Vẫn nhức nhối tình trạng phụ nữ bị bạo hành
Đời sống 11/03/2024 09:40
Quả thật, chuyện phụ nữ nước ta, nhất là tại các vùng nông thôn bị chồng bạo hành về thể chất hay tinh thần vẫn còn là vấn đề nhức nhối.
Ở quê tôi, không hiếm những cô gái trẻ trung, xinh đẹp nhưng chỉ sau mấy năm lấy chồng đã trở nên già nua, thảm hại. Việc ruộng vườn, việc nhà cửa, con cái, đối nội đối ngoại… “trăm dâu đổ đầu tằm”, họ phải gánh vác hết, nếu không xong còn bị chồng cằn nhằn, mắng mỏ, “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ.
Ảnh minh họa |
Thực tế, không phải những ông chồng cục mịch, ít học mới bạo hành vợ, mà nhiều người có học thức vậy mà vẫn đối xử với vợ rất quá đáng. Ở cạnh nhà tôi, có ông Hùng, giám đốc một Công ty TNHH chuyên về xây dựng, cứ sau giờ làm việc là rủ bạn bè, đồng nghiệp đi nhậu. Mỗi lần vậy, khi về nhà nếu vợ có nhắc nhở, dù chỉ là lời nhỏ nhẹ thôi, là ông ta kiếm cớ gây gổ với vợ. Biết tính chồng, người vợ luôn chọn cách nín nhịn cho êm cửa êm nhà. Thế nhưng, có lần chị bị chồng lao vào đánh đến chảy máu mũi, may mà có hàng xóm kịp thời can ngăn, không thì hậu quả sẽ rất khó lường.
Ông Hùng là người có học, vậy mà hằng ngày tôi vẫn nghe ông ta vẫn gọi vợ là “con” xưng “mày, tao”, và khi vợ góp ý thì mắng: “Mày biết gì mà nói”! Vợ ông Hùng có đủ con trai, con gái, ở nhà cao cửa rộng, có xe hơi đắt tiền, được chồng dẫn đi du lịch trong và ngoài nước nhưng lúc nào chị cũng khổ tâm, căng thẳng vì sự bạo hành về thân thể và tinh thần của chồng.
Hay như chị Hạnh, một người cùng quê, vừa thông minh, xinh đẹp, vừa có năng lực quản lí. Có bằng thạc sĩ, chị được cơ quan tạo điều kiện cho ra nước ngoài học để lấy bằng tiến sĩ. Khi thông báo tin trên với chồng, ngay lập tức người chồng đưa ra điều kiện: “Muốn lấy bằng tiến sĩ thì hãy kí vào đơn li hôn! Cư xử của chồng đã khoét thành một vết thương sâu trong lòng chị Hạnh làm cho quan hệ vợ chồng ngày càng nguội lạnh dẫn tới li hôn.
Ngoài bạo hành thể xác, bạo hành tinh thần, nhiều người vợ còn bị bạo hành tình dục, thường được các bà vợ giấu kín, một mình âm thầm chịu đựng. Chị Thuỳ, giáo viên dạy văn, còn chồng chị tốt nghiệp đại học văn hóa. Khi “nổi cơn”, anh ta bắt chị phải “phục vụ”, chị đang bận việc từ chối, anh ta dửng dưng nói: “Hầu tao đi rồi làm gì thì làm”. Nếu chị từ chối, anh ta dùng bất cứ vật gì vào chị, để ép chị “phục vụ”. Không chịu nổi sự vũ phu của chồng, đã có lần chị Thủy nhảy xuống hồ nước gần nhà tự tử nhưng rất may được người coi hồ cứu sống. Khi hay tin, anh ta chạy đến “mắng yêu” vợ cùng với một cái tát: “Sao ngu thế, định bỏ chồng con đi à?”.
Thời hiện đại ngày nay, không ít phụ nữ giỏi giang, thành đạt, bận rộn với trăm công nghìn việc ngoài xã hội, nhưng ở nhà không mấy được chồng chia sẻ về nhiều phương diện, từ việc nhà, dạy dỗ con cái đến đời sống tinh thần của nhau.
Những hành vi bạo hành thể xác, bạo hành tinh thần, bạo hành tình dục đối với phụ nữ vẫn đang tiếp diễn không chỉ ở nước ta mà còn ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống của người phụ nữ, đến sự phát triển bền vững của xã hội. Nhà văn Pearl Buck (người Mỹ), từng viết: “Người phụ nữ là trái tim của gia đình”. Nếu trái tim ấy phải luôn chịu tổn thương, đau đớn thì cái cơ thể gia đình ấy làm sao khỏe mạnh và hạnh phúc được? Làm sao có xã hội bình đẳng, văn minh?