Vụ Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn bị bắt: Lợi ích của nhà đầu tư được giải quyết như thế nào?
Pháp luật - Bạn đọc 14/03/2024 12:45
Sau thông tin Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu bị bắt, nhiều người cao tuổi là nhà đầu tư mua bất động sản của đơn vị này bày tỏ lo lắng. Bởi, hàng loạt dự án của Tập đoàn Phúc Sơn với số vốn đầu tư hàng nghìn tỉ đồng, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa hoàn thiện, chậm tiến độ nhiều năm.
Có thể kể đến là Dự án Khu trung tâm thương mại và nhà ở Phúc Sơn ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Theo phản ánh của người dân thì dự án này, đất thương mại đã được rao bán hết và được môi giới hứa hẹn chỉ một thời gian ngắn là có sổ đỏ. Nhưng nhiều năm nay những hộ dân sinh sống tại Khu trung tâm này vẫn chưa được cấp sổ.
Trong một diễn biến khác, thông tin từ Bộ Công an cho biết, bước đầu, cơ quan điều tra mới xem xét 2 dự án của Tập đoàn Phúc Sơn ở Vĩnh Phúc đã phát hiện việc bỏ ngoài sổ sách, không kê khai hệ thống tài chính, trốn thuế, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước trên 640 tỉ đồng.
Nhiều dự án bất động sản chưa đủ điều kiện để bán mà Công ty đã bán và thu tiền nhưng không giao đất cho nhà đầu tư, gây thiệt hại cho người dân hàng chục nghìn tỉ đồng.
Dưới góc độ pháp lí, TS, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, đối với những dự án bất động sản là nhà ở thương mại mà đại diện chủ đầu tư vi phạm pháp luật, bị xử lí hình sự, vấn đề trách nhiệm dân sự đối với dự án đó sẽ được đặt ra đối với các chủ thể có liên quan.
Trong trường hợp dự án là hợp pháp, việc xây dựng đúng theo quy định của pháp luật và việc kí kết hợp đồng mua bán với khách hàng là theo trình tự thủ tục luật định, quyền lợi của khách hàng sẽ được pháp luật bảo vệ.
Cơ quan chức năng sẽ tạo điều kiện để hoàn tất các thủ tục pháp lí, bảo đảm quyền lợi của những người mua nhà theo quy định của pháp luật về nhà ở, về kinh doanh bất động sản.
Trường hợp kết quả điều tra, xác minh của cơ quan chức năng xác định dự án xây dựng có vi phạm, việc cấp phép (chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy phép xây dựng, giao đất...) không đúng pháp luật hoặc xây dựng không đúng quy định, không có giấy phép hoặc sai giấy phép dẫn đến phải thu hồi dự án hoặc phải cưỡng chế tháo dỡ các phần xây dựng trái phép, khi đó quyền lợi của khách hàng mua nhà sẽ gặp rủi ro.
Trường hợp dự án bị thu hồi theo quy định của pháp luật hoặc nhà ở bị tháo dỡ do vi phạm trật tự xây dựng, các hợp đồng giao dịch với khách hàng đã kí kết sẽ bị tuyên bố vô hiệu, hủy bỏ và doanh nghiệp phải trả lại tiền cho khách hàng và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp vi phạm không còn đủ tiền để trả thì khách hàng sẽ gặp nhiều rủi ro.
“Trên đây là nguyên tắc chung để giải quyết đối với các vụ án về kinh tế và tham nhũng mà chủ đầu tư vướng vào vòng lao lí. Tuy nhiên, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xem xét đến từng sự kiện pháp lí, từng giao dịch và các thủ tục pháp lí có liên quan để giải quyết theo quy định của pháp luật. Mục đích chung là bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại”, luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.