngân sách Nhà nước và được cụ thể hóa tại Điều 2 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016, quy định rất rõ về tiền cho thuê đất phải nộp vào ngân sách Nhà nước, Kho bạc Nhà nước huyện Ninh Giang.
Việc cố tình làm sai trên trách nhiệm thuộc về ai, biện pháp xử lí thế nào, vẫn chưa được làm rõ. Đặc biệt, các nội dung sau đây vẫn chưa được làm rõ, để xử lí trách nhiệm của cá nhân liên quan: Số tiền 164.250.000 đồng theo kết luận đã chi làm một số công trình tại địa phương lại chưa có Nghị quyết của Đảng ủy, HĐND xã. Hồ sơ dự án cũng không có; Số tiền đã nộp vào kho bạc là 55.750.000 đồng (trong đó, năm 2018 nộp 20.000.000 đồng; năm 2020 nộp 35.750.000 đồng). Nhưng không biết số tiền 35.750.000 đồng nộp về Kho bạc huyện vào thời gian nào của năm 2020, trước hay sau khi có đơn thư phản ánh của Nhân dân, phía UBND xã mới nộp.
Thứ ba, kết luận UBND xã tự ý cho ông Phạm Thành Lập xây dựng trạm trộn bê tông tươi trên diện tích bến bãi.
Theo ông Tùng, Kết luận đưa không đúng, sai lệch như sau: Ngày 20/5/2020, ông Phạm Thành Lập có đơn xin lập trạm trộn là sai, mà là ngày 20/5/2019; Ngày 22/5/2020, UBND xã có Biên bản làm việc với ông Lập nhất trí cho ông Lập xây dựng trạm trộn là sai, mà là ngày 22/5/2019; Ngày 17/6/2020, Ban chấp hành Đảng bộ xã chấp thuận báo cáo của UBND xã là sai, mà là ngày 3/6/2019; Năm 2020, việc UBND xã cho phép ông Lập xây dựng trạm trộn là sai, vì trạm trộn bê tông tươi này đã hoạt động từ tháng 6/2019.
UBND xã Hưng Long nơi ông Tùng và nhân dân phản ánh |
Tháng 5/2019, khi ông Lập tự ý san gạt, xây dựng trạm trộn bê tông tươi trên diện tích bến bãi đấu thầu, thì vấp phải ý kiến phản ứng của Nhân dân. Để trấn an dư luận, ngày 20/5/2019, ông Lập mới làm đơn đề nghị UBND xã Hưng Long cho phép xây dựng trạm trộn bê tông tươi. Ngày 22/5/2019, UBND xã Hưng Long đã đồng ý cho ông Lập thực hiện. Theo ông Tùng, đây là việc làm mà lãnh đạo UBND xã đã coi thường các quy định của pháp luật, vi phạm về quy chế dân chủ, vi phạm về Luật Đất đai, như: Lãnh đạo UBND xã đã không báo cáo xin ý kiến của Thường trực Đảng ủy, Thường trực HĐND; Tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ diện tích đất cho thuê làm bến bãi để tập kết vật liệu mùa mưa bão, sang mục đích khác khác là làm trạm trộn bê tông tươi. Điều này là hoàn toàn trái với quy định của Luật Đất đai, UBND xã không có thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Ngày 3/6/2019, Đảng ủy xã mới họp thông qua và giao cho UBND xã căn cứ vào quy định của Luật Đất đai và các quy định về thầu khoán làm việc với ông Lập thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Qua sự việc trên cho thấy, Chủ tịch UBND xã Bùi Quang Quỳ không thực hiện theo quy định pháp luật, coi thường ý kiến nhân dân, vi phạm quy chế dân chủ. Chủ tịch UBND xã là người đứng đầu UBND xã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi để xảy ra sai phạm theo Điều 207 Luật Đất đai.
Thứ tư, về các hộ dân hỗ trợ Công ty May Hải Anh 6.000 đồng/m2 diện tích để lập xưởng may.
Trong việc đền bù hoa màu cho Nhân dân, theo quy định số tiền mà doanh nghiệp phải chi trả thiệt hại hoa màu cho người dân có diện tích ruộng 03 bị thu hồi là 8.000đồng/m2. Nhưng, Chủ tịch UBND xã đã đứng lên xin người dân nói là cho doanh nghiệp 6.000 đồng/m2 và doanh nghiệp chỉ phải chi trả cho người dân số tiền là 2.000 đồng/m2. Trong lúc đó, không có lãnh đạo của doanh nghiệp, mà chỉ có Chủ tịch UBND xã và kế toán Công ty Hải Anh giải ngân. Nếu doanh nghiệp thực sự muốn xin người dân số tiến đó, thì lãnh đạo doanh nghiệp phải có mặt và là người trực tiếp đứng lên xin người dân, nhưng không hiểu sao Chủ tịch UBND xã Hưng Long Bùi Quang Quỳ đứng ra xin? Qua việc này, ông Tùng cho rằng, Chủ tịch UBND xã Hưng Long chưa thực sự quan tâm, lo lắng cho người dân. Trong lúc Nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn, lẽ ra, Chủ tịch UBND xã phải có trách nhiệm, đứng về phía người dân, lo toan cho dân, nhưng lại đi “xin tiền” của người dân để hỗ trợ cho doanh nghiệp là phi lí.
Thứ năm, về thi công hố rác tập trung.
Năm 2017, UBND tỉnh Hải Dương hỗ trợ xã Hưng Long xây dựng hố chôn rác tập trung hợp vệ sinh, với số tiền 500 triệu đồng. Đơn vị thi công và tư vấn giám sát lập dự toán và phê duyệt Báo cáo kinh tế kĩ thuật với tổng mức đầu tư 542.575.000 đồng. Với vai trò là chủ đầu tư, UBND xã Hưng Long và đơn vị thi công lại không có tinh thần trách nhiệm, có tư tưởng là tiền đi xin thì làm thế nào cũng được, không thực hiện đúng và đầy đủ theo quy định để thực hiện dự án, cụ thể: Không thành lập Ban giám sát Cộng đồng; Việc thi công đào đắp khối lượng, vận chuyển đất không đúng như dự toán thiết kế, hệ thống thu khí chưa hoàn thành, bạt chống thấm và ống thoát nước còn dở dang. Vậy mà Chủ tịch UBND xã vẫn ký hoàn công cho đơn vị thi công rút tiền tại Kho bạc Nhà nước, với số tiền là 490.703.000đ. Trong khi đó công trình chưa hoàn thiện, nhiều hạng mục công trình so với thiết kế không thực hiện vẫn được nghiệm thu.
Việc thi công hố chôn rác chưa hoàn thành, nhưng Chủ tịch UBND xã Hưng Long lại tham mưu cho Đảng ủy, HĐND đưa vào quy hoạch cụm Công nghiệp để bán cho Công ty May Hải Anh. Ông Tùng cho rằng, Tỉnh cho tiền xây dựng hố chôn rác, nhưng Nhân dân không được sử dụng. Nhà nước mất tiền đầu tư, gây lãng phí tiền của Nhà nước và Nhân dân.
Với những nội dung phản ánh, kiến nghị của cán bộ, đảng viên và đặc biệt là đơn thư phản ánh của công dân tới UBND huyện Ninh Giang là hoàn toàn đúng sự thật và có căn cứ, có cơ sở xác minh về việc làm cho là tắc trách, thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm các quy định của pháp luật của UBND xã Hưng Long, đứng đầu là ông Quỳ, Chủ tịch UBND xã. Qua kết luận Thanh tra của Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang, ông Tùng cho rằng, Thanh tra huyện Ninh Giang chưa chỉ ra cũng như chưa làm rõ những nội dung từng sự việc, trách nhiệm thuộc về ai, sai phạm ở mức độ nào, có thiệt hại về kinh tế hay không? Đánh giá mới chỉ ở góc độ là thiếu sót, chứ chưa cho là sai phạm, vi phạm, mới chỉ mang tính chung chung, chưa thực sự trung thực và khách quan. Đặc biệt là biện pháp xử lí trách nhiệm khi để xảy sai phạm của Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang đã đưa ra hoàn toàn thiếu thuyết phục trước Nhân dân và dư luận.
Được biết, ông Tùng đã làm đơn đề nghị Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, Chánh Thanh tra tỉnh Hải Dương xem xét, kiểm tra và làm rõ những dấu hiệu sai phạm trên.