Viết tiếp bài tỉnh Thái Nguyên: Thủ tướng “cấm”, Chủ tịch UBND tỉnh vẫn có tờ trình xin!?
Pháp luật - Bạn đọc 19/11/2019 11:16
Quy định của Chính phủ
Tại Mục 4 về Tiêu chí xây dựng, Điều 1, Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 26/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 nêu rõ: “Tiêu chí tổng hợp quan trọng nhất của một sân golf tuyệt đối không sử dụng đất lúa 2 vụ. Trường hợp phải sử dụng đất lúa để xây dựng sân golf thì chỉ được sử dụng đất lúa một vụ năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao với diện tích không quá 5% tổng diện tích sân golf đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; không được sử dụng đất thuộc quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị, đất rừng (đặc biệt là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng) để xây dựng sân golf”.
Tại điểm d, Mục này cũng nêu rõ: “Việc xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ hoạt động sân golf chỉ được sử dụng đất giao để xây dựng sân golf, không sử dụng đất đã cấp làm sân golf xây dựng nhà, biệt thự để bán, chuyển nhượng”.
Đồng thời, tại Khoản 2, Điều 2 quyết định trên cũng nêu rõ: “Không được chặt phá rừng, san rừng, không chiếm dụng đất nông nghiệp làm ảnh hưởng tới đời sống, việc làm của nông dân và an ninh lương thực… để làm sân golf”.
Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 18/4/2012, của Thủ tướng Chính phủ không sử dụng đất lúa, đất rừng…làm sân golf |
Về vấn đề này, tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 18/4/2012, của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch sân golf theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 26/11/2009, của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ việc xây dựng sân golf phải dân chủ, công khai trong quá trình thực hiện quy hoạch.
Công bố và khẳng định rõ các dự án sân golf không sử dụng đất lúa (kể cả đất lúa một vụ năng suất thấp), đất màu, đất trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị để xây dựng sân golf; đồng thời không được sử dụng đất đã cấp cho việc xây dựng sân golf để xây nhà, biệt thự để bán, chuyển nhượng hoặc sử dụng vào mục đích khác; xây dựng sân golf chủ yếu ở các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch cao, tại các vùng đất hoang hóa ven biển, đất đồi núi trọc, đất hoang hóa; diện tích đất làm sân golf phải nằm trong quy hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm sân golf phải được giám sát, kiểm tra chặt chẽ, bảo đảm sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả; việc xây dựng sân golf phải tuân thủ đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Đề nghị “vượt rào” của tỉnh Thái Nguyên!
Điều đáng nói là, mặc dù đã có những quy định cụ thể về điều kiện xây dựng sân golf như vậy. Nhưng ông Trần Văn Dĩnh vẫn có văn bản đề xuất mang tính “xé rào” lên UBND tỉnh Thái Nguyên.
Cụ thể, trên cơ sở Công ty CP Đầu tư phát triển Trường An đề xuất thực hiện dự án sân golf Hồ Núi Cốc. Ngày 24/11/2017, UBND tỉnh Thái Nguyên có văn bản số 5333/UBND-TH về việc nghiên cứu, khảo sát lập quy hoạch dự án sân golf 36 lỗ tại khu du lịch Hồ Núi Cốc, thuộc phạm vi xã Phúc Triều và Phúc Xuân, TP Thái Nguyên.
Văn bản nêu rõ: “Đồng ý giao Công ty CP Đầu tư phát triển Trường An được thực hiện các thủ tục theo quy định để nghiên cứu, khảo sát lập quy hoạch và hồ sơ đề xuất sân golf 36 lỗ tại Khu du lịch hồ Núi Cốc, diện tích khoảng 200ha. Trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, Công ty CP Đầu tư phát triển Trường An phải tuân thủ các quy định của Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Quyết định số 1976/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 30/10/2014 phê duyêt quy hoạch diện tích rừng đặc dụng trong khu vực hồ Núi Cốc và các quy định của pháp luật có liên quan để điều chỉnh quy hoạch và đề xuất dự án theo đúng quy định”. (Theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg khu vực hồ Núi Cốc được bảo tồn hệ sinh thái rừng, ảnh quan môi trường phát triển du lịch với tổng diện tích 6.000 ha – phóng viên).
Tuy nhiên, chỉ sau đó hơn 1 tuần, (ngày 1/12/2017) Công ty CP Đầu tư phát triển Trường An đã có hồ sơ đề xuất Dự án đầu tư sân golf Hồ Núi Cốc gửi UBND tỉnh Thái Nguyên.
Theo hồ sơ đề xuất dự án, địa điểm dự án sân golf hồ Núi Cốc nằm ở vùng động lực phát triển kinh tế, xã hội, đô thị phía Tây TP Thái Nguyên; thuộc xã Phúc Trìu và xã Phúc Xuân, TP Thái Nguyên. Đây là khu vực có địa hình cảnh quan đẹp, chủ yếu là đồi núi có rừng trồng sản xuất thấp, đất trồng cây hàng năm, mặt nước.
Ông Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin bổ sung Dự án sân golf hồ Núi Cốc |
Dự kiến, dự án sân Golf hồ Núi Cốc sẽ là một sân Golf đẳng cấp Quốc tế với hạ tầng cơ sở với tổng cơ cấu quy hoạch đất 134.79 ha, bao gồm: Hệ thống giao thông; sân Golf 36 lỗ (Course 18 lỗ và Course B 18 lỗ) được thực hiện với tổng mức đầu tư 1.214 tỷ đồng. Trong đó, vốn tự có của doanh nghiệp là 242,8 tỷ đồng, phần còn lại (971,2 tỷ đồng) là vốn Công ty cổ phần đầu tư phát triển Trường An đi vay.
Điều khó hiểu là, trong khi quy định của Chính phủ là “không được sử dụng đất thuộc quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị, đất rừng (đặc biệt là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng) để xây dựng sân golf”.
Nhưng đối chiếu với quy hoạch 03 loại rừng tỉnh Thái Nguyên năm 2013 đến năm 2020 theo Quyết định số: 1518/QĐ-UBND ngày 10/7/2014, của UBND tỉnh Thái Nguyên: Khu đất được đề xuất dự án có 74,6 ha được quy hoạch là rừng phòng hộ và 12,83 ha quy hoạch là rừng sản xuất.
Hơn nữa, quy định của Chính phủ là “không được sử dụng đất đã cấp cho việc xây dựng sân golf để xây nhà, biệt thự để bán, chuyển nhượng hoặc sử dụng vào mục đích khác”.
Nhưng , trong hồ sơ đề xuất, mục định hướng phát triển sân golf hồ Núi Cốc, Công ty CP Đầu tư phát triển Trường An vẫn làm ngược khi: “Định hướng phát triển sân golf hồ Núi Cốc là phát huy địa hình phong phú của khu vực dự án để xây dựng sân golf thành Champion Course hàng đầu Việt Nam. Các khu chức năng bao gồm: Course layout (Amatuer Course và Pro Course), Club House, Driving Range, khu dịch vụ và lưu trú, các công trình tạo cảnh quan và phục vụ golf khác. Công trình Club House bao gồm cả chức năng thương mại, dịch vụ, khách sạn được bố trí ở trung tâm sân golf”.
Mặt khác, đây là đề xuất dự án dân golf, dự án thương mại, nhưng Công ty CP Đầu tư phát triển Trường An lại đề xuất phương án Nhà nước thu hồi đất.
Trao đổi với PV qua điện thoại, ông Trần Văn Dĩnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển Trường An cho biết: “Ở đây, chúng tôi mới đề xuất "xin" dự án chứ chưa làm gì. Là doanh nghiệp nên chúng tôi xin nghiên cứu lập quy hoạch còn UBND tỉnh Thái Nguyên xét thấy đủ điều kiện thì cấp phép…”.
Trong quá trình điều tra, xác minh thông tin, hiện nay dự án đã được thông báo đến trưởng thôn thuộc phạm vi dự án. Còn người dân chưa thấy sân golf những đã gặp khó khăn, vì muốn xây dựng nhà ở kiên cố cũng không được, xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng không xong,…
Điều khó hiểu là phía doanh nghiệp có trình một số tiêu chí, hạng mục chưa phù hợp với quy định về quy hoạch phát triển dân golf của Chính phủ. Nhưng với vai trò là đơn vị “sơ thẩm”, UBND tỉnh Thái Nguyên, không những không đề nghị doanh nghiệp sửa hồ sơ mà còn trực tiếp trình xin Thủ tướng chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung dự án này.
(Còn nữa)