Sông Hàn
Đời sống 24/03/2022 15:12
Sông Hàn bắt nguồn từ chuyện ngày xưa cha ông ta khóa cửa sông bằng xích sắt ngăn không cho tàu giặc vào TP Đà Nẵng. Con sông Hàn là nhân chứng cho tinh thần kiên cường, bất khuất của quê hương, nhìn con sông Hàn lặng lờ trôi, tôi lại thấy yêu quý nó biết bao. Sông bắt nguồn từ ngã ba sông giữa quận Cẩm Lệ, quận Hải Châu và quận Ngũ Hành Sơn cho tới vịnh Đà Nẵng, tới chỗ giáp ranh giữa quận Sơn Trà. Hướng của dòng sông là hướng chảy từ Nam lên Bắc.
Cầu Rồng bắc qua sông Hàn - biểu tượng của Đà Nẵng. |
Sông Hàn ngày xưa có đôi bờ, bên tê sông là quận Một, có đèn điện sáng choang với dãy nhà cao tầng sang trọng, bên ni sông là quận Ba với leo lắt ánh đèn và dãy nhà tạm bợ dựng ven bờ sông của dân nghèo. Vậy nên dân gian mới có câu “Con gái quận Ba không bằng bà già quận Một”. Bên ni sông, những dãy nhà chồ san sát, cảnh ăn bữa hôm lo bữa mai, nhưng lại là nơi gió thổi mơn man vào những buổi trưa hè nóng bức và đêm nằm ngủ nghe tiếng gió rì rào. Gió đêm thổi từ sông vào mát rượi, ngửi thấy mùi vị của sông trong gió thổi ngược lên, và nghe rì rầm tiếng nước như lời ru làm dịu lòng người. Lòng thanh thản khi đứng trước sông ngắm trăng sáng vằng vặc trên đỉnh đầu và nghe tiếng nước vỗ, cảm giác như đang lạc vào khung cảnh thần tiên. Từ sáng tinh mơ, mặt còn ngái ngủ, quần ống thấp, ống cao ướt đẫm sương mai, các bà, các chị đã cất quang gánh lên vai đi về hướng bến phà, mọi người hối hả gồng gánh, chen chúc nhau lên phà. Gánh hàng của họ hôm thì mùi hăng hắc của củi tươi, hôm thì mùi cá tôm của biển Thọ Quang, Mân Thái, hôm thì mùi rau củ tươi xanh từ những mảnh ruộng An Trung, Bắc Mỹ An, hôm thì thúng hoa tươi từ Mỹ Khê, đong đầy hai quang gánh chạy cho kịp buổi chợ. Hằng ngày, bước chân nặng trĩu của các bà, các chị in dài trên con đường giữa lòng phố thị, lo cho các con, các cháu được ăn học đàng hoàng.
Bờ sông Hàn lung linh về đêm. |
Rồi mặt trời ló rạng, dòng sông nhuộm nắng vàng lóng lánh, chuyến phà lúc này là tà áo dài trắng của các em học sinh sang sông đi học Trường Trung học phổ thông Phan Châu Trinh, là một trường có tiếng của TP Đà Nẵng. Nhiều em học sinh lục tục đạp xe, tay xách, nách mang vừa cặp, vừa hộp cơm cho những ngày phải ở lại trưa tại trường vì học hai buổi. Có lúc, phà đã rời bờ, người còn nửa trên nửa dưới, có em cắp xe bên nách đeo bám ngoài lan can phà. Cả người lẫn xe rơi tõm xuống sông, thấy mà tội nghiệp quá chừng. Mặt sông Hàn bắt đầu gợn sóng lăn tăn, tiếng máy âm vang cả một khúc sông. Khói uốn éo trên những nóc” nhà chồ” ven bờ là lúc mọi người chen chân lên phà trở về nhà.
Năm 2000, cây cầu sông Hàn khánh thành trong niềm vui của toàn dân thành phố, sự đổi thay bắt đầu len lỏi vào cuộc sống của người dân Đà Nẵng. Những dãy nhà chồ san sát mặt sông được dỡ bỏ, người dân dọn về căn hộ chung cư theo sự bố trí của lãnh đạo thành phố lúc bấy giờ là ông Nguyễn Bá Thanh. Bến phà không còn, mọi dịch vụ ăn theo bến phà cũng dừng hoạt động. Cuộc sống của những người chuyên làm nghề bám theo bến phà đã dừng lại. Lãnh đạo TP Đà Nẵng tạo điều kiện cho bà con tìm một nghề khác, bền vững hơn, có thu nhập ổn định hơn, người chuyển sang bán hàng ăn, người đi làm công nhân, người vẫn chạy chợ… Sông Hàn đã thay da đổi thịt, không còn như xưa.
Người dân tập thể dục buổi sáng bên bờ sông Hàn |
Tôi đã từng đi du lịch không biết bao nhiêu con sông, nhưng không có sông nào đẹp như sông Hàn, Đà Nẵng. Vì ngoài việc giúp cho tinh thần thoải mái, sông còn cho tôi niềm vui nỗi nhớ về tình yêu thương bao la của quê hương. Mỗi khi có chuyện buồn trong công việc hay cuộc sống, tôi thường chạy xe một mình đến bờ sông Hàn, mỗi lần như thế tôi đều luôn có cảm giác là dòng sông đang lắng nghe và cứ thế tôi tâm sự với sông Hàn tất cả mọi vui buồn trong cuộc sống. Sông Hàn không chỉ là dòng sông quê hương, mà còn là người bạn tinh thần không thể thiếu đối với tôi nói riêng và người dân Đà Nẵng nói chung.
Yêu lắm sông Hàn quê hương tôi!