Trẻ cậy cha, già cậy con” - đôi điều suy ngẫm
Nghiên cứu - Trao đổi 28/10/2021 17:55
Phó Chủ tịch Trương Xuân Cừ tặng quà NCT tỉnh Phú Thọ |
“Trẻ cậy cha…"
Là đất nước của sản xuất nông nghiệp, trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, đa số sinh ra từ lũy tre làng, đi lên từ chân lấm tay bùn, hai sương một nắng… nên cần cù chịu thương chịu khó và hết lòng hi sinh vì con cái, người thân là đức tính vô cùng đáng quý của mỗi người dân đất Việt. “Trẻ cậy cha” không đơn thuần chỉ là việc cha mẹ lo cho con đủ ăn đủ mặc, học hành đến nơi đến chốn mà còn là người bạn đồng hành cùng con trong suốt cuộc đời, theo từng bước trưởng thành của chúng.
Xưa nay, các thế hệ ông bà, cha mẹ vốn quen gian khó, nhọc nhằn, vượt lên tất cả khó khăn hi sinh hết mình cho con cháu. Khi con còn nhỏ, lo học hành, chuẩn bị cho tương lai; con trưởng thành thì lo dựng vợ gả chồng, cũng phải có cái nhà cái cử, ít vốn liếng hỗ trợ con lập nghiệp, tạo điều kiện cho con hòa nhập, phấn đấu trong môi trường tốt nhất. Nên có bao nhiêu của nả, ruộng đất, nhà cửa chắt chiu dành dụm cả cuộc đời lại đem ra chia sẻ hết cho các con, chẳng giữ lại gì cho riêng mình. Khi các con đã nhà cao cửa rộng, yên ổn làm ăn thì lại lo bồng bế chăm nom các cháu cho bố mẹ chúng đi làm. Con nào vất vả nhân duyên hay làm ăn thất bát, cha mẹ lại lao tâm khổ tứ tìm đủ mọi cách để gồng gánh, lo toan. Thực tế chứng minh, đã không ít người cao tuổi bán nhà, bán ruộng đất ở quê theo con ra phố. Điều này khác hẳn văn hóa phương Tây, cha mẹ chỉ nuôi con đến khi trưởng thành, sau đó các con tự bươn chải, lo liệu cho cuộc sống của mình.
Một mô hình tứ đại đồng đường ở tính Thái Bình |
“… Già cậy con”
Và cũng theo luân thường đạo lí người Việt, khi về già, các bậc ông bà, cha mẹ được con cháu phụng dưỡng, chăm sóc, báo đáp công lao sinh thành, dưỡng dục. Thông thường, khi các con đã trưởng thành, xây dựng gia đình ra ở riêng, các bậc cha mẹ đã tính cho mình phương án sẽ ở với con nào cho đến cuối đời. Phong tục Việt Nam xưa nay cha mẹ già thường được ở với con trai trưởng, được trai trưởng và dâu trưởng chăm lo phụng dưỡng, các con thứ có trách nhiệm chung tay cùng anh cả phụng sự cha mẹ. Vì thế, ngày từ khi còn trẻ, các bậc cha mẹ đã chuẩn bị điều kiện hỗ trợ nhiều hơn và đến khi phân chia tài sản, thường dành phần hơn cho con trai trưởng hoặc người con đảm nhiệm việc phụng dưỡng, chăm nuôi lúc tuổi già.
Thật hạnh phúc khi trong cuộc sống hiện đại đầy bon chen và cám dỗ, vẫn còn rất nhiều mô hình gia đình ba, bốn thế hệ sống chung một mái nhà, mà chúng ta thường gọi “tam đại đồng đường”, “tứ đại đồng đường”. Hằng ngày, sau mỗi giờ tan học, tan làm ở công sở, ông bà, con cháu chắt lại quây quần bên mâm cơm sum họp, mỗi người một câu chuyện ở trường học, ở cơ quan… tiếng cười nói rộn ràng, rôm rả cả không gian, để rồi hôm sau lại mỗi người một việc. Đó là hình ảnh đẹp của một truyền thống đẹp, biểu tượng của nét đẹp văn hóa tinh thần, là sự gắn kết yêu thương trong từng gia đình, dòng tộc, làng quê. Từ đó, người cao tuổi được quan tâm chia sẻ, được chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo ngay từ trong gia đình.
Nhiều NCT vẫn phải bươn chải mưu sinh |
Đôi điều suy ngẫm
Tuy nhiên, không phải người cao tuổi nào cũng may mắn có được hạnh phúc đó. Khi các con vui vẻ, thành đạt cha mẹ cũng tự hào, mà con thất bại, đau buồn chẳng cha mẹ nào yên vui cho được. Cha mẹ không chỉ là “cái ô” an toàn che chở, dìu dắt, định hướng tương lai cho con trẻ, mà còn trở thành tấm gương để con cái học tập, làm theo nên ý thức về sự sẻ chia, lòng dũng cảm, thói quen, sở thích chính đáng của cha mẹ cũng tạo ấn tượng đối với con cái. Ngược lại, những người làm cha mẹ quá nuông chiều con cái, vi phạm pháp luật, làm ăn bất chính… chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến tâm sinh lí, hình thành nhân cách ở con trẻ. Trong xã hội hiện đại, các vấn đề đó càng phức tạp, vẫn không thiếu những đứa trẻ bơ vơ trong thế giới riêng mình. Cũng không ít thanh niên trẻ ỉ thế cha mẹ, ăn chơi đua đòi, mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. Nhiều thanh niên được cha mẹ cho đi du học, xuất khẩu lao động ra nước ngoài, thiếu sự quản lí, giám sát của phụ huynh, không tự rèn luyện mà sống buông thả, tiêu tốn bao nhiêu cơm gạo của cha mẹ mà “công chẳng thành, danh chẳng toại”… làm đau đầu các bậc cao niên, ảnh hưởng đến uy danh dòng tộc...
Trước vòng quay của cơm áo gạo tiền, vật lộn, lo toan mưu sinh cuộc sống, nhất là ở các đô thị, các con cháu bận đi học, đi làm, cả ngày chỉ còn người cao tuổi làm bạn với bốn bức tường, thậm chí còn khóa trái cửa để phòng kẻ gian. Trong nhà, người cao tuổi làm bạn với ti vi, điện thoại, giường ngủ, ghế sôpha… Đến tối, con cháu đi làm, đi học về mệt lử, ăn cơm xong lại mỗi người một phòng, người “ôm” điện thoại, người dán mắt vào màn hình máy tính… Để ông bà, cha mẹ già lủi thủi, cô đơn trong chính ngôi nhà của mình, giữa những người thân yêu nhất của mình. Ấy là chưa kể khi sống chung trong một không gian hẹp, trạng thái tâm lí mỗi độ tuổi các nhau, quan điểm, nhận thức khác nhau đôi khi dẫn đến những bất hòa không đáng có, dẫn đến rạn nứt tình cảm gia đình. Trên thực tế, hằng năm, ở cộng đồng dân cư, cấp ủy, chính quyền, Hội Người cao tuổi các cấp đã hỗ trợ rất nhiều những hoàn cảnh khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa, không có con cháu phụng dưỡng, chăm sóc.
Trong bối cảnh già hóa dân số đang tăng nhanh hiện nay, tình trạng khó khăn về tinh thần nêu trên của người cao tuổi diễn ra ngày càng phổ biến, đè một gánh nặng lên chính sách an sinh xã hội của Chính phủ và chính quyền các cấp. Để giải quyết thực trạng trên, trước hết mỗi tập thể, cá nhân cần xác định trách nhiệm chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi là của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Bên cạnh đó, cần tiếp tục giáo dục truyền thống hiếu đạo, biết ơn ông bà cha mẹ cho thế hệ trẻ. Và quan trọng hơn, chính người cao tuổi cần nhận thức sâu sắc rằng, không thể phụ thuộc vào con cháu mà nên chuẩn bị cho tuổi già từ khi còn trẻ. Cụ thể là chủ động tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện và tích lũy cá nhân để bảo đảm nguồn lực chăm sóc bản thân khi về già, mà trong đó mô hình trung tâm chăm sóc người cao tuổi (nhà dưỡng lão) đang được cho là phù hợp trong gian đoạn hiện nay.