TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận: Quy kết dân lấn chiếm đất để không bồi thường; vừa không tôn trọng sự thật, vừa trái pháp luật (Kì 3)
Pháp luật - Bạn đọc 16/09/2018 14:29
(Tiếp theo kì trước)
Như đã phản ánh, bà Nguyễn Thị Bảy khiếu nại Quyết định số 195/QĐ-CC ngày 29/4/2014 của Chủ tịch UBND TP Phan Thiết, về cưỡng chế thi hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả… Ông Trần Văn Thành khiếu nại Quyết định số 946/QĐ-KPHQ ngày 22/11/2013 của Chủ tịch UBND TP Phan Thiết, về áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả… Giải quyết khiếu nại của bà Nguyễn Thị Bảy và ông Trần Văn Thành, ông Đặng Đình Hiếu, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thiết kí ban hành Quyết định số 373/QĐ-UBND ngày 27/6/2014, đối với khiếu nại của ông Thành và Quyết định số 505/QĐ-UBND ngày 20/8/2014, đối với khiếu nại của bà Bảy, bác đơn khiếu nại của bà Bảy và ông Thành. Nội dung 2 quyết định này cơ bản giống nhau, chỉ khác số liệu về diện tích đất. Để rộng đường dư luận, chúng tôi phản ánh nội dung 2 quyết định này, đồng thời phân tích căn cứ trên cơ sở sự thật và pháp lí.
Tại 2 Quyết định số 373/QĐ-UBND và số 505/QĐ-UBND đều nêu các căn cứ, xin trích: “Ngày 11/10/2012… Trung tâm kĩ thuật Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố, Ban Quản lí rừng phòng hộ Phan Thiết và UBND phường Phú Hài tổ chức kiểm kê, đo đạc hiện trạng vị trí đất… đã xác định: toàn bộ diện tích đất… ông Thành (bà Bảy) khiếu nại do Ban Quản lí bảo vệ và trồng rừng Phan Thiết (nay là Ban Quản lí rừng phòng hộ Phan Thiết) quản lí.
Ngày 16/11/2012, UBND phường Phú Hài tổ chức Hội đồng tư vấn xét tính pháp lí quyền sử dụng đất, đã xác định các thửa đất ông Trần Văn Thành (bà Nguyễn Thị Bảy) đang khiếu nại, có nguồn gốc đất do Ban Quản lí rừng phòng hộ Phan Thiết quản lí, gia đình ông Thành (bà Bảy) chiếm đất trồng cây vào năm 2010. Rà soát Bản đồ đo đạc theo Nghị định số 60/1994/NĐ-CP của Chính phủ, không thể hiện gia đình ông Trần Văn Thành (bà Nguyễn Thị Bảy) đăng kí, kê khai các thửa đất này.
Mặt khác, theo báo cáo của Ban Quản lí rừng phòng hộ Phan Thiết tại Văn bản số 151/BQLRPHPT-KT ngày 12/7/2012, thì phần diện tích do Ban Quản lí rừng phòng hộ Phan Thiết quản lí (diện tích ông Thành, bà Bảy đang khiếu nại) đã được Ban Quản lí rừng phòng hộ trồng rừng keo lá tràm vào năm 1998, trồng rừng keo lá tràm hỗn giao vào năm 1999. Đến năm 2004, do rừng trồng bị chết nên Ban Quản lí rừng phòng hộ Phan Thiết làm hồ sơ xin thanh lí”. (Hết trích)
Kết luận tuổi cây trên đất của ông Thành, có căn cứ khẳng định không phải ông lấn chiếm đất trồng cây năm 2010
Kết luận như vậy là có dấu hiệu thiếu căn cứ pháp lí và không tôn trọng sự thật: Nói các gia đình lấn chiếm, trồng cây trên đất năm 2010, chỉ là nói vu vơ, không có bằng chứng xác thực, vì nếu vậy thì lấn chiếm cụ thể vào thời gian nào trong năm 2010, sao không có bất cứ biên bản nào ghi nhận việc lấn chiếm!? Nếu bà Bảy, ông Thành lấn chiếm đất của Ban Quản lí rừng phòng hộ, hoặc Trung tâm Phát triển quỹ đất Bình Thuận, sao không đơn vị nào ra tranh chấp? Hơn nữa, năm 2012, UBND tỉnh Bình Thuận còn tiến hành mượn đất của ông Thành để tổ chức Lễ hội khinh khí cầu, mà chính Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh lại là đơn vị thực hiện việc mượn đất này!? Mặt khác, theo Kết luận về tuổi cây trên đất của ông Thành, do Cơ quan Giám định cây trồng tỉnh Bình Thuận ban hành ngày 24/8/2012, các loại cây: đào, keo lá tràm, bạch đàn do ông Thành trồng vào các năm: 2006, 2007, 2009, 2010. Vậy, bảo ông Thành và bà Bảy ra trồng cây lấn chiếm đất năm 2010 là chưa đúng sự thật.
Việc Ban Quản lí rừng phòng hộ Phan Thiết (nay là Ban Quản lí rừng phòng hộ Hồng Phú) báo cáo cho rằng, đó là diện tích đất do Ban quản lí, trồng rừng vào năm 1998, 1999 cũng là không đúng sự thật, do không có hồ sơ chứng minh Ban này được giao đất đó năm nào? Ai giao? Bằng văn bản, quyết định nào? Bản đồ quy hoạch đâu? Hồ sơ trồng rừng, cả hồ sơ xin thanh lí cũng không có, mà chỉ là báo cáo "suông" như vậy?. Ngày 20/8/2018, nhóm phóng viên đã tiến hành xác minh tại Ban Quản lí rừng phòng hộ Hồng Phú, ông Nguyễn Đức Tín, Giám đốc Ban cho biết, khi nhận bàn giao năm 2015 không có hồ sơ về khu vực đất này. Tại Bản án hành chính phúc thẩm số 03/2018/HC-PT do TAND tỉnh Bình Thuận xét xử các ngày 29 – 30/8/2018, người khởi kiện là bà Bùi Thị Trường (người có đất giáp khu vực đất của gia đình bà Bảy), người bị kiện là Chủ tịch UBND TP Phan Thiết cũng không cung cấp được tài liệu chứng minh đất này do Ban Quản lí rừng phòng hộ quản lí.
Quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận và của Chủ tịch UBND TP Phan Thiết đều có nội dung sai sự thật…
Khoản 1, Điều 101 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, mà không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này… và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp… nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất”.
Đất bị cưỡng chế giải tỏa rồi bỏ hoang ngần ấy năm trời
Bà Nguyễn Thị Bảy, ông Trần Văn Thành tiếp tục khiếu nại lên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận. Ngày 13/7/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận kí ban hành 2 quyết định giải quyết khiếu nại: số 1988/QĐ-UBND (đối với khiếu nại của ông Thành); số 1989/QĐ-UBND (đối với khiếu nại của bà Bảy). Nhưng, vẫn chỉ viện dẫn ra các bằng chứng không đúng sự thật, thiếu căn cứ pháp lí và không tôn trọng sự thật khách quan. Rồi cũng kết luận hệt như Chủ tịch UBND TP Phan Thiết rằng, đất họ lấn chiếm của rừng phòng hộ, để bác đơn khiếu nại của họ!?
Báo Ngày mới Online đề nghị Thanh tra Chính phủ cần vào cuộc, làm rõ đúng – sai, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong vụ việc này.
Hoàng Kim – Trần Hoành Sơn