Trách nhiệm xã hội của nghệ sĩ
Nhịp sống văn hóa 15/09/2021 16:30
Ngày 27/8/2021, trên trang web chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo: “Từ giờ sẽ không còn chỗ cho hành động sai trái của các nghệ sĩ. Nếu muốn theo đuổi sự nghiệp biểu diễn, trước hết, bạn phải tuân thủ pháp luật và sống có đạo đức.
Nếu không, chỉ cần một hành vi vi phạm, con đường nghệ thuật của bạn coi như đã tận”. Hiện tượng phong sát một số nghệ sĩ Trung Quốc cũng đồng thời là bài học cảnh tỉnh cho các nghệ sĩ Việt Nam tránh tham gia vào những hoạt động trái pháp luật, có những hành vi, lời nói, chia sẻ không chuẩn mực, phù hợp với đạo đức chung của xã hội.
Những thông tin cả tích cực và tiêu cực liên quan đến nghệ sĩ luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng. Vì vậy, những tin tức liên quan đến các scandal của nghệ sĩ không những trở thành chủ đề bàn tán rộng rãi của công chúng mà còn tạo ra hiệu ứng tiêu cực trong định hướng giá trị, lối sống của rất nhiều thanh, thiếu niên. Ngược lại, những hình ảnh đẹp, hành động tốt của nghệ sĩ cũng sẽ dễ truyền cảm hứng cho đông đảo người dân noi theo. Đó là lý do tại sao, xã hội luôn trông chờ các nghệ sĩ có những hành vi ứng xử chuẩn mực, tạo điều kiện định hướng hành vi, lối sống cho không chỉ những người hâm mộ họ, mà còn là tấm gương chung cho toàn xã hội.
Quay trở lại với những lùm xùm liên quan đến từ thiện, hành vi, lời nói, chia sẻ không phù hợp của một số nghệ sĩ trong thời gian vừa qua cho thấy đa phần nghệ sĩ không có một hiểu biết đầy đủ về những việc làm đó, cũng như trách nhiệm xã hội cũng như cá nhân của họ với tư cách là một nghệ sĩ. Khi đã là nghệ sĩ, chúng ta cần chấp nhận mình là người của công chúng nên cách hành xử của chúng ta cần vì công chúng và cho công chúng. Khi công chúng yêu mến, hâm mộ nghệ sĩ, họ cũng đã đặt niềm tin, tình cảm cho người nghệ sĩ đó. Hoạt động từ thiện, nếu làm đúng, không chỉ giúp người nghệ sĩ thực hiện được mong muốn làm điều tốt cho những hoàn cảnh khó khăn mà còn giúp họ có một hình đẹp hơn nữa trong mắt của công chúng và nhân dân cả nước - một cách xây dựng thương hiệu hiệu quả. Công chúng cũng sẵn sàng chung tay giúp nghệ sĩ vì tình cảm và niềm tin họ dành cho nghệ sĩ. Việc yêu cầu sao kê thực sự là một việc làm chẳng đặng đừng, khi niềm tin bị đánh mất, và tình yêu dành cho nghệ sĩ vì thế cũng bị ảnh hưởng. Sao kê chỉ là một chỉ báo cho thấy sự mất niềm tin vào những nghệ sĩ cụ thể, và đây là sự thực đáng buồn nhất, hơn tất cả những đóng góp bằng tiền bạc hay của cải khác.
Sẽ cần phải có nhiều thời gian để lấy lại niềm tin của công chúng và điều này chắc chắn cần bắt đầu từ nghệ sĩ. Những lời xin lỗi là cần thiết nhưng cũng đã quá muộn mằn. Quan trọng nhất vẫn là một nhận thức đầy đủ, đúng đắn về vị trí, vai trò, ý nghĩa của người nghệ sĩ trong bối cảnh xã hội hiện nay. Từ nhận thức đúng và đủ này, chúng ta hy vọng người nghệ sĩ sẽ trở thành một tấm gương tốt cho toàn xã hội.
Bên cạnh những chế tài khác được quy định trong các luật, nghị định, bộ quy tắc ứng xử chung dành cho nghệ sĩ này sẽ tạo nên một hệ sinh thái để điều chỉnh hành vi cho nghệ sĩ. Bộ quy tắc này chính là một trong những giải pháp để giải quyết căn cơ những vấn đề liên quan đến hiểu biết chưa đầy đủ của người nghệ sĩ. Bộ quy tắc không mang tính ràng buộc nhưng có tác dụng nâng cao nhận thức và định hướng hành vi. Khi người nghệ sĩ hiểu rằng những gì mình nên làm/không nên làm, được làm/không được làm thì họ sẽ tránh được những sai sót như đã từng diễn ra; đồng thời tạo điều kiện hình thành, xác định, điều chỉnh dư luận xã hội về các hành vi của nghệ sĩ.
Một xã hội yêu nghệ thuật là một xã hội luôn đề cao cái đẹp, sự sáng tạo và sự tử tế. Nghệ sĩ - người sáng tạo và thể hiện nghệ thuật - là những hình ảnh gần gũi nhất đối với những cái đẹp đó trong xã hội, vì thế chúng ta cần nghệ sĩ thể hiện tốt hơn nữa trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, để từ đó hình thành nên một môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện cho sự phát triển nhân cách cá nhân và tạo cảm hứng tốt cho khát vọng xây dựng đất nước hùng cường.