TP Hồ Chí Minh: Bao giờ lãnh đạo quận 12 giải quyết cho cụ bà vợ Liệt sĩ?
Pháp luật - Bạn đọc 20/12/2019 06:52
Má Nguyễn Thị Dữ bên tấm bằng Tổ quốc ghi công Liệt sĩ Huỳnh Văn Một và Huân chương Độc lập hạng Ba.
Chồng và con trai một đời theo cách mạng!
Má Nguyễn Thị Dữ có chồng là Liệt sĩ Huỳnh Văn Một, sinh năm 1933, hy sinh ngày 25/7/1970, được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba. Liệt sĩ Huỳnh Văn Một được đặt tên cho một con đường ở phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh.
Má Dữ có người con trai là ông Huỳnh Văn Thơ, nhiều năm làm việc tại phường Thới An, giữ chức vụ Chủ tịch UBND phường, rồi Bí thư phường. Do mắc bệnh hiểm nghèo, ông Thơ qua đời năm 2012. Hiện má Dữ đang sống với con gái là bà Huỳnh Thị Ngọc Yến, mang nhiều bệnh tật trong người, chữ nghĩa cũng không có do nghỉ học sớm, phụ mẹ lo cho cha đi làm cách mạng.
Chỉ tay về khu đất trước nhà ở khu phố 7, phường Thới An, má Dữ cho biết, đây là phần đất do ông bà để lại khoảng 9.000m2. Thời chống Mỹ, thân mẫu của má là cụ Trần Thị Chính canh tác, đến năm 1965 thì giao cho má sử dụng. Cuộc sống khi đó vô vàn khốn khó, má cấy lúa, trồng hoa màu để nuôi sống gia đình, một phần tiếp tế cho chồng hăng say chiến đấu. Rồi cụ Một anh dũng hy sinh lúc 37 tuổi khi đang là Quận ủy viên, má nuốt nỗi đau vào lòng, một mình nuôi dạy con thơ.
Sau ngày đất nước thống nhất, má Dữ vẫn gìn giữ khu đất tổ tiên ở ấp 1, xã Tân Thới Hiệp, huyện Hóc Môn (nay là khu phố 7, phường Thới An). Đất đang sử dụng trồng lúa, hoa màu thì khoảng cuối năm 1978, đầu năm 1979, lãnh đạo xã Tân Thới Hiệp đến nhà má mượn đất để làm mương nước, xây trạm bơm, phục vụ tưới tiêu. Người đứng ra vận động má là ông Năm Chí, tức ông Nguyễn Văn Phép (Nguyễn Văn Chí), Bí thư xã Tân Thới Hiệp. Với tinh thần phục vụ cách mạng, má Dữ không chút đắn đo, cho xã mượn đất để đào con mương ngang 4 mét, dài 180 mét; xây trạm bơm Tân Thới Hiệp…
Trạm bơm được đưa vào phục cho tưới tiêu một khoảng 10 năm thì ngưng hoạt động, bỏ hoang phế. Thế nhưng, chính quyền địa phương không trả lại đất cho gia đình. Trên thực tế, phần đất xung quanh trạm bơm và hai bên bờ mương nước, má Dữ vẫn canh tác trồng chuối, cây ăn quả, hoa màu....
Tờ cam kết “mượn đất” của cựu Bí thư xã Tân Thới Hiệp
Lời tâm tư của cựu Bí thư Đảng ủy xã...
Cảm thấy có lỗi với gia đình Liệt sĩ, ông Nguyễn Văn Phép, sinh năm 1945, thường trú 110 Trưng Nữ Vương, khu phố 1, thị trấn Hóc Môn, viết tờ cam kết gửi lãnh đạo Thành ủy TP Hồ Chí Minh, HĐND TP Hồ Chí Minh, UBND TP Hồ Chí Minh, UBND quận 12, UBND phường Thới An, nêu tường tận:
Vào cuối năm 1978, đầu năm 1979, để thực hiện kế hoạch công trình thủy lợi phục vụ việc tưới tiêu cho cả cánh đồng sản xuất nông nghiệp của xã Tân Thới Hiệp, Đảng ủy xã Tân Thới Hiệp có thành lập Ban chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp. Thời gian này tôi là Bí thư Đảng ủy xã kiêm Trưởng ban chỉ đạo cùng với một số ban, ngành, đoàn thể xã đã đến gia đình nhà bà Nguyễn Thị Dữ để vận động mượn khu đất có diện tích khoảng 9.000m2 tại ấp 1 xã Tân Thới Hiệp, nay là khu phố 7, phường Thới An để làm công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu. Đây là phần đất mà bà Dữ thừa kế từ ông bà để lại và gia đình bà Dữ quản lý sản xuất, canh tác và sử dụng ổn định từ trước giải phóng.
Là gia đình Liệt sĩ có nhiều công hiến, bà Dữ không chút đắn đo, đồng ý cho mượn miếng đất trên để làm trạm bơm thủy lợi phục vụ cho nông nghiệp. Cùng chứng kiến việc mượn đất này là ủy viên trong Ban chỉ đạo lúc đó, hiện nay còn 2 người đã nghỉ hưu đang sinh sống tại quận 12. Đó là ông Nguyễn Văn Định lúc bấy giờ là cán bộ phụ trách giáo dục xã Tân Thới Hiệp (sau làm Chủ tịch phường Thới An) và ông Nguyễn Văn Sương, lúc đó là Bí thư xã Đoàn xã Tân Thới Hiệp (sau làm Phó chủ tịch Liên Minh HTX thành phố).
Xin được trình bày thêm: Khi vận động mượn đất, tôi là Trưởng ban chỉ đạo, đại diện cho xã không có ký giấy mượn; gia đình bà Dữ cũng không đòi hỏi bất cứ giấy tờ gì, bà Dữ có nói khi nào nhà nước không sử dụng nữa thì trả lại cho gia đình bà. Khí thế cách mạng luôn trào dâng trong bà khi được cống hiến. Gia đình bà hoàn toàn không nhận tiền hỗ trợ hoa màu, hay bồi thường hoặc là tiền gì khác từ chính quyền xã.
Bản thân tôi cảm thấy có lỗi đối với gia đình bà Dữ vì muốn làm được việc cho đảng bộ, chính quyền xã thì đến vận động mượn đất làm trạm bơm phục vụ lợi ích chung cho Nhân dân. Đến khi trạm bơm không hoạt động cũng không đề cập đến việc trả đất lại để bây giờ gia đình quá khó khăn trong việc làm giấy tờ đất trong khi mấy thửa đất liền kề cũng giống tình trạng như vậy nhưng đã làm được giấy tờ.
Trên đây là trình bày của tôi, tôi xin cam kết bằng danh dự của một Đảng viên tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có sai trái.
Khu đất của gia đình má Dữ đang canh tác trồng rau và cây ăn quả
Trạm bơm Tân Thới Hiệp xây trên đất của má Dữ cho mượn, đã bỏ hoang nhiều năm.
Văn bản số 8940/TB-UBND, Phó Chủ tịch UBND quận 12 Nguyễn Văn Đức gọi thẳng tên “Nguyễn Thị Dữ”!
Quá vô tâm với gia đình Liệt sĩ…
Ở cái tuổi “U 90”, gần đất xa trời, người vợ Liệt sĩ, mẹ cựu Bí thư phường phải gánh nỗi đau vì chưa lấy lại được miếng đất tổ tiên cho mượn. Đau đớn hơn khi một số cán bộ, lãnh đạo từ phường đến quận quá vô tư đến vô tình với cụ và hương linh những người đã ngã xuống!
Má Dữ nói trong nước mắt:“Cả đời tin tưởng theo cách mạng, chồng má không tiếc cả máu xương! Chính quyền không thương gia đình má thì thôi, đằng này, khu đất tổ tiên cũng không chịu trả lại, còn làm khó dễ đủ thứ! Trong khi mấy khu đất liền ranh, không dính đến chính quyền nên đã được cấp giấy chủ quyền, thoải mái sử dụng. Còn gia đình má vì tâm huyết, hy sinh cho mượn đất, mất bao nhiêu quyền lợi vì cách mạng, giờ gặp nạn khiến má đau, đau lắm! Đau đến quá mức chịu đựng vì sự thiếu trách nhiệm của cán bộ phường trong việc xác nhận nguồn gốc đất; sự thờ ơ đến lạnh lùng của lãnh đạo quận 12 trước bức xúc chính đáng của gia đình Liệt sĩ!
Không kể các văn bản trước đó, ngày 1/11/2018, ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND quận 12, ký Văn bản số 8367/UBND-TNMT “trả lời đơn của bà Nguyễn Thị Dữ, liên quan đến phần đất thuộc thửa 112, 113, 114, 118, 119, 120, 121, 141; 143, 145 tờ bản đồ số 02 (theo tài liệu bản đồ 2005), phường Thới An, quận 12”.
Văn bản 8367/UBND-TNMT nêu rõ:“Ngày 06/8/2018, UBND quận 12 có Công văn số 5906/UBND-TC về việc kiểm tra, rà soát khu đất trạm bơm Tân Thới Hiệp cũ (nay thuộc phường Thới An), có nội dung: “Giao UBND phường Thới An liên hệ đơn vị có chức năng đo vẽ lập Bản đồ hiện trạng vị trí khu đất. Sau khi có Bản đồ đề nghị UBND phường Thới An báo cáo rõ nguồn gốc, diễn biến quá trình sử dụng đất...”.
Ngày 03/10/2018, đồng chí Trần Hữu Trí - Bí thư Quận ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân quận 12 có buổi tiếp bà Nguyễn Thị Dữ liên quan đơn đề nghị xem xét trả lại khu đất thuộc trạm bơm Tân Thới Hiệp cũ, theo đó đề nghị UBND phường Thới An tiếp tục thực hiện chỉ đạo của UBND quận 12 tại Công văn số 5906/UBND-TC ngày 06/8/2018. Sau khi có kết quả thực hiện của UBND phường Thới An, UBND quận 12 xem xét giải quyết đơn đề nghị của bà theo quy định pháp luật”.
Quận chỉ đạo nhưng UBND phường Thới An không chịu làm. Nóng lòng, gia đình tự bỏ tiền ra nhờ cơ quan chức năng đo vẽ, lập Bản đồ hiện trạng vị trí khu đất, đã được Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 12 phê duyệt ngày 18/02/2019. Gia đình má Dữ tiến hành lập thủ tục cấp giấy chứng nhận khu đất nộp tại UBND phường Thới An ngày 21/02/2019, có biên nhận hẹn sau 2 tháng. Tuy nhiên, đến ngày 4/4/2019, ông Phó Chủ tịch UBND quận 12 Nguyễn Văn Đức ký Văn bản số 4190/ UBND-TNMT, nội dung: “UBND quận 12 không có cơ sở giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận theo đăng ký của ông (bà). UBND quận 12 đề nghị ông (bà) liên hệ Tổ tiếp nhận và trả kết quả thuộc UBND phường Thới An để nhận lại hồ sơ và phối hợp làm rõ”.
Hai lý do mà ông Đức đưa ra căn cứ vào xác nhận ngày 13/3/2019 của UBND phường Thới An: Hiện trạng thực tế không phù hợp với bản đồ Bản đồ hiện trạng vị trí số 050263/TNMT ngày 18/2/2019, đính kèm biên bản khảo sát hiện trạng ngày 5/3/2019. Và bà Nguyễn Thị Dữ không kê khai nhà đất năm 1999 và năm 2014.
Má Dữ trào nước mắt:“Quận giao phường lập bản đồ hiện trạng nhưng phường không làm, cũng không hướng dẫn cắm ranh, cắm mốc cho phù hợp. Gia đình má làm xong, được duyệt thì phường mới đi khảo sát rồi lạnh lùng tuyên bố “không phù hợp”. Về việc kê khai, phường cố tình lấp liếm, kiếm cớ để làm khó má. Sự thật không thể chối cãi, đất là của gia đình má, đích thân cựu Bí thư Năm Chí xác nhận đã mượn, nhiều cựu cán bộ cũng như người lớn tuổi, sinh sống tại địa phương cũng biết rất rõ. Chỉ có cán bộ phường Thới An, cụ thể là ông Phó Chủ tịch UBND phường Phạm Quốc Vũ giả vờ không biết!”.
Phó Chủ tịch quận gọi thẳng tên cụ bà 86 tuổi!
Má Dữ khiếu nại Văn bản số 4190/UBND-TNMT. Ngày 24/5/2019, Chủ tịch UBND quận 12 ký Quyết định số 3231/QĐ-UBND, giao nhiệm vụ xác minh kiếu nại của bà Dữ. Ngày 29/5/2019, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 12 Thân Thế Hùng ký Quyết định số 1722/QĐ-TNMT “về việc xác minh nội dung khiếu nại của bà Nguyễn Thị Dữ” với thời gian xác minh là 25 ngày làm việc. Điều 2 của Quyết định là “thành lập Tổ xác minh”, trong đó Tổ trưởng là ông Thân Thế Hùng.
Đến ngày 3/7/2019, Chủ tịch UBND quận 12 là ông Lê Trương Hải Hiếu ký Quyết định số 4136/QĐ-UBND “về việc gia hạn thời gian xác minh” với thời gian gia hạn là 15 ngày làm việc.
Mãi đến ngày 3/9/2019, Phó Chủ tịch UBND quận 12 Nguyễn Văn Đức ký Văn bản số 8940/TB-UBND, nội dung:“UBND quận 12 đề nghị Nguyễn Thị Dữ liên hệ Trung tâm đo đạc bản đồ thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố… Sau khi có Bản đồ, đề nghị bà liên hệ và cung cấp cho UBND quận 12 (Phòng Tài nguyên và Môi trường) để tiếp tục xem xét giải quyết đơn khiếu nại của bà theo quy định pháp luật”.
Thật khó tin, trong các văn bản, Phó Chủ tịch UBND quận 12 Nguyễn Văn Đức gọi má Dữ là “ông (bà)”; còn trong Văn bản này thì gọi thẳng tên Nguyễn Thị Dữ, không chút ngần ngại !
Theo yêu cầu của UBND quận 12, gia đình má Dữ phải khốn đốn một lần nữa. Trong khi đang thực hiện việc đo vẽ bản đồ thì liên tục trong tháng 10, và tháng 11-2019, Phó Chủ tịch UBND phường Thới An Phạm Quốc Vũ, chỉ đạo cho làm con đường trên phần đất của gia đình.
Trong đơn kêu cứu, tố cáo gửi Bí thư, Chủ tịch UBND quận 12 và các cơ quan chức năng, bà Huỳnh Thị Ngọc Yến (con gái mà Dữ) trình bày bức xúc: “Gia đình tôi đã có nhiều lần gửi đơn khiếu nại đến các cấp thành phố, quận 12, phường Thới An. Đang chờ kết quả thì UBND phường Thới An tiến hành làm con đường trên khu đất, đổ bê tông lúc đầu 2m, sau mở rộng thành 4m. Dù gia đình đã ngăn cản để chờ kết quả giải quyết khiếu nại nhưng UBND phường Thới An vẫn cố tình thực hiện, nhằm làm thay đổi hiện trạng khu đất.
Việc UBND phường Thới An, cụ thể là Phó Chủ tịch Phạm Quốc Vũ thực hiện làm con đường trên đất của gia đình Liệt sĩ đang khiếu nại, chờ giải quyết là trái quy định pháp luật. Má tôi nay như “đèn treo trước gió”, vô cùng đau đớn về việc làm quá nhẫn tâm của Phó Chủ tịch Phạm Quốc Vũ. Do đó, tôi đề nghị UBND phường ngưng ngay việc làm đường, nếu cố tình bỏ qua lời yêu cầu của gia đình khiến mẹ tôi bức xúc xảy ra chuyện bất trắc là Phó Chủ tịch Vũ hoàn toàn chịu trách nhiệm…”.
Má Dữ thều thào, nêu ý nguyện cuối đời với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và quận 12: “Người vẫn còn đây, đất vẫn còn đó, chỉ có nhân sự chính quyền thay đổi mà đảo lộn cả sự thật. Sao lại phũ phàng với má như vậy! Tuổi cao, bệnh tật triền miên nên má không còn nhiều thời gian để chờ đợi, cũng không muốn có những lời lẽ oán trách nặng nề. Má chỉ mong muốn được nhìn thấy tấm giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất của tổ tiên sau 40 năm cho Đảng bộ, chính quyền địa phương mượn sử dụng để phục vụ cho lợi ích chung. Nay không còn sử dụng thì phải trả lại, đừng kiếm cớ làm khó, tội cho gia đình Liệt sĩ. Má xin đội ơn Bí thư Thành ủy, Chủ tịch thành phố, tân Bí thư quận 12 hết lòng vì dân!…”.