Viết tiếp bài: Fiditour với cuộc “rút ruột” của những toan tính “hơn người”: “Cố đấm ăn xôi” và cuộc “phản đòn” tới tấp của một Fiditour mới
Pháp luật - Bạn đọc 01/07/2020 08:02
Điều đáng ngạc nhiên là khơi mào một “cuộc chiến pháp lí” ở đây không phải là Fiditour, doanh nghiệp bị hại, bị rút ruột đến trắng tay, mà là Lữ hành Fiditour, “con ngựa thành Troy” một thời Fiditour nuôi dưỡng. Vì sao có sự lạ đời như thế?
Theo thông tin chúng tôi có được, sau khi phát hiện vụ việc, để tránh những điều tai tiếng không đáng có, các nhà lãnh đạo của một Fiditour mới chọn con đường đàm phán nội bộ, rồi tiếp sau là khiếu nại đến các cơ quan chức năng, như một giải pháp để những người cũ biết sai mà từ bỏ. Tuy nhiên, thay vì “nhìn lại”, họ “cố đấm ăn xôi”, từ giữa năm 2019, tự tin đâm đơn khởi kiện Fiditour ra Tòa kinh tế.
Họ kiện gì? Theo hồ sơ vụ án hiện đang được TAND quận 1, TP Hồ Chí Minh thụ lí, Lữ hành Fiditour yêu cầu: 1. Công nhận quyền sở hữu của Công ty lữ hành đối với nhãn hiệu Fiditour; 2. Buộc Fiditour chuyển quyền sở hữu Nhãn hiệu Fiditour cho công ty lữ hành; 3. Buộc Fiditour chấm dứt các hành vi tranh chấp khiếu nại với Lữ hành Fiditour. Cơ sở của những yêu cầu này là “Nghị quyết góp vốn thành lập Công ty cổ phần lữ hành Fiditour” của HĐQT Fiditour và hợp đồng góp vốn “giữa những người trong cuộc” được kí ngày 15/3/2019, chuyển giao toàn bộ mảng lữ hành từ Fiditour cho Lữ hành Fiditour, mà bài trước chúng tôi đã đề cập tới.
Trụ sở làm việc của Fiditour hiện đã bị Lữ hành Fiditour chiếm giữ. |
Đã bị rút ruột đến trắng tay lại còn bị kiện, Fiditour lập tức phản đòn. Đầu tiên, đó là yêu cầu phản tố với những chứng minh rõ ràng rằng việc HĐQT ban hành “Nghị quyết góp vốn thành lập Công ty CP Lữ hành Fiditour” là trái với Điều lệ Công ty và Hợp đồng góp vốn là vô hiệu bởi vi phạm những điều cấm mà Bộ luật Dân sự đã quy định. Và không chỉ vậy, như một hành động “tức nước vỡ bờ”, Fiditour làm đơn tố cáo gửi Công an TP Hồ Chí Minh đề nghị xử lí những người đứng đầu HĐQT cũ về dấu hiệu tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và nhiều dấu hiệu phạm tội khác.
Xin trở lại với những gì Fiditour tố cáo. “Nhóm người quản lí cũ đã dẫn dắt, lèo lái HĐQT cũ, trong cuộc họp vào ngày 7/3/2019, thông qua việc góp vốn thành lập công ty lữ hành... Sau cuộc họp, ông Nguyễn Việt Hùng, đại diện cho Công ty Fiditour đã kí chuyển giao tài sản cả hữu hình (ô tô, máy móc thiết bị...) và vô hình (nhãn hiệu, logo, danh hiệu, giải thưởng, website, số điện thoại...) của Fiditour cho Lữ hành Fiditour... Những người quản lí cũ đã vi phạm điều cấm của pháp luật là tự giao dịch với chính mình. Cụ thể, ông Nguyễn Việt Hùng – đương nhiệm là Chủ tịch HĐQT Fiditour đã thực hiện việc góp vốn vào Lữ hành Fiditour mà chính ông cũng kiêm chức Chủ tịch HĐQT” (Trích đơn tố cáo). Hành động này ít nhất là vi phạm Điều 141 Bộ luật Dân sự: “Một cá nhân, pháp nhân có thể đại diện cho nhiều cá nhân hoặc pháp nhân khác nhau nhưng không được nhân danh người được đại diện để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình...”. Bởi vi phạm này, “Hiện tại, hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành của Công ty Fiditour (phương tiện kinh doanh, các mối quan hệ hợp đồng/ hợp tác với Khách hàng, Đối tác...) và phần lớn nhân sự đều do Công ty Lữ hành quản lí, sử dụng ...” (trích đơn tố cáo). Nghĩa là, gần như tất cả những gì tạo ra doanh thu nuôi sống Fiditour đều đã bị Lữ hành Fiditour chiếm giữ.
Không chỉ thế, “nhóm người quản lí, cụ thể là ông Đoàn Thiện Tánh, cấp phó của Chủ tịch Nguyễn Việt Hùng thậm chí còn tự ý kí kết hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu “FIDITOUR Công ty Du lịch Chuyên Nghiệp Hàng Đầu - The Best Professional Travel” được bảo hộ theo Giấy chứng nhận nhãn hiệu số 148179 cho Công ty lữ hành với giá 0 đồng” (trích đơn tố cáo). “Tử tế” hơn một chút, toàn bộ tài sản “vô hình” của Fiditour sau 30 năm phấn đấu để trở thành 1 trong 3 doanh nghiệp lữ hành hàng đầu đất nước, bao gồm đủ thứ, kể cả website, logo, thương hiệu và hàng trăm số điện thoại giao dịch được họ định giá hơn 800 triệu đồng. Chưa nói tới việc, hành vi này là lạm quyền, không được phép, con số 800 triệu đồng được đưa ra, theo những người am hiểu thì... “bốc xôi làng cho chính mình”. Và, liều lĩnh hơn, bất chấp hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 9 Luật Du lịch năm 2017, họ chuyển giao luôn Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế số 79/185/2014/TCDL-GP LHQT được Tổng cục Du lịch cấp cho Công ty Fiditour sang cho Lữ hành Fiditour.
Ngay sau khi xây dựng Lữ hành Fiditour “nên hình nên dạng” như vừa kể, ngày 19/3/2019, ông Nguyễn Việt Hùng, lúc này vẫn đang là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Fiditour đã kí ban hành Thư giới thiệu Công ty Lữ hành Fiditour là đơn vị phát triển chuyên sâu và nhận chuyển giao toàn bộ lĩnh vực kinh doanh lữ hành từ Fiditour. Thư được gửi đến khách hàng đã và đang sử dụng dịch vụ của Fiditour. Cũng trong thời gian này, dưới sự chỉ đạo của Nhóm người quản lí cũ, Phòng hành chính - nhân sự Công ty Fiditour đã thông báo đến Ban Giám đốc các đơn vị, chi nhánh trực thuộc về việc sử dụng thông tin của Công ty Lữ hành để kí hợp đồng cung cấp dịch vụ kể từ ngày 12/3/2019. Thông báo này khiến nhân viên Công ty Fiditour nhầm lẫn rằng Công ty đã đổi tên, có thêm chữ “Lữ hành”. Trong quá trình làm việc với khách hàng, nhân viên Fiditour đã cung cấp thông tin sai lệch cho khách hàng và yêu cầu thanh toán phí dịch vụ vào tài khoản của Công ty Lữ hành thay vì Công ty Fiditour.
Đơn tố cáo nêu: “Những thiệt hại liên quan đến doanh thu mà Công ty Fiditour có thể đạt được không thể không kể đến tổng số tiền khách hàng chuyển nhầm vào tài khoản Ngân hàng của Công ty Lữ hành Fiditour vì lí do nhầm lẫn Công ty Lữ hành là Công ty Fiditour (vì Công ty Lữ hành đang sử dụng nhãn hiệu, tên thương mại FIDITOUR để kinh doanh và trục lợi dựa trên hình ảnh, uy tín của Công ty Fiditour) tính đến thời điểm hiện tại lên đến 2.250.154.335 đồng. Con số thiệt hại này ngày càng tăng và không thể kiểm soát được vì sự chậm trễ trong công tác thanh tra, xử lí của Cơ quan chức năng khi để tình trạng hai công ty mang cùng một thương hiệu “FIDITOUR” kinh doanh và hoạt động trên thị trường, khiến khách hàng nhầm lẫn, gây ra nhiều hậu quả khôn lường”.
Chuyển giao hết bên ngoài, rút ruột từ bên trong, tất cả đều cho chính mình, hành vi này không chỉ vi phạm đạo đức xã hội, vi phạm Điều 141Bộ luật Dân sự, mà còn có cơ sở để xác định họ có dấu hiệu phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”