Không làm việc với dân!?
Thôn trưởng Nhân Hòa thừa nhận Hồ sơ được làm đúng quy trình
Trước khi vào đối thoại, ông Nguyễn Đình Kỷ, Chủ tịch UBND thị trấn làm thủ tục kiểm tra “tư cách pháp nhân” của những người được ủy quyền. Ông “soi” từng chữ trong Giấy ủy quyền, rồi nhắc lại: “Ông Châu, bà Hương… được làm việc với chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng từ huyện đến Trung ương giải quyết những vấn đề về bồi thường sự cố môi trường biển…”. Vậy nhưng, ông Nguyễn Văn Chuy, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban chỉ đạo bồi thường sự cố môi trường biển thị trấn Thiên Cầm lại “phát”: “Tôi nhận được giấy chỉ làm việc với những người được ủy quyền, nên hôm nay chúng tôi không làm việc với dân”. Hùa theo ý kiến của ông Bí thư, có vài người cùng “phát”: “Giấy ủy quyền chỉ cho phép làm việc từ huyện trở lên, không có làm việc với thị trấn”.
Ông Võ Minh Châu, một trong những người được dân ủy quyền giải thích: “Chính quyền địa phương là cấp xã, thị trấn… Việc các hộ ủy quyền cho chúng tôi, không có nghĩa là trao toàn quyền định đoạt và bị tước quyền. Người ủy quyền vẫn có quyền cùng tham gia làm việc với địa phương, cơ quan chức năng để giải quyết những vấn đề liên quan đến nội dung ủy quyền. Sau khi chúng tôi đăng kí làm việc, UBND thị trấn đã yêu cầu người dân nộp Giấy ủy quyền và có Giấy mời họ đến dự, tức là họ có đủ điều kiện để được đối thoại. Mặt khác, chúng tôi không thể hiểu sự việc bằng chính bản thân họ. Chúng tôi chỉ dựa vào diễn biến vụ việc, căn cứ vào chính sách bồi thường và quy định của pháp luật để làm rõ nội dung được ủy quyền. Đối thoại mà không có dân thì đối thoại với ai? Nếu các anh không chấp nhận cho dân cùng đối thoại là không hiểu luật”.
Ông Bình, Bí thư Chi bộ thôn bức xúc: “Đáng lẽ các anh phải giới thiệu chức danh từng người. Ở đây có Đảng, chính quyền, các đoàn thể… không phải ai muốn vào đây cũng được. Tôi thấy anh Châu nói, cán bộ Thiên Cầm không hiểu luật là xúc phạm. Chẳng may sự cố môi trường biển còn nhiều vấn đề, các anh mới về đây giúp dân, còn chúng tôi đã lo cho dân hàng mấy chục năm qua. Các anh không ai hanh thông công việc ở đây, bởi thế chúng ta cùng nhau cởi mở đề làm rõ... Người dân đã đến đây rồi thì mời họ ở lại cùng đối thoại”.
Ông Chuy, Bí Thư Đảng ủy nói: “Chúng tôi làm việc có chương trình tháng, quý, năm. Anh Kỷ muốn làm việc cũng phải đăng kí… Làm việc với dân thì phải có thông báo với dân. Chiều nay tôi nhận được giấy mời làm việc với người ủy quyền, nên chiều nay gặp để biết làm về nội dung gì?...”. Ông chỉ tay về phia người dân hỏi: “Mấy người ni ai mời đến đây? Tôi hỏi ai mời đến đây mà lên đây ngồi? Hôm nay không ai mời…”.
Bà Trang, cán bộ văn phòng thị trấn “tức tốc” giãi bày: “Hôm trước đăng kí làm việc có 2 giấy ủy quyền, hôm nay chúng tôi làm việc theo nội dung của Giấy ủy quyền số 102, nên chỉ mời 4 người ủy quyền tham gia…”. Lúc này, một người dân nói chen vào: “Chúng tôi không có cơ hội được phát biểu, hôm nay có các nhà báo, nên chúng tôi xin phép ở lại để sáng tỏ vấn đề. Chúng tôi đã đi ra đến tỉnh để khiếu nại, mà họ hướng dẫn về đây để trả lời. Yêu cầu các anh chấp thuận cho chúng tôi được đối thoại…”.
Bí thư Đảng ủy thị trấn thừa nhận đã chỉ đạo “biển thủ” hồ sơ?Ông Trần Hữu Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân, Tổ trưởng tổ thẩm định đền bù về nuôi trồng thủy sản thừa nhận: 4 hộ nuôi cua đã được làm đúng quy trình, thế nhưng hồ sơ các hộ không đủ điều kiện chi trả, vì chưa có chứng từ xác định số lượng con giống...
Ông Nguyễn Văn Chuy, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban chỉ đạo bồi thường sự cố môi trường biển thừa nhận lđã chỉ đạo
“rút ruột” hồ sơ.
Bà Hương trưng bộ hồ sơ trên tay nói: “Chúng tôi có đầy đủ hồ sơ theo quy định gồm: Mẫu kê khai; Biên bản kiểm tra, thẩm định trước về quy trình thực hiện việc kê khai…; Biên bản rà soát, kiểm tra, xác nhận việc kê khai, xác định thiệt hại do sự cố môi trường (đối tượng nuôi trồng thủy sản không có hóa đơn chứng từ) thể hiện rõ hình thức nuôi, số lượng con giống, số lượng chết, ngày nuôi, ngày chết có xác nhận của Trưởng thôn và Chủ tịch UBND thị trấn. Biên bản họp cộng đồng còn ghi rõ: “Việc thả giống nuôi và bị chết là đúng thực tế. Đề nghị Hội đồng thẩm định đền bù thiệt hại thị trấn Thiên Cầm và Tổ thẩm định của huyện Cẩm Xuyên đề nghị Hội đồng thẩm định các cấp thẩm định phê duyệt đền bù thiệt hại theo chính sách của Đảng và Nhà nước cho các chủ hộ nuôi trồng, nhằm giảm bớt khó khăn và ổn định cuộc sống. Toàn thể hội nghị nhất trí biểu quyết 97,3% hộ tham gia dự họp. Xin hỏi Hội đồng, lí do gì mà không được bồi thường?”.
Ông Thắng giải trình: “Các hộ nuôi cua là có thật, hồ sơ đã được lập đầy đủ, Hội đồng đã đề nghị các cấp bồi thường, nhưng sau đó nghe nói ở các huyện Thạch Hà, Can Lộc chi đó trả tiền xong có người khiếu nại nên phải rà soát lại. Các hộ có giấy viết tay của những người bán cua giống, nhưng không có nhật kí mua cua, sổ ghi chép chi cả… Có được hồ sơ đó là nhờ “có thêm mắm muối trong biên bản”!?
Ông Thúc hỏi: “Tổ trưởng tổ thẩm định nói như vậy, tức có dấu hiệu lập hồ khống hồ sơ. Xin đồng chí Bí thư Đảng ủy và đồng chí Chủ tịch UBND thị trấn cho biết, ở thị trấn Thiên Cầm có bao nhiêu đối tượng được lập khống hồ sơ như ông Thắng nói, để nhận tiền bồi thường?”.
Ông Kỷ trả lời: “Chúng tôi đã làm đúng quy trình. Anh Thắng nói “thêm mắm muối” là không đúng. Anh Thắng có phải là chủ trì đâu… Tổ dân phố tổ chức họp có đầy đủ các thành phần, có thư kí ghi chép hẳn hoi, không thể nói như vậy được”.
Ông Châu giở hồ sơ cho mọi người xem rồi hỏi: “Con dấu này tuy là dấu đen (chỉ bản phô tô vì bản chính đã bị rút ruột), nhưng có phải là con dấu của xã không? Các chữ kí, con dấu mà có thật thì không thể làm giả được. Nếu có người khiếu nại, thì phải có địa chỉ, kí tên vào đơn để xác minh làm rõ…”.
Ông Kỷ trả lời: “Thị trấn Thiên Cầm không có đơn khiếu nại, mà chỉ nghe nói thôi. Sau khi huyện khác có đơn khiếu nại thì tỉnh khép chặt hồ sơ. Nếu hồ sơ như ban đầu thì được, nhưng sau đó tỉnh thắt chặt hơn nên chưa được. Về tính pháp lí thì đã có nhưng về tính hợp pháp để trả tiền thì chưa...”.
Ông Nguyễn Xuân Phúc nói: “Gia đình tôi có 18.924m2 mặt nước nuôi cua, nhưng khi làm thủ tục bồi thường, xã chỉ cho kê khai 6.500m2. Hồ sơ của chúng tôi đã thực hiện đúng quy trình. Biên bản họp tổ dân phố là có thật, số lượng người tham gia đúng như trong biên bản. Ông Thắng nói như vậy là không đúng”.
Bà Bĩnh gay gắt: “Chúng tôi nuôi cua và cua chết là có thật. Hôm nay, các anh lại hỏi chúng tôi bán cho ai? Trước đây chúng tôi bán cho nhà hàng, bán cho dân và cho bất kì ai mua. Sau sự cố, cua chết hết thì lấy cua mô mà bán. Người dân đánh bắt được con mô thì chúng tôi mua con đó. Muốn có hóa đơn thì bắt họ lấy thân áo viết ra à…”.
Ông Sáng hỏi: “Hôm họp tại trụ sở về đền bù đối với các hộ nuôi cua, chúng tôi đem hồ sơ cho ông Hà, Trưởng phòng xem. Ông Thắng lấy hồ sơ đi, một lúc sau trở lại trả vào chỗ cũ. Khi họp xong, chúng tôi ra về thì thấy 2 ghim cũ bị tháo, thay vào đó bằng 1 ghim mới. Kiểm tra lại mới biết, hồ sơ đã bị đánh cắp. Hôm sau mấy bà đến nhà ông Thắng để đòi. Ông Thắng trả lời: Khi mô ông Kỉ nhủ trả thì trả… Các anh làm như vậy có phải là biến thủ hồ sơ và chặn đường khiếu nại của chúng tôi không?”.
Ông Thắng thừa nhận: “Chúng tôi chỉ rút những tờ liên quan đến thị trấn, còn những tờ khác vẫn trả lại cho các ông…”. Ông Nguyễn Văn Chuy nói chen vào: “Chúng tôi chỉ đạo rút hồ sơ là đúng, cái gì của xã kí tên, đóng dấu thì chúng tôi lấy lại, cái gì của dân khai thì trả về cho dân…”!?
Chủ tịch UBND thị trấn kết luận: “Hồ sơ bồi thường đã được lập là đúng, nhưng sau đó có ý kiến của trên nên phải dừng lại để bổ sung... Chúng tôi sẽ hướng dẫn người dân làm và lập tờ trình đề nghị cấp trên xem xét giải quyết”.
Báo Người cao tuổi và Báo điện tử Ngày mới sẽ tiếp tục thông tin diễn biến vụ việc tới bạn đọc.
Chí Thúc