Vinh quang truyền thống “tôn sư trọng đạo”
Nghiên cứu - Trao đổi 20/11/2020 09:12
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định về sứ mệnh cao cả của người thầy giáo: “Có gì vẻ vang hơn là đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất... những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang”. Người nhắc nhở: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức; tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức… Cho nên, thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con”(1), “Không có thầy giáo thì không có giáo dục... Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hóa”(2).
Người thầy giáo chân chính, là sự kết tụ những tinh hoa của cả dân tộc. Nhiều câu tục ngữ, ca dao đã đề cao và tôn vinh vai trò của người thầy giáo. Có thể khẳng định, dạy học là một nghề giàu có về tinh thần. Cùng với việc dạy “chữ” là dạy “người”. Từ nghề dạy học dẫn đến một mối quan hệ xã hội mà suốt hàng nghìn năm nay luôn tồn tại, đó là quan hệ thầy - trò.
Quan hệ thầy trò vốn là mối quan hệ cao cả, thiêng liêng. Người xưa đã nói “trọng thầy mới được làm thầy”, “không thầy đố mày làm nên”. Người thầy ngoài việc truyền đạt kiến thức, còn định hướng về đạo đức, lối sống. Quan hệ thầy trò ở Việt Nam dù có những nét quan niệm khác biệt giữa thời kì phong kiến và thời hiện đại ngày nay, song nói chung là quan hệ thầy - trò là quan hệ tốt đẹp; truyền thống “tôn sư trọng đạo” trở thành một trong những nét đáng quý của dân tộc Việt Nam.
Từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, chúng ta đã xây dựng và phát triển nền giáo dục cách mạng, xã hội chủ nghĩa với tính nhân văn sâu sắc. Quyền được học là ước mơ của tất cả mọi người, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, giới tính, lứa tuổi. Ðạo thầy trò trong nền giáo dục cách mạng vừa phát huy đạo thầy trò trong quá khứ, vừa có những điểm khác trước về chất. Mục tiêu của nền giáo dục mới là đào tạo con người phát triển toàn diện; học trước hết là để làm người, để trở thành những người lao động có tri thức khoa học, có tay nghề cao.
Để đảm đương sứ mệnh cao cả mà đất nước và Nhân dân giao, người thầy giáo đang phấn đấu thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Dạy cũng như học, phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc rất quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng, thì có tài cũng vô dụng. Đạo đức cách mạng là triệt để trung thành với cách mạng, một lòng một dạ phục vụ Nhân dân”(3). Đạo đức của người thầy, cũng là lòng nhân ái: Yêu thương và tôn trọng con người, có tinh thần trung thực, biết bảo vệ cho lẽ phải. Bên cạnh chữ “đức”, người thầy còn phải phấn đấu không ngừng để rèn luyện theo chữ “tài”, không ngừng nâng cao trình độ khoa học chuyên sâu và nghiệp vụ sư phạm nhuần nhuyễn.
Ngày 20/11, ai cũng dành chút tấm lòng nhớ lại những gương mặt thầy cô thân thương và những kí ức đẹp hiện về: Nhớ lắm thầy cô, nhớ một thuở đèn sách, nhớ lắm… để thấy cổ nhân nói đúng “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, tức là một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy.
Hòa cùng với những niềm vui, hạnh phúc và tự hào khi đón nhận những tình cảm biết ơn trân trọng của các thế hệ học trò, các nhà giáo không thể không nghĩ về trách nhiệm của mình trong việc giáo dục thế hệ trẻ, lớp người sẽ gánh vác nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước trong tương lai. Phát huy truyền thống cao đẹp, những năm qua đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lí giáo dục trong cả nước đã dấy lên phong trào thi đua Hai tốt là dạy tốt và học tốt; khắc phục mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “vì lợi ích trăm năm trồng người” mà Ðảng và Nhân dân tin yêu giao phó. Nhiều nhà giáo đã tâm huyết, tận tụy với nghề; nhất là các giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao đã không ngại khó khăn; thậm chí hi sinh cả tính mạng để bám trường, bám lớp; duy trì việc giảng dạy và học tập. Xã hội mãi mãi tôn vinh và ghi ơn các thầy giáo, cô giáo; những người đã suốt đời cống hiến sức lực, tài năng và trí tuệ của mình; góp phần quan trọng vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
Song, trong xã hội hiện nay, nhiều người đã đẩy mối quan hệ thầy trò thiêng liêng vốn không thể đo đếm được vào những mưu mô tính toán. Không ít lời than phiền về trình độ và phẩm chất của một bộ phận thầy, cô giáo và cán bộ quản lí giáo dục. Nhiều trường học tăng đủ loại học phí để tăng thu nhập cho giáo viên. Các lớp học thêm mở tràn lan, giáo viên cắt giờ trên lớp bù vào giờ dạy thêm. Mặt khác, do tác động của kinh tế thị trường, do sự xuống cấp về đạo đức nói chung, đạo thầy trò gần đây có bị sút giảm, không còn thiêng liêng như trước.
Tuy nhiên, cũng có một thực tế là ở nơi nào người thầy còn có tâm huyết, yêu thương và tôn trọng học trò, mang hết khả năng để giảng dạy và giáo dục học sinh, bản thân họ còn giữ được nhân cách trong sáng, lại có chuyên môn cao thì nhất định vẫn được mọi tầng lớp học trò kính trọng.
Kỉ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) là dịp các thầy cô tự hào vinh quang về truyền thống “tôn sư trọng đạo” và xác định trách nhiệm của mình. Các nhà giáo hãy nêu cao vai trò, tinh thần trách nhiệm, ra sức thi đua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của năm học và những chiến lược cơ bản mà Ðảng, Nhà nước, ngành giáo dục và đào tạo đề ra. Đồng thời, cũng chính là dịp quan trọng để tình cảm thiêng liêng dành cho người thầy được thể hiện. Các bậc cha mẹ, mỗi học sinh, sinh viên và toàn xã hội luôn trân trọng đội ngũ các cô giáo, thầy giáo vì sự nghiệp “trồng người”, đang dành tâm sức, trí tuệ làm giàu trí thức, vun trồng thế hệ tương lai. Với lòng biết ơn sâu sắc, chúc các nhà giáo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cao cả của người thầy, của “nghề cao quý trong những nghề cao quý” mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn.
“Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy” được khắc sâu trong tâm tưởng của mỗi người chúng ta. Và câu ca dao “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” mãi đồng hành cùng chúng tan
…………
(1): Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 9, tr.492.
(2): Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 10, tr. 345.
(3): Hồ Chí Minh,Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 11, tr.329.