Vụ kiện chính sách người lao động bị xâm hại: Bên bị kiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm
Pháp luật - Bạn đọc 23/05/2019 16:26
Thống nhất tại phiên đối thoại, nhưng chưa có… “bôi trơn”!?
Chiều 21/3/2019, tại trụ sở TAND tỉnh Quảng Bình, tiếp tục tiến hành phiên đối thoại (lần 3) của các đương sự, về giải quyết vụ án hành chính sơ thẩm thụ lí số 13/2018/TLST-HC ngày 13/12/2018 của TAND tỉnh, người khởi kiện yêu cầu: “Hủy quyết định của Giám đốc Sở LĐ-TB&XH...”. Người khởi kiện, ông Nguyễn Minh Mẫn (sinh 1950), thường trú thôn 16, xã Lộc Ninh, TP Đồng Hới có mặt. Người bị kiện, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh, người đại diện theo ủy quyền: Người đại diện theo ủy quyền ông Phạm Thành Đồng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình có mặt. Người đại diện theo ủy quyền của Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), ông Nguyễn Mậu Nam, Phó Giám đốc Sở có mặt.
Ý kiến của người khởi kiện, đã nhiều lần chứng minh hồ sơ, với hàng chục tài liệu, chứng cứ, trong đó: Danh sách cán bộ, công nhân đợi tuổi hưu có ông Nguyễn Minh Mẫn 25 năm công tác (do Hội đồng giải thể thuộc UBND tỉnh Quảng Bình duyệt ngày 2/12/1997); Văn bản số 264/LĐTBXH-CS ngày 20/8/2002 của Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình, xác nhận ông Nguyễn Minh Mẫn có 23 năm đóng bảo hiểm xã hội (sau khi khiếu nại).
Thế nhưng, ông Phạm Thành Đồng tùy tiện: “chỉ nhất trí giải quyết chính sách ông Mẫn 20 năm bảo hiểm xã hội. Đề nghị Sở VH-TT&DL làm văn bản để Sở LĐ-TB&XH xem xét giải quyết”. Ý kiến của ông Nguyễn Mậu Nam: “Nếu ông Mẫn nhất trí giải quyết chính sách 20 năm bảo hiểm xã hội, thì Sở căn cứ vào Danh sách do Hội đồng giải thể của tỉnh duyệt năm 1997 và Hội nghị liên ngành năm 2012, đề nghị Sở LĐ-TB&XH giải quyết chính sách bảo hiểm xã hội của ông Mẫn là 20 năm” (theo ý ông Phạm Thành Đồng). Luật sư Hồ Lý Hải yêu cầu, giải quyết tối thiểu 23 năm bảo hiểm xã hội cho ông Mẫn, theo văn bản của Giám đốc Sở LĐ-TB&XH kí năm 2002, bởi có căn cứ pháp lí.
Do quá mệt mỏi, bởi đã trên 9 năm trường đi gõ cửa các cơ quan chức năng, nguyên đơn đành ghi ý kiến: “Nhất trí giải quyết chính sách bảo hiểm xã hội 20/25 năm công tác. Đợi kết quả giải quyết xong, tôi mới rút đơn khởi kiện. Đó là bước hòa giải. Còn nếu đợi Tòa xét xử thì phải theo kết quả của 2 văn bản hiện còn giá trị pháp lí”.
Ngày 29/3/2019, Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Bình có Văn bản số 225/SVHTT-TCPC gửi TAND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình: “Căn cứ Biên bản đối thoại ngày 21/3/2019; Biên bản Hội nghị liên ngành ngày 21/9/2012; Danh sách công nhân đợi hưu, do Hội đồng tỉnh kí ngày 2/12/1997, Sở VH-TT&DL tiếp tục xác nhận thời gian công tác của ông Mẫn có 20 năm đóng bảo hiểm xã hội (đã được xác nhận tại Công văn số 447/SVHTTDL-VP ngày 21/9/2012, Công văn số 236/SVHTTDL-TCCB ngày 13/5/2014). Đề nghị Sở LĐ-TB&XH giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, hưu trí cho ông Nguyễn Minh Mẫn”.
Sở LĐ-TB&XH trì trệ, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm
Phiên đối thoại ngày 21/3/2019 đã qua hơn 1 tháng, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình vẫn “bặt vô âm tín” (nói nhưng không làm), chưa có động thái tích cực phục vụ dân (mặc dù hưởng lương từ tiền thuế của dân). Như vậy, Sở LĐ-TB&XH chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm thượng tôn pháp luật, mặc dù tại Biên bản đối thoại, các đương sự, trong đó có ông Phạm Thành Đồng đã thống nhất kí bảo hiểm xã hội cho ông Mẫn 20 năm.
Ngày 2/5/2019, thẩm phán Từ Thị Hải Dương kí Văn bản số 47/CV-THC gửi Sở LĐ-TB&XH, UBND tỉnh Quảng Bình: “Theo kết quả đối thoại ngày 21/3/2019, ngày 1/4/2019, TAND tỉnh đã nhận được Công văn số 225/SVHTT-TCPC ngày 29/3/2019 của Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Bình, xác nhận thời gian công tác của ông Mẫn 20 năm đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, đến nay Sở LĐ-TB&XH vẫn chưa có văn bản gửi cho TAND tỉnh thực hiện kết quả đối thoại trên. Vậy, đề nghị Sở LĐ-TB&XH phải gửi văn bản kết quả giải quyết cho TAND tỉnh Quảng Bình”.
Ngày 9/5/2019, TAND tỉnh Quảng Bình mới nhận được Văn bản trả lời số 680/SLĐTBXH-CSLĐ ngày 7/5/2019 của Sở LĐ-TB&XH, có nội dung: “Sở LĐ-TB&XH nhận được Công văn số 225/SVHTT-TCPC ngày 29/3/2019 của Sở VH-TT&DL, tiếp tục xác nhận thời gian công tác của ông Mẫn kèm hồ sơ liên quan, Sở LĐ-TB&XH có ý kiến như sau:
Hồ sơ, lí lịch của ông Nguyễn Minh Mẫn có thời gian công tác từ tháng 10/1972 đến tháng 12/1996, nhưng tại Công văn số 225 của Sở VH-TT&DL chỉ xác nhận thời gian công tác của ông Mẫn từ tháng 8/1974 đến tháng 7/1994; Sở VH-TT&DL chưa xác nhận lí do nghỉ việc, diễn biến tiền lương, chưa nhận trợ cấp thôi việc, trợ cấp một lần và giải trình lí do mất hồ sơ gốc đối với NLĐ quá trình công tác trước ngày 1/1/1995, theo quy định tại Khoản 7, Điều 23 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ. Do đó, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình chưa có đủ cơ sở xem xét…”.
Văn bản số 225 ngày 29/3/2019 của Sở VH-TT&DL; Công văn số 47 ngày 2/5/2019 của TAND tỉnh, yêu cầu Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình trả lời
Câu hỏi được đặt ra: Hơn 1 tháng, Sở LĐ-TB&XH mới trả lời từ chối giải quyết, có làm khó NLĐ? Vì sao Sở LĐ-TB&XH không đề cập chi tiết cụ thể vào Biên bản đối thoại chiều 21/3/2019, mà “Thống nhất, đề nghị giải quyết chính sách 20 năm đóng bảo hiểm xã hội cho ông Nguyễn Minh Mẫn”? Sở LĐ-TB&XH thừa nhận: “Danh sách công nhân đợi hưu” có tên ông Mẫn, kèm bậc lương, do Hội đồng giải thể tỉnh Quảng Bình duyệt ngày 2/12/1997 (chưa kể chứng nhận lương ở đơn vị cũ Bình Trị Thiên kí năm 1989, Bảng lương CBCN Công ty (năm 1994) được phát hiện lưu giữ ở Sở LĐ-TB&XH). Văn bản số 264 ngày 20/8/2002: “Thời gian công tác hưởng bảo hiểm xã hội 23 năm của ông Mẫn, do Giám đốc Sở LĐ-TB&XH kí đang có giá trị pháp lí, thì Sở cố né tránh đề cập? “Xác nhận và đề nghị giải quyết bảo hiểm xã hội của ông Nguyễn Minh Mẫn”, do Sở VH-TT&DL kí ngày 22/11/2013 gửi UBND tỉnh, Sở LĐ-TB&XH, cùng hàng chục văn bản khác, đã nói rõ lí do đơn vị thua lỗ, không có tiền trả lương công nhân, nên ngày 7/8/1997, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình có Quyết định số 961/QĐ-UB, giải thể DNNN Công ty Nhiếp ảnh - Mĩ thuật. Sở LĐ-TB&XH yêu cầu “giải trình mất hồ gốc”. Cụ thể hồ sơ, tài liệu nào mất? Sở LĐ-TB&XH thừa nhận: “Hồ sơ, lí lịch của ông Nguyễn Minh Mẫn có thời gian công tác từ tháng 10/1972 đến tháng 12/1996”. Vậy, cụ thể mất tài liệu nào? Như vậy, Sở này áp đặt và mâu thuẫn với các kết quả, thậm chí “gậy ông tự đập lưng ông”. Thời điểm UBND tỉnh Quảng Bình xử lí vấn đề này là năm 1997, nên Sở phải có trách nhiệm giải quyết tồn đọng, phải áp dụng Luật Lao động (sửa đổi năm 2002); Thông tư liên Bộ ngày 17/3/1994; Nghị định số 12/CP ngày 26/1/1995 của Chính phủ, Công văn số 843/LĐTBXH ngày 25/3/1996 của Bộ LĐ-TB&XH thì mới hợp lí. Ngược lại, Sở LĐ-TB&XH tỉnh này máy móc, áp dụng Khoản 7, Điều 23 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ, để đùn đẩy trách nhiệm cho Sở VH-TT&DL giải quyết “nợ” đọng năm 1997, còn mình là vô can?
Trao đổi vấn đề này, thẩm phán Từ Thị Hải Dương cho rằng: Tòa sẽ tiến hành đưa vụ án ra xét xử theo luật định. Dư luận yêu cầu thượng tôn pháp luật, kiên quyết bảo vệ công lí, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ là không thể xem nhẹ.
Hướng Dương - Nguyễn Bảo