Vụ Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất đấu giá ở Thủ Thiêm: Cần có chế tài nghiêm khắc hơn.
Nhịp cầu bạn đọc 13/01/2022 07:30
4 lô đất đấu giá nằm ở vị trí đắc địa trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm. |
Ngày 10/12/2021, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên của Tân Hoàng Minh) trúng thầu lô đất 3-12 ở Thủ Thiêm với giá 24.500 tỷ đồng và đã đặt cọc 588,4 tỷ đồng. 7 ngày sau đó, Tân Hoàng Minh đã ký hợp đồng mua bán với các cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh. Vụ thắng thầu này với giá đất lên cao chưa từng có là 2,4 tỷ/m2 gây ra nhiều dư luận trái chiều. Nhiều chuyên gia trong ngành bất động sản vẫn không giải thích được cơ cấu giá đất như thế và không hình dung bài toán lợi nhuận của công ty này. Dư luận cũng lo lắng việc tăng giá đất ảo làm vỡ kế hoạch bình ổn thị trường bất động sản. Các chuyên gia pháp lý lo ngại chuyện chế tài của pháp luật chưa đủ mạnh có thể lặp lại vết xe đổ trước đó là, người thắng thầu bỏ “cuộc chơi” giữa chừng. Thậm chí có người đề nghị tăng mức chế tài để đủ sức răn đe những hành vi vi phạm. Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh đề nghị ngoài việc chế tài như quy định hiện hành còn phải cấm đơn vị vi phạm tham gia đấu thầu trong một thời gian nhất định.
Sau khi báo chí đăng tâm thư giải thích và xin chuyện bỏ cuộc của Chủ tịch Tân Hoàng Minh ông Đỗ Anh Dũng, không bất ngờ vì đã nằm trong dự đoán của nhiều người. Ông Đỗ Anh Dũng đã nói: “Chúng tôi xin tự nguyện đơn phương chấm dứt Hợp đồng mua bán đấu giá tài sản ô đất 3-12 khu chức năng số 3 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức trực thuộc thành phố Hồ Chí Minh”. Ông Đỗ Anh Dũng cũng cho biết doanh nghiệp sẽ chấp nhận chịu mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng này theo quy định của pháp luật về việc đấu giá tài sản công.
Khi việc từ bỏ thắng thầu của Tân Hoàng Minh được loan đi, một chuyên gia kinh tế nói rằng Việc Tân Hoàng Minh muốn hủy người ta đã đoán từ đầu vì mức giá đó là bất hợp lý, doanh nghiệp sẽ hủy cọc nhưng có nhiều người tin rằng doanh nghiệp đã xác nhận ký hợp đồng mua bán. Nhưng theo quy định của luật pháp Việt Nam, thời gian cọc tới 90 ngày.
Một chuyên gia thẳng thắn nhận định với người viết qua điện thoại là, doanh nghiệp chỉ thổi giá đất chứ làm gì có tiềm lực để thực thi việc thắng thầu giá ngất ngưỡng như vậy, nhất là trong lúc các ngân hàng siết chặt dòng tín dụng đổ vào bất động sản như hiện nay.
Một số ý kiến người dân không hiểu tại sao một doanh nghiệp lớn như vậy mà trong những phút “bốc đồng” không chịu thua ai mà đưa ra quyết định gây hậu quả mất toi gần 600 tỷ đồng; đó là chưa nói đến những ảnh hưởng không hay ho gì cho nền kinh tế và cộng đồng như các chuyên gia phân tích. Theo lý giải các chuyên gia là, có nhiều lý do khiến doanh nghiệp đấu giá rất cao. Một là họ đẩy giá lên thông qua đó đẩy giá thị trường. Họ có thể bán/mua những mảnh đất xung quanh đó. Giá đất tăng bù thừa so với mức cọc. Hai, họ cũng có thể có bài toán chiến đấu với đối tác là những người muốn mua mảnh đất đó. Họ làm lỡ nhịp của nhà đầu tư khác.
Giờ đây các ý kiến phân tích rằng, việc bỏ cọc lô đất đấu giá của Tân Hoàng Minh sẽ làm cho giá cả thị trường khu vực Thủ Thiêm sẽ xuống và dần dần trở lại mặt bằng cũ. Trên thực tế trong những ngày vừa qua, những người bán đất quanh khu vực Thủ Thiêm có tăng giá và người mua cũng không vội vã gì chốt cọc, nên thị trường bất động sản ế ẩm và trầm lắng. Tuy có vẻ xôn xao nhưng thực tế rất ít các giao dịch được thực hiện. Vì tâm lý người bán cũng còn nghe ngóng xem giá còn còn cao nữa không, người mua càng phải thận trọng hơn vì sự vô lý này?
Qua sự kiện bất thường và kết quả xảy ra đúng như đoán của dư luận này, các chuyên gia cho rằng tác động tiêu cực đến xã hội là có. Làm sao để ngăn chặn việc này xảy ra trong tương lai là việc cần phải làm ngay của các cơ quan chức năng. Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, việc đấu giá đưa ra mức quá cao rồi hủy cọc gây nhiều hậu quả cho xã hội. việc này xảy ra sẽ tạo tiền lệ xấu nên cần phải nhanh chóng xây dựng cơ chế pháp lý đủ mạnh trong luật đầu thầu tài sản công.