Tư vấn pháp lí về bình đẳng giới và quyền của người cao tuổi
Nhịp cầu bạn đọc 13/10/2020 08:00
Hỏi: Chị H là công nhân làm trong xí nghiệp thuộc lĩnh vực may mặc. Chồng của chị là anh T (thợ hồ) đồng lương thấp lại thích nhậu nhẹt, say xỉn la mắng vợ con, thậm chí lăng mạ, xúc phạm cha, mẹ vợ. Một lần, về nhà lại thấy con gái 3 tuổi quấy, khóc nên anh T bực bội, chửi chị H là không biết dạy con. Chị H nói lại vài câu, anh T cho rằng chị không tôn trọng chồng nên đánh chị bầm tím mắt, chảy máu miệng, sưng to vùng mặt và đuổi vợ con ra khỏi nhà. Chị H vừa buồn tủi, vừa sợ hãi nên bế con về ở nhờ nhà cha mẹ đẻ.
Trong trường hợp này, chị H có quyền yêu cầu cơ quan chức năng can thiệp, ngăn chặn và bảo vệ hay không? Chị cần phải làm gì để được cơ quan chức năng can thiệp, ngăn chặn và bảo vệ?
Vũ Thị Thanh
(Huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên)
Trả lời: Căn cứ Khoản 1, Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, xác định anh T đã có hành vi bạo lực gia đình đối với vợ của anh (là chị H); do vậy, chị H có quyền yêu cầu cơ quan chức năng can thiệp, ngăn chặn và bảo vệ. Cụ thể, bên cạnh các quyền được quy định tại Điều 5 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đó là quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình; yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này; được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lí, pháp luật; được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật này; các quyền khác theo quy định của pháp luật; chị H còn có quyền yêu cầu UBND cấp xã nơi chị cư trú áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc.
Điều 9 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 4/2/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, quy định: Chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra bạo lực gia đình quyết định cấm người gây bạo lực gia đình tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình trong thời hạn không quá 3 ngày, khi có đủ các điều kiện sau đây:
Thứ nhất, có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình, của người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có đơn yêu cầu thì phải có sự đồng ý của nạn nhân bạo lực gia đình.
Thứ hai, đã có hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tính mạng của nạn nhân bạo lực gia đình. Về nội dung này, khoản 3, Điều 9 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định hành vi trên được xác định khi có một trong các căn cứ sau đây: Có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về việc khám và điều trị thương tích do hành vi bạo lực gia đình gây ra. Có dấu vết thương tích trên cơ thể nạn nhân có thể nhận thấy rõ bằng mắt thường hoặc có dấu hiệu rõ ràng về hoảng loạn tinh thần của nạn nhân bạo lực gia đình. Có chứng cứ chứng minh có sự đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc tính mạng của nạn nhân bạo lực gia đình.
Thứ ba, người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân bạo lực gia đình có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc. Về nội dung này, khoản 3 Điều 9 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định, nơi ở khác nhau bao gồm nhà của người thân, bạn bè, địa chỉ tin cậy hoặc nơi ở khác mà nạn nhân bạo lực gia đình tự nguyện chuyển đến ở.