Từ di chúc Bác Hồ, nghĩ về bảo vệ môi trường ngày nay
Nghiên cứu - Trao đổi 09/09/2021 12:09
Nhân kỉ niệm 52 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, cần nhìn lại những quan điểm, tư tưởng của Bác về môi trường sống để thực hiện tốt hơn các vấn đề về môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên hiện nay...
Với tư tưởng “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, vào đầu Xuân mới hằng năm, Bác duy trì, phát động phong trào Tết trồng cây; thăm hỏi, động viên những gương người tốt, việc tốt trong việc trồng cây gây rừng, bảo vệ môi trường. Ngày 19/1/1960, Báo Nhân dân đăng bài viết của Bác với tiêu đề “Tết trồng cây đã thắng lợi bước đầu”, trong đó Bác nêu gương một số địa phương thực hiện tốt Tết trồng cây, đồng thời lưu ý người tham gia trồng cây phải coi trọng chất lượng, kết hợp việc trồng cây với trồng rừng liên tục.
Ngày 6/2/1969, Bác Hồ đến thăm, chúc Tết Nhân dân xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (cũ), Bác đã cùng Nhân dân khai xuân trồng cây trên quả đồi của xã. Khi chuyện trò thân mật với Nhân dân, Bác đã nói “Đất nước bây giờ là của chúng ta, cho nên phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi”...
Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội) sáng 16-2-1969. Ảnh tư liệu. |
Trước lúc đi xa, trong Di chúc Bác Hồ đã viết: “Về việc riêng - Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của Nhân dân. Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn. Tro thì chia làm ba phần, bỏ vào ba hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam. Đồng bào mỗi miền nên chọn một quả đồi mà chôn hộp tro đó. Trên mả, không nên có bia đá tượng đồng, mà nên xây một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi. Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỉ niệm. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp. Việc săn sóc nên giao phó cho các cụ phụ lão".
Cán bộ, đảng viên và toàn dân đang tích cực “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị 05/CT-TW của Bộ Chính trị cần hiểu rõ, học Bác không chỉ ở tấm lòng yêu nước, thương dân, suốt đời phấn đấu, hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân, mà phải học Bác - một tấm gương đạo đức mẫu mực, một tình cảm gần gũi, chân thành, gắn bó với con người, với thiên nhiên. Cụ thể:
Một là, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường… Thực hiện mục tiêu đó, tăng trưởng kinh tế sẽ được duy trì ở mức cao hơn.
Hai là, đẩy mạnh công tác giáo dục cho mọi người dân về vai trò của rừng cũng như hậu quả của việc khai thác rừng bừa bãi. Bảo vệ rừng phải được coi là mục tiêu, nội dung cơ bản của phát triển bền vững và phải được thể hiện trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương có rừng.
Ba là, tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân để từng bước thay đổi suy nghĩ về tang lễ lạc hậu do phong tục trước đây để lại, thực hiện “điện táng” hoặc “hỏa táng” như lời dặn của Bác và trở thành một việc làm văn minh ở mọi miền đất nước.
Bốn là, rác thải nhựa đang hằng ngày, hàng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Vì vậy, cần tuyên truyền vận động, xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến cộng đồng và người dân…