Vai trò nhà trường trong việc ngăn chặn bạo lực học đường
Xã hội 25/04/2023 08:59
Nhiều người đã viết, đã bàn rất sâu về vấn nạn này. Đồng thời kêu gọi gia đình, nhà trường, xã hội, nhất là chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng cần phải có những giải pháp hữu hiệu, ngăn chặn, giảm thiểu, tiến tới triệt bỏ vấn nạn bạo lực học đường xấu xí. Cùng với mọi người, tôi xin góp một vài ý kiến để góp phần ngăn chặn vấn nạn bạo lực học đường:
Khi nói về trách nhiệm giáo dục trẻ em, chúng ta có ngay công thức: Gia đình, nhà trường, xã hội. Mô hình này rõ ràng là rất hoàn hảo, khép kín. Nhưng tại sao chúng ta còn nhiều trẻ em hư nói chung và tình trạng bạo lực học đường nói riêng như vậy. Theo tôi bởi vì cả ba chủ thể nói trên chỉ mới thực hiện trách nhiệm của mình theo kiểu góp phần, chớt chát mà chưa đi sâu vào công việc cụ thể của mình, thực hiện công việc một cách có trách nhiệm, chịu trách nhiệm đến cùng. Tôi nói như vậy rất có thể bị hầu hết phụ huynh phản đối. Bởi vì bây giờ đa số đều hiểu và thực hành triệt để khẩu hiệu: Tất cả vì tương lai con em chúng ta. Nhiều nhà không có điều kiện cũng phải gồng hết sức, đầu tư bạc triệu hằng năm cho con cái học hành. Nhưng hầu như đó mới chỉ là đầu tư về mặt kiến thức. Còn về mặt xây dựng, trau dồi phẩm chất, đạo đức, tính cách cho trẻ em, rõ ràng chúng ta chưa đi đúng hướng hoặc thậm chí còn thả nổi. Trong bài này, tôi chỉ xin bàn về vai trò của nhà trường.
Ảnh minh hoạ |
Nhà trường là một cơ sở giáo dục đào tạo, vì thế chẳng những phải đào tạo cho các em về kiến thức mà còn phải giáo dục cả phẩm chất, tư cách cho các em, nghĩa là phải coi trọng cả yêu cầu trò giỏi lẫn con ngoan.
Lâu nay chúng ta hầu như có một cách phân khúc trách nhiệm rất vô trách nhiệm đối với hoạt động hằng ngày của học sinh: Nhà trường chỉ chịu trách nhiệm trong thời gian học sinh học ở trường. Ngoài thời gian đó, trách nhiệm thuộc về gia đình. Về mặt sinh hoạt của các em: Ăn, ngủ, đi lại, vui chơi,… sự phân khúc đó có thể đúng, nhưng đối với những hành vi vi phạm về phẩm chất, tư cách,… của học sinh thực hiện ở ngoài xã hội thì phân khúc như vậy không ổn. Nếu Nhà trường đào tạo được những học sinh ngoan, thì ngoài khung giờ học ở nhà trường, học sinh đó vẫn phải có những hành vi đẹp.
Cao hơn nữa, tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa, với tư cách là một cơ sở đào tạo, được nhà nước, xã hội giao cho sứ mệnh cao quý, nhà trường cần tạo được tiếng tốt cho mình trong xã hội. Những học trò ngoan sẽ làm sáng danh tên tuổi của trường mình.
Tôi từng là một học sinh phổ thông đã già nửa thế kỉ, nay tôi vẫn ngưỡng mộ tấm gương Trường Bắc Lý ở Nam Định năm xưa, hoặc các thế hệ trước vẫn hâm mộ Trường Chu Văn An ở Hà Nội. Đó là chân giá trị cao quý của ngành Giáo dục và đào tạo. Ở một tầm nào đó, mỗi trường cần tạo tiếng tốt cho mình ít nhất là ở địa phương mình. Cho nên, tôi rất áy náy cho Trường THCS Bắc Lý số1, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình khi tên trường bị gắn vào video clip có học sinh bắt bạn quỳ rồi tát 7 cái (!).
Để đào tạo được học trò ngoan, trước hết phải làm sao để các em có ý thức: Ta là học trò thì tính nết phải khác đứa trẻ không phải là học trò. Như vậy, nhà trường phải trau dồi cho các em phẩm chất, tính cách của tuổi học trò: Hồn nhiên, trong sáng, vô tư, thật thà, đoàn kết, mến yêu bạn bè, lễ phép, biết sống vì mọi người,… cao hơn nữa là sống có tư cách, đam mê, hoài bão… và thêm nữa, với con gái, có nữ tính, hiền dịu… Với mục tiêu này, từ Ban Giám hiệu, đến các thầy cô, đến các tổ chức quần chúng trong trường đều phải có ý thức thường trực về vấn đề này.
Em học sinh trong video trên mà mạng xã hội đã tung lên, cũng đeo khăn quàng đỏ. Nếu Nhà trường và Đội thiếu niên Tiền phong của trường giáo dục tốt thì em ấy phải biết xấu hổ khi mình là học sinh, đội viên mà lại bạo lực với bạn. Nhà trường không thể để mặc sự việc xảy ra rồi mới hòa giải, giải quyết sao cho có tình, có lí và tự hài lòng về cách xử lí của mình.
Một việc nữa cũng quan trọng là cần xốc lại vai trò của giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên chủ nhiệm phải đi sâu, đi sát để nắm được những vấn đề nổi cộm trong lớp, kể cả những tính cách bất thường của một số học sinh, mà trước đây gọi là cá biệt. Tính nết của mỗi em mỗi khác kể cả những tính cách bất thường. Đó là một thực tế khách quan đòi hỏi giáo viên chủ nhiệm phải coi nhiệm vụ uốn nắn những tính cách đó là nhiệm vụ chuyên môn của mình. Nói là nhiệm vụ chuyên môn, bởi vì có những tính cách của trẻ nhỏ, gia đình không thể uốn nắn được mà thầy cô, nhà trường lại có thể giáo dục được. Âu đó cũng là sứ mạng trồng người cao cả của ngành Giáo dục và đào tạo.
Rõ ràng rằng, nếu hiểu đúng, đi đúng hướng và quyết tâm đến cùng thì nhất định chúng ta sẽ kiềm chế, đẩy lùi và xóa được vấn nạn bạo lực học đường.