TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng: Có dấu hiệu hình sự hóa một vụ việc dân sự!
Pháp luật - Bạn đọc 10/09/2020 13:36
Ngày 11/10/2017 bà Đông, ông Tình thế chấp căn nhà tại ngân hàng BIDV - Chi nhánh Lâm Đồng - Phòng giao dịch Chi Lăng, TP Đà Lạt để vay 3.500 triệu đồng. |
Ngày 11/10/2017 bà Đông, ông Tình thế chấp căn nhà tại ngân hàng BIDV - Chi nhánh Lâm Đồng - Phòng giao dịch Chi Lăng, TP Đà Lạt để vay 3.500 triệu đồng. |
Nội dung vụ án
Bà Hồ Thị Thu Đông và chồng là ông Lê Văn Tình đồng sở hữu nhà, đất tại số 1/2 lô A26 KQH Ngô Quyền - Bạch Đằng, phường 6, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ngày 11/10/2017, bà Đông, ông Tình thế chấp căn nhà này tại ngân hàng BIDV - Chi nhánh Lâm Đồng - Phòng giao dịch Chi Lăng, TP Đà Lạt để vay 3.500 triệu đồng. Cuối năm 2017, nhờ ông Tạ Văn Mai môi giới, bà Đông bán nhà cho bà Lê Thị Vỹ với giá 4.500 triệu đồng.
Ngày 31/1/2018, bà Vỹ đặt cọc 200 triệu đồng mua căn nhà trên và hai bên hẹn đến ngày 10/2/2018 đến văn phòng công chứng để ký hợp đồng chuyển nhượng; sau khi công chứng, bà Vỹ sẽ thanh toán 4.300 triệu đồng còn lại cho bà Đông. Trước đó, ngày 1/2/2018, ông Tình làm hợp đồng ủy quyền cho bà Đông được toàn quyền quyết định đối với căn nhà nói trên.
Bà Đông cho biết: “Trong các cuộc gọi điện thoại, bà Đông có nói cho bà Vỹ biết là sổ đỏ căn nhà mà bà Đông bán cho bà Vỹ đang thế chấp tại ngân hàng BIDV để đảm bảo cho khoản vay là 3,5 tỷ bà Đông vay của ngân hàng này. Để bảo đảm cho khoản vay tại ngân hàng BIDV, tôi đã hỏi vay ông Tạ Văn Mai số tiền là 3 tỷ đồng để giải chấp và lấy sổ đỏ ra ký công chứng cho bà Vỹ. Lúc đầu, ông Mai đã đồng ý, còn nói nếu không đủ tiền ông Mai sẽ cho tôi mượn giấy tờ nhà để thế chấp ngân hàng vay tiền, lãi suất phát sinh hàng tháng tôi phải đóng. Nhưng sau đó ông Mai đổi ý không cho tôi vay. Nên tôi đã phải nhờ ông Mai nói với bà Vỹ chuyển thêm tiền cho tôi. Lúc đầu bà Vỹ không đồng ý, ông Mai nói với bà Vỹ rằng: tôi là chỗ quen biết, cứ chuyển tiền cho Đông, nếu có gì xảy ra ông sẽ chịu trách nhiệm. Bà Vỹ gọi điện nói là sẽ chuyển số tiền là 1,9 tỷ đồng cho tôi và nhờ ông Mai trực tiếp giao số tiền này cho tôi. Sau đó, ông Mai nói rằng số tiền bà Vỹ nhờ ông ta chuyển cho tôi là 1,9 tỷ đồng, nhưng ông nói là sẽ trừ tiền nợ hết vào số tiền mà tôi đang nợ ông cả gốc và lãi (Lãi suất là 7000 đồng/triệu/ngày) tổng cộng là khoảng 1,9 tỷ đồng vừa đúng với số tiền mà bà Vỹ chuyển cho tôi thông qua ông Mai. Sau khi tính toán gốc lãi, và trừ đi các khoản tiền môi giới, tiền chệnh lệch giá, ông Mai đưa cho tôi số tiền là 40 triệu đồng. Tôi rất bức xúc và không đồng ý vì chính ông Mai là người hứa cho tôi vay để đáo hạn ngân hàng nhưng sau đó lại không cho vay, đến bây giờ lại chặn và trừ hết số tiền do bà Vỹ nhờ chuyển cho tôi. Hai bên đã to tiếng với nhau nhưng sau đó tôi nghĩ lại rằng mình đã bị lừa vào thế bị động và tiền nợ ông Mai thì đằng nào cũng phải trả nên sau đó khi bà Vỹ gọi về yêu cầu ghi giấy xác nhận tôi đã ghi giấy xác nhận đã nhận số tiền cọc là 1,9 tỷ của Vỹ nhưng tôi không ký biên nhận tiền bạc gì với ông Mai.”
Do bị ông Mai chặn trừ 1,9 tỷ đồng, bà Đông nhờ ông Mai nói với bà Vỹ chuyển hết số tiền còn lại cho bà Đông và bà Đông sẽ đi vay thêm cho đủ 3,5 tỷ trả nợ cho ngân hàng thì mới ký công chứng cho bà Vỹ được. Và bà Vỹ nhờ bà Phạm Thị Sông Bé (là bạn của bà Vỹ) giao số tiền 800 triệu đồng cho bà Đông. Sau đó, bà Vỹ trực tiếp chuyển khoản cho bà Đông số tiền 600 triệu đồng. Đến ngày 7/3/2018, bà Vỹ chuyển cho bà Đông số tiền 500 triệu đồng và bà Đông tiếp tục viết giấy cho bà Vỹ với nội dung: “Tôi Hồ Thị Thu Đông có nhận tiền bán nhà cho Lê Thị Vỹ số tiền 4 tỷ đồng và hẹn đến ngày 12/3/2018 rút sổ và ra công chứng với bà Vỹ và bà Vỹ sẽ giao đủ sổ tiền 500 triệu đồng còn lại”. Mặc dù trên thực tế thì bà Đông chỉ nhận được số tiền là 2,1 tỉ đồng do bà Vỹ thanh toán. Lúc này, bà Đông phải viết “Giấy giao nhận nhà” cho bà Vỹ thể hiện nội dung: “Đã giao nhà cho bà Vỹ toàn quyển sử dụng, nhưng chưa giao giấy tờ, bà Vỹ được quyền sở hữu căn nhà trên; nếu căn nhà trên có ai tranh chấp hay tự ý vô ở tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Đến ngày 12/3/2018, bà Đông nói bà Vỹ chuyển số tiền còn lại vào ngân hàng để bà Đông lấy lại bản chính sổ đỏ ra làm thủ tục công chứng hợp đồng. Bà Vỹ đã chuyển số tiền 500 triệu đồng còn lại của hợp đồng mua bán nhà vào tài khoản số của bà Đông mang số 6411000079…. mở tại Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Lâm Đồng - Phòng giao dịch Chi Lăng, TP Đà Lạt. Tuy nhiên, tổng số tiền thực nhận của bà Vỹ, bà Đông cũng không đủ trả ngân hàng 3,5 tỷ để lấy sổ đỏ ra. Trong khi đó, có nhiều chủ nợ của bà Đông, nghe tin bà Đông bán nhà đã tìm bà Đông đòi tiền; bà Đông buộc phải vay tiền lãi suất cao, để giải chấp sổ đỏ.
Bà Đông liên hệ với bà Ngô Thị Minh Thành vay 3,1 tỷ đồng để đáo hạn ngân hàng với lãi suất là 3.500 đồng/triệu đồng/ngày/3,1 tỷ đồng. Trước khi chuyển tiền, bà Thành biết bà Đông đã bán căn nhà này cho bà Vỹ; bà Thành yêu cầu bà Đông nói bà Vỹ đến ngân hàng để gặp và hỏi cụ thể; và bà Vỹ xác nhận là đã mua nhà của bà Đông nhưng nói rằng mua với giá là 4 tỷ đồng, đã đặt cọc 500 triệu đồng, khi nào công chứng hợp đồng xong sẽ giao hết số tiền 3,5 tỷ còn lại.
Ngày 12/3/2018, bà Thành cho bà Đông vay là 3,1 tỷ đồng trong thời hạn là 3 ngày với lãi suất nói trên và bà Thành ra điều kiện, sau khi giải chấp ngân hàng thì bà phải là người giữ bản chính sổ đỏ của bà Đông, trong thời hạn là 3 ngày nếu bà Đông trả đủ 3,1 tỷ đồng và tiền lãi, thì bà Thành sẽ trả sổ cho bà Đông.
Sau khi bà Thành chuyển 3,1 tỷ đồng vào tài khoản của bà Đông tại ngân hàng BIDV, cộng với 500 triệu do bà Vỹ chuyển vào tài khoản thanh toán của bà Đông, ngân hàng này xác nhận đã nhận đã nhận đủ 3,5 tỷ đồng + lãi phát sinh và giao lại sổ đỏ cho bà Đông. Lúc bà Đông đưa sổ đỏ cho bà Vỹ kiểm tra sổ, thì bà Thành giật lại cuốn sổ đỏ từ tay bà Vỹ và hai bên đã có lời lẽ lớn tiếng với nhau. Sau đó, bà Thành cầm cuốn sổ đỏ bỏ về nhà. Lúc đó , bà Đông có giải thích cho bà Vỹ biết về mọi việc nhưng bà Vỹ tỏ ra giận dữ và không nghe bà Đông giải thích và cũng bỏ về.
Ngày 13/3/2018, bà Thành yêu cầu bà Đông đến Văn phòng công chứng để ký hợp đồng chuyển nhượng (Hợp đồng giả tạo); mục đích là để bảo đảm cho việc trả 3,1 tỷ đồng bà Đông vay của bà Thành để đáo hạn ngân hàng. Bà Thành cho bà Đông thời hạn là 3 ngày để trả số tiền này, nếu không thì bà Thành sẽ làm thủ tục sang tên căn nhà cho mình.
Hết thời hạn 3 ngày, bà Đông vẫn không xoay được số tiền 3,1 tỷ để trả bà Thành, ngày 19/3/2018 bà Thành đến bộ phận “Một cửa” của UBND TP Đà Lạt làm thủ tục sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vợ chồng bà. Đến ngày 22/3/2018, bà Thành yêu cầu bà Đông phải viết giấy “Bàn giao nhà” cho bà. Lúc đó, bà Thành cam kết sẽ cho bà Đông thời hạn là 2 tháng kể từ ngày ký hợp đồng công chứng, nếu có đủ số tiền là 3,1 tỷ đồng sẽ cho bà Đông chuộc lại căn nhà, nếu không bà Thành có quyền bán căn nhà này cho người khác để thu hồi số tiền đã cho bà Đông vay hoặc sẽ thế chấp cuốn sổ đỏ (Lúc này đã sang tên cho vợ chồng bà Thành) vào ngân hàng để vay số tiền 3,1 tỷ và bà Thành sẽ lấy số tiền này, số tiền lãi của khoản vay này bà Đông phải chịu đóng tiền cho ngân hàng hằng tháng.
Về phía bà Vỹ, sau khi gây lộn với bà Thành tại ngân hàng BIDV và nghĩ rằng bà Đông đã bán nhà cho bà nhưng vẫn bán cho bà Thành nên bà Vỹ làm đơn gửi Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Lâm Đồng- Chi nhánh TP Đà Lạt yêu cầu ngăn chặn việc chuyển quyền sở hữu căn nhà giữa bà Đông và bà Thành, đồng thời gửi đơn đến Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng (Nơi ông Tình công tác), Công an TP Đà Lạt (Nơi bà Đông công tác) và Thanh tra Công an tỉnh Lâm Đồng tố cáo vợ chồng bà Đông đã có hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Do lúc đó, bà Đông đang công tác trong ngành Công an, sợ bà Vỹ làm lớn chuyện sẽ ảnh hưởng uy tín, danh dự và công tác của mình nên bà Đông đã nói với chị gái của mình là Hồ Thị Thu Hà đang công tác tại Công an tỉnh Lâm Đồng và gia đình bằng mọi giá giúp bà Đông cho vay mượn tiền để trả cho bà Thành nhằm lấy sổ đỏ ra để đi công chứng chuyển quyền nhà đất cho bà Vỹ.
Đầu tháng 5/2018, bà Đông với chị gái là bà Hồ Thị Thu Hà cùng với bà Vỹ lên làm việc tại Thanh tra Công an tỉnh Lâm Đồng. Tại đây, ông Hưng, Phó Chánh thanh tra CA tỉnh đã phân tích và vận động các bên nên thỏa thuận, giải quyết nội bộ; và bà Vỹ đồng ý hủy bỏ thỏa thuận mua căn nhà nhà số 1/2 lô A26 KQH Ngô Quyền - Bạch Đằng, phường 6, TP Đà Lạt với bà Đông và buộc bà Đông phải có trách nhiệm hoàn trả lại bà toàn bộ số tiền đã nhận của bà Vỹ. Theo thỏa thuận này, bà Hà đã trả cho bà 670 triệu đồng và cam kết bảo lãnh trả nợ cho bà Đông đối với số tiền còn lại: Mỗi tháng trả 1 tỷ đồng và tháng cuối cùng trả 860 triệu đồng. Thỏa thuận ba bên này được ông Hưng ghi vào biên bản làm việc.
Sau khi ký thỏa thuận trên, bà Đông xin bà Vỹ viết đơn bãi nại và rút lại việc ngăn chặn tại Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh lâm Đồng- CN TP Đà Lạt để bà Đông tìm người bán nhà trả số tiền còn lại cho bà Vỹ. Bà Vỹ đã chấp nhận yêu cầu này của bà Đông và trực tiếp đi nộp đơn tháo bỏ việc ngăn chặn. Sau đó, bà Đông báo với bà Thành biết đã thỏa thuận chấm dứt hợp đồng mua bán nhà với bà Vỹ và đã tháo ngăn chặn. Bà Thành nghe vậy, nên đồng ý cho bà Đông bán nhà bà Phạm Trần Như Thục và chồng là ông Hoàng Nguyên Thành với giá 4,9 tỷ đồng. Ngày 22/5/2018, vợ chồng bà Thành cùng với bà Đông đến Phòng công chứng gặp vợ chồng bà Như Thục để ký hợp đồng công chứng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho vợ chồng bà Như Thục.
Số tiền bán nhà cho vợ chồng bà Như Thục, bà Đông sử dụng: Trả cho bà Thành: 3.850 triệu đồng (trong đó trả nợ gốc là 3,1 tỷ đồng, trả lãi của số nợ gốc này là 750 triệu đồng); đưa 70 triệu đồng tiền cho bà Thành đóng thuế thu nhập do bán nhà; trả cho bà Lê Thị Vỹ 350 triệu đồng; số tiền còn lại, 650 triệu đồng, bà Đông trả cho một số chủ nợ khác.
Sau đó, bà Đông đã nhiều lần trả số tiền còn lại cho bà Vỹ, tính đến ngày 13/5/2019, bà Đông đã trả cho bà Lê Thị Vỹ số tiền là 2,7 tỷ đồng, còn nợ lại bà Vỹ số tiền là 1,8 tỷ đồng. Bà Đông đã viết giấy biên nhận nợ đối với số tiền 1,8 tỷ đồng còn lại và cam kết trong thời gian là 06 tháng (Kể từ ngày 13/6/2019 đến ngày 13/1/2020) sẽ trả dần số tiền này cho bà Vỹ, trong thời gian này nếu bà Đông có đủ tiền sẽ trả cho bà Vỹ một lần. Sau khi viết và ký tên bà Đông đưa giấy biên nhận này cho Vỹ giữ (Bà Vỹ đã nộp cho cơ quan điều tra) và hiện có trong hồ sơ vụ án. Tại cơ quan điều tra, bà Vỹ đã thừa nhận về việc này.
Hợp đồng ủy quyền ngày 1/2/2018, ông Tình cho bà Đông được toàn quyền quyết định đối với căn nhà bán cho bà Vỹ |
Hợp đồng ủy quyền ngày 1/2/2018, ông Tình cho bà Đông được toàn quyền quyết định đối với căn nhà bán cho bà Vỹ |
Có dấu hiệu hình sự hóa một vụ việc dân sự!
Đến khoảng cuối tháng 8/2018, bà Đông bất ngờ nhận được Thông báo số 55/CSĐT (PC01) ngày 23/8/2018 của cơ quan CSĐT( PC01), Công an tỉnh Lâm Đồng về việc tiếp nhận tin báo tội phạm do Thanh tra Công an tỉnh chuyển đến ngày 21/8/2018, trong đó nói rằng bà Đông có dấu hiệu của tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo đơn tố cáo của bà Lê Thị Vỹ. Đến ngày 23/9/2019, cơ quan CSĐT(PC01), Công an tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 50/CSĐT(PC01) về việc khởi tố vụ án và Quyết định số 105/CSĐT(PC01) về việc khởi tố bị can đối với bà Đồng về tội “ Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Ngày 31/3/2020, cơ quan CSĐT(PC01), Công an tỉnh Lâm Đồng ban hành bản kết luận điều tra số 20/KLĐT( VPCQCSĐT) và đề nghị truy tố đối với bà Đông về tội danh nêu trên. Ngày 23/4/2020, Viện Kiểm sát nhân tỉnh Lâm Đồng ban hành bản Cáo trạng số 06/CT-VKSLĐ-P1 truy tố bà Đông về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại K4, Điều 175 Bộ luật Hình sự. Trong quá trình điều tra, bà Đông bị áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú.
Trong đơn, gửi đến các cơ quan chức năng, bà Đông cho rằng không hề có ý định lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tiền của bà Vỹ và cho rằng cơ quan tố tụng đã cố ý hình sự hóa vụ việc dân sự.
Một: Có dấu hiệu vi phạm về việc lập hồ sơ
Ngay từ khi phát hiện việc bà Đông ký hợp đồng chuyển nhượng nhà cho bà Thành vào cuối tháng 3/2018 (Thực chất là hợp đồng giả tạo) thì bà Vỹ đã tố cáo vợ chồng bà Đông đã bán nhà cho bà nhưng lại bán cho bà Thành. Đơn tố cáo của bà Vỹ (tháng 4/2018) gửi tới 3 cơ quan nhưng cuối cùng thì Phòng Thanh tra Công an tỉnh Lâm Đồng là cơ quan giải quyết. Tại thời điểm đó bà Đông đang là cán bộ Công an TP Đà Lạt với cấp hàm Thiếu tá, Đội phó Đội quản lý hành chính, Công an TP Đà Lạt. Căn cứ vào Luật Thanh tra và Nghị định số 41/2014/NĐ-CP ngày 13/5/2014 của Chính phủ, việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo đối bà Đông do Thanh tra Công an tỉnh giải quyết là đúng thẩm quyền.
Tính đến ngày 21/8/2018 (Ngày cơ quan CSĐT (PC01) nhận hồ sơ tố giác của bà Vỹ do Thanh tra Công an tỉnh chuyển đến, thì thời gian Thanh tra Công an tỉnh giải quyết đơn tố cáo của bà Vỹ đối với bà Đông là 4 tháng. Thanh tra Công an tỉnh, mời bà Đông làm việc nhiều lần. Tại đây, bà Đông đã làm bản tự khai, khai nhận theo biên bản làm việc và tham gia đối chất, hòa giải với bà Vỹ nhiều lần và trong tất cả các lần làm việc Thanh tra Công an tỉnh đều lập biên bản, ghi chép đầy đủ. Tuy nhiên, bà Đông cho biết: “Khi xem xét hồ sơ vụ án do luật sư sao chụp tại tòa án, tôi không thấy bất kỳ tài liệu nào của Thanh tra- CA tỉnh Lâm Đồng. Như vậy, là thể hiện các biên bản làm việc, bản tự khai và biên bản hòa giải giữa bà Đông và bà Vỹ tại Thanh tra Công an tỉnh đã bị cơ quan điều tra bỏ ra ngoài, không đưa vào hồ sơ vụ án.”
Năm: Về căn cứ buộc tội của cơ quan CSĐT.
Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015, quy định về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” như sau: “Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng, nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản”.
Trong suốt quá trình điều tra, Cơ quan điều tra ( PC01) Công an tỉnh Lâm Đồng đã không chứng minh được các dấu hiệu phạm tội của bà Đông quy định tại điểm a, b Điều 1175 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng không chứng minh được mục đích, động cơ phạm tội cũng như điều kiện hoàn cảnh dẫn đến việc phạm tội của bà Đông, nhưng vẫn kết luật bà Đông phạm tội là thể hiện trái pháp luật, là có dấu hiệu làm oan sai cho bà Đông.
Bà Đông trao đổi với phóng viên: “Theo quy định của pháp luật thì trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan điều tra. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không có nghĩa vụ chứng minh là mình vô tội. Tuy nhiên, để chứng minh cho sai phạm của cơ quan điều tra và việc tôi không phạm tội tôi xin trình bày về các tình tiết sau đây: Thỏa thuận mua bán nhà giữa tôi và bà Vỹ là một giao dịch dân sự không trái pháp luật và đạo đức xã hội. Tôi đã thông báo cho bà Vỹ về việc căn nhà tôi tại thời điểm đó đang thế chấp tại Ngân hàng BIDV để bảo đảm cho khoản vay 3,5 tỷ đồng. Trong suốt qua trình giao dịch về việc mua bán nhà kể từ khi nhận đặt cọc đến khi tôi và bà Vỹ thỏa thuận về việc chấm dứt hợp đồng mua bán nhà, trả lại tiền cho bà Vỹ, tôi không có bất kỳ hành vi gian dối nào đối với bà Vỹ. Việc tôi không tiếp tục ký hợp đồng công chứng để quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho bà Vỹ hoàn tòan do các lý do khách quan đem lại, chứ không phải là tôi cố ý lừa gạt không ký công chứng và làm thủ tục sang tên cho bà Vỹ.
Ngày 31/1/2018, bà Vỹ đặt cọc 200 triệu đồng mua nhà của bà Đông |
Một trong các lý do khách quan này là do lỗi của ông Mai và bà Vỹ, cụ thể như sau:
Lúc đầu ông Mai hứa cho tôi vay số tiền là 3 tỷ đồng để đáo hạn ngân hàng để lạy sổ đỏ ra ký công chứng cho bà Vỹ nhưng sau đó lại đổi ý không cho vay nữa, việc thất hứa và bội tín của ông Mai làm cho tôi hoàn toàn bị động nên buộc phải yêu cầu bà Vỹ chuyển hết số tiền còn lại cho tôi, mục đích là giải chấp ngân hàng lấy sổ đỏ ra. Riêng ông Mai đã trừ của tôi số tiền là 1,9 tỷ đồng. Bà Vỹ đồng ý trả hết tiền mua căn nhà cho tôi nhưng lại trả trong thời gian dài, trong khi chủ nợ khác nghe tin tôi bán nhà đã đến nhà đe dọa, gây áp lực cho tôi đã làm cho tôi không có đủ tiền để giải chấp. Khi chuyển số tiền 1,9 tỷ cho tôi, bà Vỹ cố tình không giao trực tiếp cho tôi mà lại thông qua ông Mai và ông Mai đã lợi dụng cơ hội này để trừ số tiền là 1,9 tỷ đồng là khoản nợ với lãi suất cắt cổ mà trước đó đã cho tôi vay. Quá trình điều tra, cả bà Vỹ và ông Mai đều có các lời khai rất tù mù và vô lý về việc giao số tiền này. Bà Vỹ khai đưa cho ông Mai 1,9 tỷ đồng nhưng chỉ nói là số tiền này đựng trong bịch ni lông màu đen, không có việc kiểm đếm tiền và biên nhận khi giao số tiền này với ông Mai. Tại cơ quan điều tra, ông Mai phủ nhận việc có quan hệ vay mượn tiền với tôi. Về việc giao số tiền 1,9 tỷ được cho là của bà Vỹ trả tiền mua nhà cho tôi thông qua ông Mai thì ông Mai cũng khai là nhận tiền từ bà Vỹ nhưng không đếm, cũng không biết số tiền đựng trong bịch ni lông màu đen là bao nhiêu. Khi nhận tiền của bà Vỹ thế nào thì giao cho tôi như vậy, cũng đựng trong bịch ni lông màu đen và không có việc kiểm đếm tiển, không ghi biên nhận tiền khi giao cho tôi. Giữa bà Vỹ và ông Mai có quan hệ làm ăn thân thiết với nhau từ năm 2013 đến nay nên rất có thể hai người này đã dàn cảnh. Thông đồng với nhau để chiếm đoạt số tiền 1,9 tỷ đồng được coi là của bà Vỹ giao cho ông Mai để trả tôi. Trong các lần đối chất, tôi đã phản đối nhưng cơ quan điều tra đã không cho thực nghiệm điều tra để làm rõ sự thật về việc giao nhận số tiền này, bác bỏ ý kiến của tôi và chấp nhận lời khai của bà Vỹ và ông Mai. Điều này cho thấy có dấu hiệu việc Điều tra viên đã không đảm bảo tính khách quan trong việc điều tra.
Và hoàn toàn không có việc tôi đã nhận cọc bán nhà cho bà Vỹ rồi lại ký hợp đồng bán nhà cho bà Thành. Thực chất, hợp đồng mua bán nhà giữa tôi và bà Thành là một hợp đồng giả cách nhằm bảo đảm cho khoản vay 3,1 tỷ đồng tôi vay của bà Thành để đáo hạn ngân hàng. Việc tôi không kiếm được số tiền 3,1 trong hạn 3 ngày cho bà Thành dẫn đến việc bà Thành đem hồ sơ đến bộ phận một cửa để sang tên cho vợ chồng bà chứ không phải ý chí của tôi và vợ chồng bà Thành về việc chuyển quyền sở hữu nhà. Tại cơ quan điều tra, trong tất cả các lời khai bà Thành đều khai là cho tôi vay số tiền 3,1 (Có làm giấy vay tiền) và việc bà yêu cầu tôi công chứng hợp đồng cũng như việc bà làm thủ tục sang tên căn nhà là để đảm bảo cho việc trả nợ của tôi đối với số tiền 3,1 tỷ đồng chứ không có việc mua bán nhà giữa tôi và vợ chồng bà Thành.
Trường hợp của tôi cũng không thuộc trường hợp đến hạn phải trả nợ nhưng cố tình không trả mặc dù có điều kiện. Tại thời điểm thỏa thuận mua bán nhà với bà Vỹ, do tôi tham gia vào một dây huê hụi sau đó các dây huê hụi này bị bể dẫn đến việc tôi phải vay nợ đầu này đầu kia với lãi suất cao để trả nợ, cụ thể là lúc đó tôi đã nợ nhưng người có tên sau đây: Nợ bà bà Đào Thị Trang số tiền là 1,8 tỷ đồng; nợ ông Trương Bách Tùng số tiền là 700 triệu đồng; nợ bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh số tiền là 990 triệu đồng. Ba người mà tôi nợ tiền nêu trên đều tố cáo tôi tại cơ quan điều tra ( PC01).
Trên thực tế thì thỏa thuận về việc mua bán nhà giữa tôi và bà Vỹ đã được tôi và bà Vỹ tự nguyện chấm dứt từ ngày 13/5/2019 trước sự chứng kiến của Thanh tra công an tỉnh Lâm Đồng. Trong giấy biên nhận nợ do tôi viết và giao cho bà Vỹ thì số tiền tôi còn nợ lại là 1,8 tỷ tôi sẽ trả cho bà Vỹ trong thời hạn là 6 tháng kể tử ngày 13/6/2019 đến ngày 13/1/2020. Bà Vỹ đã thừa nhận về việc này và giao tờ biên nhận nợ của tôi cho cơ quan điều tra. Như vậy, việc giao kết cũng như chấm dứt hợp đồng mua bán nhà giữa tôi và bà Vỹ đã được hai bên thực hiện trên cơ sở tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội. Đến ngày 13/1/2020 mới hết hạn trả nợ đối với khoản tiền bán nhà tôi còn nợ bà Vỹ mới hết hạn trả nợ, nhưng ngày 23/9/2019, Cơ quan điều tra (PC01) Công an tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định về việc khởi tố điều tra đối với tôi là thể hiện dấu hiệu xâm phạm thô bạo đến quyền tự định đoạt của chúng tôi trong giao dịch dân sự đã được pháp luật bảo hộ.
Biên nhận nợ do bà Đông viết và giao cho bà Vỹ số tiền 1,8 tỷ đồng và cám kết sẽ trả cho bà Vỹ trong thời hạn là 6 tháng kể tử ngày 13/6/2019 đến ngày 13/1/2020. |
Ngoài ra, trong quá trình điều tra, tôi có rất nhiều lời khai và cung cấp chứng cứ về việc ông Mai đã có hành vi cho vay nặng lãi với lãi suất cắt cổ là 7000 đồng/1 triệu đồng/ngày đối với số nợ gốc là 1.060 triệu đồng. Tôi đã yêu cầu cơ quan điều tra xem xét về tội cho vay nặng lãi và xác định nguyên nhân khiến tôi không có tiền trả giải chấp sổ đỏ cũng như để trả cho bà Vỹ sau khi đã chấp dứt hợp đồng với bà Vỹ. Tuy nhiên, yêu cầu của tôi đã không được Điều tra viên chấp thuận và nói rằng đó là thỏa thuận dân sự không có liên quan nên không xem xét. Việc này cũng cho thấy dấu hiệu Điều tra viên đã không khách quan và có dấu hiệu của việc bỏ lọt tội phạm đối với hành vi cho vay nặng lãi được quy định tại Điều 468 Bộ luật Hình sự.”
Theo quy định đối với tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, việc người phạm tội có được tài sản thông qua giao dịch dân sự (hoặc kinh doanh thương mại, lao động) hợp pháp cho nên dấu hiệu hành vi được thể hiện qua việc không trả lại tài sản bằng thủ đoạn bỏ trốn hoặc bằng thủ đoạn gian dối (như giả tạo bị mất; đánh tráo tài sản; rút bớt tài sản …) hoặc không trả lại được tài sản do không có khả năng vì đã sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp (như dùng vào việc buôn lậu, buôn bán hàng cấm hay đánh bạc…). Có thể thấy, tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là sự chuyển hóa từ giao dịch dân sự (theo nghĩa rộng) hợp pháp sang hành vi phạm tội khi có sự vi phạm giao dịch dân sự hoặc có hành vi sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản kèm theo mục đích chiếm đoạt.
Trường hợp cụ thể của bà Đông, trong hồ sơ vụ án thể hiện rõ ràng: Bà Đông không hề bỏ trốn; không dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của bà Vỹ. Bà Đông cùng gia đình đã và đang tích cực hợp tác với bà Vỹ và các cơ quan chức năng để có được thỏa thuận về phương án trả tiền cho bà Vỹ và đã, đang thực hiện phương án này. Và đặc biệt là bà Vỹ cũng đã biết bà Đông có thế chấp nhà, nên bà Vỹ có nộp 500 triệu đồng vào tài khoản của bà Đông ở ngân hàng để tạo điều kiện cho bà Đông thưc hiện việc giải chấp.
Trong đơn gửi Tạp chí Người cao tuổi, bà Đông viết: “Bản thân tôi là một cán bộ, đảng viên, một sỹ quan công an với cấp hàm Thiếu tá và là Đội Phó đội quản lý hành chính, Công an TP Đà Lạt. Trong suốt qua trình công tác, tôi luôn phấn đấu để trở thành một một cán bộ tốt xứng đáng với niềm tin và sự quan tâm của cấp ủy Đảng cũng như Chỉ huy đơn vị. Tôi không những chưa từng vi phạm kỷ luật mà còn được Chủ tịch Nước tặng Huy chương chiến sỹ vẻ vang hạng Ba vào năm 2010 và Huy chương chiến sỹ vẻ vang hạng Nhì vào năm 2014. Trên thực tế, chỉ vì muốn tăng thêm thu nhập cho kinh tế gia đình và lo cho các con ăn học nên tôi đã tham gia tích góp và để dành tiền vào việc chơi một số dây huê/hụi nhưng không may bị bể do có người hốt hụi nhưng không đóng. Từ đó tôi phải vay mượn tiền ở ngoài với lãi suất cao để trả nợ, khi số lãi quá cao và bị cộng dồn thì tôi không còn khả năng chi trả nên đã dẫn đến tình trạng tôi phải bán hết nhà cửa mà vẫn không đủ trả nợ. Trong quá trình giải quyết đơn tố cáo, Thanh tra Công an tỉnh lâm Đồng đã rất quan tâm và tạo điều kiện cho tôi được giải quyết nội bộ và khắc phục hậu quả với bà Vỹ và ổn định cuộc sống, ổn định công tác. Tuy nhiên, không biết lý do mà bà Vỹ lại tố cáo tôi tại cơ quan điều tra. Tôi cũng không biết lý do tại sao toàn bộ hồ sơ về việc giải quyết khiếu nại tố cáo của bà Vỹ đối với tôi tại Thanh tra đã biến mất và không được đưa vào hồ sơ vụ án hiện nay. Tôi không có hành vi gian dối bà Vỹ, không bỏ trốn, không sử dụng tiền do bà Vỹ thanh toán vào các mục đích trái pháp luật nhưng vẫn bị cơ quan điều tra khởi tố và ghép tội. Tất cả các tình tiết bất thường như trên cho thấy đã có dấu hiệu cố ý làm trái pháp luật về việc giải quyết tin báo tội phạm và điều tra, truy tố, cố tình hình sự hóa vụ việc dân sự vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác. Vì các lẽ trên, tôi làm đơn này tha thiết đề nghị Quý báo với tư cách là cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước cứu xét đơn của tôi và có ý kiến với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cứu xét về việc dấu hiệu làm oan sai cho tôi, để được đình chỉ vụ án vì có dấu hiệu hình sự hóa vụ việc dân sự. Tôi xin cam kết những nội dung tôi khai nhận trong đơn kêu oan này là hoàn toàn có thật và phù hợp với hồ sơ vụ án hiện nay. Nếu có gì gian dối tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật. Một lần nữa, vì sự nghiêm minh của pháp luật và đảm bảo quyền con người cũng quyền và lợi ích hợp pháp của tôi, kính mong được xem xét, cứu giúp theo thẩm quyền!”
Chủ tịch Nước tặng Huy chương chiến sỹ vẻ vang hạng Nhì vào năm 2014 cho bà Hồ Thị Thu Đông. |