Vai trò người cao tuổi trong gia đình
Cùng suy ngẫm 04/06/2024 10:51
Trong gia đình hiện nay thường có 3 - 4 thế hệ, ông bà, cha mẹ, con cái, cháu chắt, thậm chí có gia đình 5 thế hệ đồng cư. Trong những gia đình như thế, vai trò của NCT (ông bà, cha mẹ) trong gia đình là hết sức quan trọng. NCT phải là tấm gương sáng cho con cháu học tập noi theo; bởi mỗi một hành vi, cử chỉ của ông bà, cha mẹ đều có ảnh hưởng trực tiếp đến con cháu. Nên có câu: “Phụ hề tử hề” (cha mẹ làm sao con là vậy), vấn đề nêu gương của NCT với gia đình là hết sức quan trọng.
Gia đình hiện đại, thường xuất hiện các mô hình, cha mẹ ở riêng để con cái được tự lập, tự chủ về cuộc đời mình. Nhưng vai trò, trách nhiệm của ông bà, cha mẹ vẫn phải gần gũi, giáo dục, dạy bảo, định hướng cho con cháu làm những việc chân chính, có ích cho gia đình và xã hội. Nếu con cháu làm gì sai trái thì ông bà, cha mẹ vẫn phải chịu tai tiếng với cộng đồng và xã hội.
Đức Khổng Tử dạy: “Gia hòa vạn sự thành”; trong một gia đình hòa thuận, con cháu hiếu kính với ông bà, cha mẹ, anh em nhường nhịn, đoàn kết chia sẻ với nhau, trên kính dưới nhường thì tất cả mọi công việc đều thành công, dù khó khăn đến mấy cũng có cách khắc phục, giải quyết được.
NCT trong gia đình có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của con cháu. Khi người ta muốn tìm hiểu con cháu mình, dựng vợ gả chồng, họ tìm hiểu xem gia đình có yên ấm, hạnh phúc không, người xưa có câu: “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống”. Chuyện kể rằng, một người bạn ở xa lâu ngày hỏi thăm đến nhà chơi, chủ nhà mời bạn ở lại dùng cơm. Bạn hỏi: “Gia đình ông có được hòa thuận không? Vợ con ông có được tốt không? Có vui vẻ không thì người khách sẽ ở lại”. Theo bạn, chỉ một bữa cho thết khách mà để lại chuyện lủng củng, bất hòa trong gia đình thì không nên.
Gia đình là như thế đấy, sao mà quan trọng đến thế, ngày xưa có câu: “Triều đình dị, hương đảng nan, gia đình tối nan”, đúng là như vậy.
Nước có phép nước, nhà có đạo nhà, mỗi người đều phải có ý thức tuân theo phép nước, thực hiện theo đúng đạo nhà. NCT trong gia đình lại phải là người sống có trách nhiệm. Trước hết phải gương mẫu trong mọi hoạt động của gia đình, phải thương yêu con cháu, đồng thời phải nghiêm khắc với những hành vi vi phạm đạo lí và pháp luật. Không can thiệp sâu vào đời tư và những việc làm cụ thể của con cháu nhưng phải định hướng cho con cháu làm những điều đúng với cương thường, đạo lí, phải là người vừa hồng, vừa chuyên. Có vậy hạnh phúc của gia đình mới bền vững, góp phần vào xây dựng quê hương, cộng đồng xã hội.
Gia đình được như thế mới xứng đáng gọi là “tế bào” tốt của xã hội.