Bình Thuận: Tặng 400 phần quà cho người mù khó khăn

Đời sống 19/01/2023 09:00
Anh chị Tám vốn là thanh niên xung phong được chuyển về phục vụ các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục, chị làm y tá, anh làm bảo vệ, suốt 10 năm bám trụ chiến khu, suốt 10 năm chớm nở tình yêu và hạnh phúc vợ chồng anh chị. Từ ngày giang sơn thu về một cõi đến nay, anh chị Tám đưa nhau về làm ăn tận Xóm Mới nơi Đất Mũi Cà Mau. Tôi tưởng anh chị Tám đã quên một thuở với rừng già, một thuở với trái rừng, ai dè đường sá xa xôi, phải ba chặng xe đò, hai chặng xe ôm, tuổi cao sức yếu mà vẫn lên đây thăm căn cứ xưa.
Tôi hỏi anh chị Tám, thật vô tình:
- Cái gì thôi thúc anh chị trở lại Bắc Tây Ninh?
Anh chị Tám nhìn nhau, ngạc nhiên với câu hỏi của tôi - một phóng viên trận mạc rất thân anh chị trong chiến tranh. Lâu lắm, chị Tám mới hỏi lại tôi:
- Chớ cậu Út có ơn rừng không?
![]() |
Trái rùm đuôn |
Câu hỏi của chị Tám làm tôi giật mình!
Hồi anh chị Tám yêu nhau, cũng là thanh niên xung phong nhưng khác đơn vị nên bộ phận tổ chức bên chị Tám bắt anh Tám phải nộp lí lịch. Anh Tám chửi thề, từ chối. Chắc cái chuyện xét lí lịch mới được yêu nhau ấy đã để lại một kỉ niệm ngồ ngộ mà chuyến hành hương này hẳn anh chị Tám càng nhớ đến nó, như nhớ về khu rừng Rùm Đuôn - căn cứ Trung ương Cục Miền Nam (mật danh là R) thời kháng Mỹ.
Bỗng anh Tám lên tiếng:
- Trái rùm đuôn kìa - Anh Tám chỉ - Lúc em có bầu, bắt anh hái hoài.
Khu rừng này có rất nhiều cây rùm đuôn mà thành danh.
Nhắc đến đứa con không ra đời được bởi cuộc hành quân Junction City lớn nhất của quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, từ ngày 22/2 đến 15/4/1967, do tướng Jonhnathan Simon chỉ huy, có lẽ vì quá yêu vợ mà lấy thành phố quê vợ là Junction đặt tên cho chiến dịch “tìm diệt đầu não và quân chủ lực Việt cộng”, mặt chị Tám tái xanh. Hồi ấy, Trung ương Cục tạm chuyển đi nơi khác, anh chị Tám ở lại Rùm Đuôn chiến đấu như bao tự vệ các cơ quan trực thuộc R. Căn cứ vẫn đứng vững mà đứa con ba tháng trong bụng, chị không giữ được. Bây giờ anh chị Tám tìm đâu ra nấm mồ có hình hài đứa con tội nghiệp!
Văng vẳng bên tai tôi một bài ca theo điệu Khốc hoàng thiên (Khóc ông trời - một giai điệu cải lương phổ biến), không biết chị Tám hát hay âm thanh ảo:
Rừng Nhum có cô Kiều Hạnh
Bời Lời có chị Hai Nê
Suối Ông Hùng có nàng Út Chói
Trảng Cỏ có chị Năm Bèo
Đầu bèo nhèo đít láng mướt
Có con mà không có chồng…
Địa danh trong bài ca là những điểm tập kết để các cô giao liên Giải phóng đưa người vào ra căn cứ R. Những cô gái ấy, trong thập niên 1960, không chờ được chiến tranh kết thúc, đã có con mà chưa kịp có chồng. Bài ca thông cảm hay phê phán, các cô gái ấy nay ai còn ai mất, rừng ơi!
Những địa danh trong bài ca ấy là nơi có hàng chục loại trái rừng một thuở gắn bó với bao người kháng chiến, như cô Kiều Hạnh, chị Năm Bèo, như tôi, như anh chị Tám.
Gần 50 năm, anh Tám mới gặp lại mùa rùm đuôn, gặp lại mùa gùi khi những ngày khô hạn sắp qua, khi bầu trời bắt đầu bồng bềnh mây trắng mưa sắp về, nên ngạc nhiên là phải. Trái rùm đuôn (còn gọi là chùm đuông) tít trên cao mà anh Tám chỉ cho chị Tám thấy, chỉ lớn hơn trái mồng tơi chút ít, đã từng cung cấp “chất chua” cho những bà bầu thiếu thốn mọi thứ giữa chiến khu. Mà đâu chỉ những bà bầu, các cô gái Giải phóng, cánh đàn ông chúng tôi cũng mê mệt chùm chùm rùm đuôn tím sẫm khi chín, ngọt ngọt chua chua ăn hoài lại muốn ăn nữa.
Không như cây rùm đuôn thân gỗ, có thể cao mươi, mười lăm mét, cây gùi thuộc dạng dây leo nhưng không phải kí sinh, cũng có khá nhiều ở rừng Đông Nam Bộ. Đã nửa thế kỉ mà cái vị chua thanh, ngọt đậm của trái gùi ngâm đường chị Tám “chiêu đãi” khi tôi lội rừng đến thăm anh chị ở R vẫn còn lưu giữ nơi đầu lưỡi. Viết thế, có người cho rằng “nói quá”, nhưng những ai đã từng thưởng thức trái gùi chín màu vàng ươm, to bằng hột gà so, bên trong có múi cũng vàng ươm như ngoài vỏ thì biết tôi không “dóc tổ”.
Tôi đưa anh chị Tám vào cái lán khang trang, lợp lá trung quân mà đơn vị bảo vệ Di tích Căn cứ R dựng để tiếp khách, ngồi nghỉ. Anh nuôi của đơn vị bảo vệ bưng cho chúng tôi ba li nước. Tôi đố anh chị Tám là nước gì. Chị Tám nhấp một ngụm, nói tỉnh bơ:
- Giữa rừng mà cũng có nước đá làm nước gùi đá ngon hơn nước chanh đá, ngộ thiệt!
- Cũng như dưới Đất Mũi xa tám hoánh cũng có bia ôm - Anh Tám nheo mắt chọc vợ.
2. Ba “cựu binh rừng già” lại “huyên thuyên” về trái rừng.
Anh Tám rành rẽ:
- Căn cứ R còn có trái trường, trái sót, trái sai, trái mây, trái viết, trái bứa, trái cám, trái bồ quân, trái chôm chôm, trái cò ke, trái nhãn lồng, trái chùm moi…, tất cả đều ngon.
Chị Tám khen:
- Ông thuộc dữ héng! Nhưng mà tui đố ông với cậu Út, còn một trái chữa được bệnh sốt rét?
- Dễ ợt, trái ớt - anh Tám nhìn tôi như tìm sự “ủng hộ”.
Tôi kể:
- Hồi ở chiến trường Trị - Thiên - Huế, mỗi lần trở lại rừng sau những trận đánh ở đồng bằng, tôi thường leo những cây ớt hiểm cao ba bốn mét hái vài mũ tai bèo trái cho cả đại đội dùng mươi ngày.
- Ớt mà phải leo mới hái được trái? - Chị Tám hoài nghi.
Được thể, tôi kể tiếp:
- Rừng Trường Sơn, rừng Tây Nguyên thời chiến tranh còn có những cây mây song dài vài ba ngàn mét, vắt từ đồi này qua đồi khác, chỉ một cây là đủ làm cầu vượt suối lũ. Trái của nó cũng đỡ đói lòng. Lại có những cây chôm chôm muốn hái trái, phải đu dây, chặt vài cành, cả đại đội ăn không hết. Có những cây chè gốc vài người ôm, một cành là đủ lá nguỵ trang cho mươi người lính, khi dừng hành quân, đủ nấu nước chè cho một trung đội đổ bi đông.
Nghe vậy, anh chị Tám khen rừng ngoài Trung, rừng trên Cao nguyên sản vật còn nhiều hơn rừng Miền Đông.
Đột nhiên anh Tám hỏi:
- Nay những cây rừng ấy còn không?
Tôi lưỡng lự, nếu nói không còn là không đúng, mà nói còn thì e chưa chính xác:
- Bốn mươi bảy năm qua, trừ những vườn quốc gia, rừng gần như mất, còn chăng là đồi cây lúp xúp, đất lở lói phơi mưa phơi nắng. Báo cáo rừng tăng hằng năm của ngành kiểm lâm là để được khen. Bây giờ kiếm trái sim cũng đỏ con mắt, tháng ba ở Tây Nguyên không có mưa để con ong đi làm mật. Ở Tây Nguyên, mất rừng làm suy giảm văn hoá của nhiều dân tộc, bởi văn hoá của họ là tiếng đàn trưng bắt nguồn từ nhịp sống của rừng, của suối, ngôi nhà dài của người Êđê hay cái nhà rông của người Bana nay không có cây cà chắt, cây bình linh, cây mây để dựng…
Anh Tám thở dài:
- Thế mà tivi cứ oang oang “Tây Nguyên đại ngàn”.
Chị Tám:
- Thì họ nói dóc có thua gì ông! Rồi đây chắc không còn trái rừng để ăn.
Để anh chị Tám vui, tôi kể:
- Vừa rồi Út có lên Tà Thiết. Anh chị biết Tà Thiết thuộc huyện Lộc Ninh của tỉnh Bình Phước bây giờ từng là căn cứ của Bộ Tư lệnh Miền (Bộ Tư lệnh Quân Giải phóng Miền Nam), cũng là nơi đồng chí Lê Đức Thọ thay mặt Bộ Chính trị đọc quyết định đổi tên Chiến dịch Giải phóng Sài Gòn - Gia Định thành Chiến dịch Hồ Chí Minh, ngày 14/4/1975. Gần Di tích Lịch sử Căn cứ Tà Thiết có vị tướng Quân Giải phóng về hưu Nguyễn Ngọc Ẩn 20 năm qua đã trồng 20 ha cả trăm loại cây rừng có trái ăn được. Ông Ẩn từng sống, chiến đấu ở căn cứ Tà Thiết, về hưu, cảm thấy không thích hợp với cuộc sống gấp gáp tại TP. Hồ Chí Minh, đã trở lại vùng đất cũ, bao nhiêu ngày ăn rừng ngủ rẫy để tìm cây giống, quyết gầy dựng lại một cánh rừng từng góp phần rất quan trọng vào hai cuộc chiến tranh giữ nước. Ông Ẩn nói ông và đồng đội ăn lộc của rừng suốt những năm đánh giặc, cái ân nghĩa đó phải trả. Mà ngộ lắm anh chị Tám ơi, ông Ẩn kêu những loại cây ông trồng bằng “đứa”, như kêu con cháu trong nhà, “đứa rùm đuôn”, “đứa cơm nguội”, “đứa cò ke”, đứa “chùm moi”,… Ông Ẩn rất hạn chế người lạ vào khu rừng của ông bởi lo họ hái hoa, bẻ cành. Khi đến mùa, chỉ những trái rụng ổng mới cho nhặt chứ không được hái trực tiếp vì sợ “mấy đứa cây” đau.
Anh Tám nói:
- Chuyến sau lên Miền Đông, cậu Út dẫn anh chị đến Tà Thiết thăm ông Ẩn, thăm “mấy đứa cây” của ổng rồi xin ít giống về Cà Mau trồng.
Chị Tám “ờ héng”, cười tươi như thời xuân sắc:
- Em phụ anh gây rừng Miền Đông ở Miền Tây, có vậy trái rừng một thuở mới muôn thuở!