Tư tưởng Hồ Chí Minh về người cao tuổi
Nghiên cứu - Trao đổi 30/09/2023 09:37
Trong kho tàng di sản vô giá ấy, có tư tưởng Hồ Chí Minh về NCT. Điều đặc biệt và hiếm có một nhà lãnh đạo, một chính khách trên thế giới có tầm tư duy chiến lược, khoa học, sâu sắc và toàn diện về sự kính trọng, tinh thần, ý chí, vị trí, vai trò và tin tưởng ở NCT như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thể hiện thông qua 5 nội dung cơ bản sau đây.
1. NCT là vốn quý vô giá của nước nhà
Chủ tịch Hồ Chí Minh - một tấm gương mẫu mực về tình cảm, sự tôn trọng, tin tưởng, phát huy và đề cao vai trò của NCT đối với sự nghiệp cách mạng. Sau gần 30 năm bôn ba năm châu, bốn biển, đầu năm 1941, Người về nước lãnh đạo cách mạng. Với tầm nhìn chiến lược, Người đã nhận thấy rõ vị thế, vai trò, tiềm năng, sức mạnh, sự đoàn kết, những giá trị về tinh thần và vật chất của NCT đối với sự nghiệp cách mạng, gia đình và quê hương, đất nước.
Vấn đề cốt lõi trong tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về NCT đó là sự kính trọng, tôn vinh và đặt niềm tin sâu sắc của Người đối với NCT. Người nói: “Một lời nói của phụ lão có ảnh hưởng đến hưng bang… Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão đã có trọng trách là bậc tôn trưởng. Đối với làng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao. Phụ lão hô, Nhân dân hưởng ứng. Phụ lão làm, nhân dân làm theo”. Trong quá trình hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở mọi người phải cung kính với các cụ già. Người ngợi ca: “Xưa nay, những người yêu nước không vì tên tuổi già mà chịu ngồi không. Nước ta có những người như Lý Thường Kiệt, càng già càng quắc thước, càng già càng anh hùng”. Đầu năm 1956, Người viết bài: “Các cụ già nhiều tuổi nhất của nước ta”. Người đã ghi tên người nhiều tuổi nhất như cụ Hà Văn Quận 123 tuổi; 6 cụ trên 100 tuổi… Người đã gửi lời: “Kính chúc các cụ sống lâu và luôn luôn mạnh khoẻ”. Với bất cứ đâu, bất cứ khi nào, khi gặp gỡ, tiếp xúc, Người đều ân cần hỏi thăm chuyện gia đình, nhắc nhở mọi người phải cung kính với các cụ già.
Hồ Chủ tịch và cụ Tôn Đức Thắng với đại biểu phụ lão, thiếu nhi tại Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt. |
Theo truyền thống văn hoá và phong tục cổ truyền của dân tộc, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, vào dịp đầu năm mới, các địa phương, gia đình, dòng họ tổ chức lễ mừng thọ cho NCT. Vào những dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư chúc thọ, tặng quà, động viên các bậc cao niên, để lại ấn tượng sâu sắc của NCT đối với Người.
2. Sáng lập tổ chức Phụ lão cứu quốc Hội, NCT là một nguồn lực quan trọng của cách mạng
Những ngày mới về nước ở Pác Bó (Cao Bằng), Hồ Chí Minh thường căn dặn cán bộ: “Muốn làm cách mạng thành công phải có lực lượng lớn mạnh. Muốn có lực lượng lớn mạnh phải có đoàn kết. Để đoàn kết rộng rãi, các chú đến đâu cũng phải kính già, yêu trẻ”. Thấy rõ vị thế, vai trò, trách nhiệm của NCT và tổ chức Hội NCT đối với sự nghiệp cách mạng, Người đã sáng lập, chỉ đạo và tuyên truyền việc thành lập Phụ lão cứu quốc Hội ngay tại các thôn, bản, vùng căn cứ địa cách mạng.
Ngày 21/9/1945, Người viết “Thư gửi các vị phụ lão,” kêu gọi: “Các vị phụ lão ở Hà Thành ra xung phong tổ chức “Phụ lão cứu quốc Hội” để các phụ lão… hùn sức giữ gìn nền độc lập của nước nhà”. Người khẳng định: NCT Việt Nam có một tinh thần và chí khí đặc biệt: “Tuổi tác càng cao, lòng yêu nước càng lớn”, “Tuổi cao chí khí càng cao”. Ngày 6/6/1941, Người viết lời hiệu triệu “Kính cáo đồng bào”, kêu gọi các bậc phụ huynh, hiền nhân, chí sĩ, cùng toàn dân đoàn kết thống nhất đánh đuổi Pháp, Nhật.
Tháng 6/1941, Hồ Chí Minh viết “Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão”, Người nêu rõ: “Trách nhiệm của các cụ phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng, đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Đất nước bị mất, phụ lão cứu. Đất nước suy sụp phụ lão phù trì. Nước nhà hưng, suy, tồn, vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề”. “Đồng bào cả nước đang ngẩng cao đầu mà trông chờ các bậc phụ lão”. Người nhấn mạnh: “Xưa nay, những người yêu nước không vì tuổi già mà chịu ngồi không”. Khi đề cập đến vai trò của trí thức trong sự nghiệp cách mạng, Người viết: “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc”. “Anh em văn hoá với trí thức là lớp tiên tri, tiên giác, càng phải quyết tâm”. “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”; trong đó, có nhiều trí thức là NCT, có bề dày kinh nghiệm, nhiều công trình khoa học và đóng góp to lớn cho sự phát triển của quê hương, đất nước.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, NCT đã tham gia nhiều lĩnh vực, góp sức mình cùng quân dân cả nước đánh giặc, như: đào hầm bí mật, nuôi giấu, bảo vệ cán bộ; cung cấp lương thực, thực phẩm cho cách mạng; che chở, giúp đỡ cán bộ nằm vùng; hoặc khi bị địch bắt, NCT đã kiên quyết bảo vệ cách mạng, nhất định không khai báo. Một số cụ già đã anh dũng hi sinh khi tuyên bố “không biết” trước sự tra khảo của kẻ thù. Ngợi ca tinh thần yêu nước của các cụ phụ lão tham gia kháng chiến cứu quốc. Năm 1947, Người viết: Thơ tặng ba cụ lão du kích ở Cao Bằng: “Tuổi cao chí khí càng cao/ Múa gươm giết giặc ào ào gió thu/ Sẵn sàng tiêu diệt quân thù/ Tiếng thơm Việt Bắc ngàn thu lẫy lừng”.
Những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, NCT miền Bắc đã tích cực đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trên nhiều mặt trận, như: Tổ bảo vệ, tổ an ninh, tổ sản xuất, tổ chăn nuôi, tổ trồng cây, tham gia lực lượng phòng không. Tiêu biểu là các cụ “Bạch đầu quân” xã Hoằng Trường, tỉnh Thanh Hoá bắn rơi máy bay Mỹ. Để động viên, khuyến khích tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng và sự đóng góp của NCT, Hồ Chí Minh đã đúc kết: “Tuổi cao chí khí càng cao, chống Mỹ - cứu nước già nào kém ai”.