Nhớ lời Bác dặn phải không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân
Nghiên cứu - Trao đổi 23/01/2025 08:54
Trong bài nói chuyện tại Lễ kỉ niệm 30 năm Ngày thành lập Ðảng vào năm 1960, Bác khẳng định mục tiêu xuyên suốt của Đảng là: “Ðảng ta là đạo đức, là văn minh/ Là thống nhất, độc lập, là hòa bình, ấm no”.
Nói về trách nhiệm của Đảng đối với Nhân dân, Bác nêu rõ: “Hễ còn một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ. Cho nên Đảng vừa phải lo tính công việc lớn như đổi mới nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành nền văn hóa tiên tiến, đồng thời luôn luôn quan tâm đến những công việc nhỏ như tương, cà mắm, muối cần thiết cho đời sống hằng ngày của Nhân dân”. Bởi vậy, theo Người: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của Nhân dân”.
Muốn không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân, Bác nói một cách giản dị, dễ hiểu: “Nói một cách tóm tắt, mộc mạc thì chủ nghĩa xã hội trước hết là làm cho Nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một cuộc đời hạnh phúc” , “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho Nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ… Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội” và “Chế độ cộng sản là ai cũng no ấm, sung sướng, tự do; ai cũng thông thái và có đạo đức. Đó là một xã hội tốt đẹp, vẻ vang”. Do đó, khi miền Bắc tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Người khẳng định: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội tức là xây dựng đời sống no ấm và hạnh phúc cho Nhân dân”.
Ngày 9/9/1969, Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất, đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh có đoạn: “Vĩnh biệt Người, chúng ta thề: Đem hết sức mình tiếp tục phấn đấu thực hiện lí tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa cao đẹp mà Người đã vạch ra cho giai cấp công nhân và Nhân dân ta, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho đồng bào”.
Trên cơ sở đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng, quân và dân ta đã thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Sau khi hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, Đảng ta tiếp tục giương cao hơn nữa ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Trước những yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (1986) đã đề ra đường lối đổi mới, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tiếp đó, Đảng đã từng bước hoàn thiện, cụ thể hoá đường lối đổi mới mà nội dung cơ bản, cốt lõi được thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện quan trọng của Đảng qua các kì Đại hội đã nêu rõ những đặc trưng của mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân ta xây dựng. Đó là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do Nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.
Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đặt ra mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, kỉ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỉ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỉ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử và toàn diện. Tốc độ tăng GDP năm 2024 đạt 7,09%, nâng quy mô GDP nền kinh tế lên mức 11.512 nghìn tỉ đồng, tương đương khoảng 476 tỉ USD, GDP bình quân đầu người đạt 4.700 USD/người, tăng 377 USD so với năm 2023. Theo đánh giá của giới chuyên gia, nếu duy trì được đà tăng trưởng như 3 thập niên qua thì đến năm 2045 - kỉ niệm mốc lịch sử 100 năm Việt Nam độc lập (1945 - 2045), quy mô GDP của Việt Nam ước sẽ đạt khoảng 2.500 tỉ USD.
Trong bài: “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (4/8/2024), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chỉ rõ: “Chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh; kết hợp chặt chẽ chủ nghĩa yêu nước chân chính với truyền thống tốt đẹp, khí phách và tinh hoa của dân tộc, không ngừng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; với bản lĩnh, kiên định lí tưởng cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên; được Nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ, công cuộc đổi mới đất nước nhất định giành thắng lợi to lớn, Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, ấm no, đất nước ta ngày càng phát triển phồn vinh, hùng cường, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thành công mục tiêu chiến lược mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra và di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại cũng là ước vọng của toàn dân tộc “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Hiện đất nước ta đang chuẩn bị tiến vào kỉ nguyên mới, kỉ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Mục tiêu là kỉ nguyên mới là xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.