Rồng và múa Rồng trong tâm thức Nhân dân Thủ đô
Văn hóa - Thể thao 16/02/2024 09:22
Trong thời khắc lịch sử tràn đầy hi vọng năm Giáp Thìn sẽ đột phá vươn lên tầm cao mới. Năm bản lề - năm con Rồng mà ở đó sẽ hướng tới đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Hình tượng con Rồng, hình ảnh múa Rồng luôn lắng đọng trong tâm thức người Việt Nam nói chung, đặc biệt người dân Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Tôi còn nhớ giới văn hóa nghệ thuật, sĩ phu Bắc Hà lần đầu tiên tổ chức liên hoan múa Rồng lần thứ nhất dịp kỉ niệm 50 năm giải phóng Thủ đô (10/10/2004), ở sân khấu ngoài trời trước đền Bà Kiệu trên một sân khấu chiều cao 3,50m, bề rộng 300m2 có nhiều bậc tam cấp, thuận tiện cho Rồng lên trình diễn tưng bừng của con vật linh thiêng, uy quyền mà vua Lý Thái Tổ đặt tên cho La Thành khi dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La. Người đặt tên cho Thủ đô là Thăng Long (Rồng bay).
Múa Rồng, tác phẩm nghệ thuật do NSƯT Như Bình sáng tác, dàn dựng |
Hôm đó, 8 giờ sáng 10/10/2004, khi Trưởng ban tổ chức Nguyễn Khả Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin Hà Nội lên khai mạc liên hoan múa Rồng lần thứ nhất thì một con Rồng khổng lồ tạo nên bằng tết 50.000 quả bóng mầu xuất hiện bay lơ lửng trên bầu trời Thủ đô chào mừng 50 năm ngày giải phóng cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ mà Tố Hữu đã viết câu thơ bất hủ: “Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.
Đối với người Việt Nam và Nhân dân một số nước Á Đông thì Rồng là linh vật không có thực nhưng trong tâm thức nó uy nghiêm, linh thiêng, thể hiện ước mơ, khát vọng vươn tới ấm no, hạnh phúc. Suốt hơn ngàn năm, thì đó là con vật có sừng như sừng hươu, sừng nai, có râu, có chân, có vòi, có vẩy, biết bơi lội, biết bay vươn cao… Nhân dân ta coi Rồng là động vật quý hiếm được phụng thờ tại các chùa chiền, đình, đền, trong cung vua phủ chúa các triều đại, lăng tẩm, trên các nóc nhà, cung điện. Đặc biệt, từ năm 1010, khi Lý Thái Tổ rời kinh đô Hoa Lư về thành Đại La nhìn thấy vầng mây màu hồng có hình tượng Rồng bay, Người đặt Thủ đô là Kinh thành Thăng Long từ đấy.
Lại nói về sáng 10/10/2004, khi chú Rồng khổng lồ bay vút cao lơ lửng trên bầu trời Hà Nội làm cho đông đảo công chúng vỗ tay, hò reo, chiêm ngưỡng trong tiếng trống, tiếng cồng, thanh la và kèn rộn rã. Con Rồng khổng lồ vươn lên cao như vẫy chào Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình.
Tiếp theo 50 con Rồng có đủ màu sắc, kiểu dáng, độ dài lần lượt xuất hiện trong âm thanh sôi động của cồng, chiêng, trống, kèn, thanh la vang dậy hồ Gươm, làm cho ai nấy hồi hộp như nín thở, theo dõi sự khoe tài, đọ sức của các đoàn Rồng. Trong đó, đoàn Rồng quận Hoàn Kiếm (chủ nhà) được trình diễn mở màn.
Tiếp đến, đoàn Rồng xanh Gia Lâm xuất hiện do tốp nữ thể hiện, Rồng vàng do tốp nam trình diễn. Đôi Rồng xanh-vàng xoắn lượn bên nhau, lúc phủ phục rồi vùng lên lấy đà ngẩng cao đầu gật gù, lúc vẫy chào quan khách. Đây là đoàn Rồng để lại ấn tượng nhất cho khán giả hôm ấy. Khi đoàn Rồng của huyện Từ Liêm xuất hiện lại có thêm trò mới: Rồng phun lửa tạo khoái cảm cho công chúng nhưng đầu Rồng quá dữ tợn, tai, ria mép, sừng cứ như dàn tên lửa chĩa lên không trung.
Đoàn Rồng Cầu Giấy trình diễn phần thi với ấn tượng choáng ngợp, sửng sốt người xem. Đôi Rồng nhẹ nhàng song song bay chầm chậm, thân tròn vây đủ màu ngọc bích, xanh, tím, đầu tròn có cặp sừng trông oai phong cùng chòm râu bạc uy nghiêm, còn người múa thì hoạt bát bay nhảy, uốn lượn, tạo nên những khúc múa ngoạn mục, hút tầm mắt khán giả.
Đoàn Rồng quận Hoàng Mai cố ý tạo nên những sừng xanh lại thêm múa Lân. Chú Lân giương cờ Đảng vẫy chào khán giả. Đoàn múa rồng Ba Đình cũng có nhiều cố gắng. Hai Rồng xanh và vàng rất hài hòa về màu sắc.
Đến đoàn Rồng Đông Anh xuất hiện thì công chúng giương mắt hướng về hình ảnh Rồng vàng có sừng trắng, cao, nhiều nhánh, cấu tạo quá uy nghiêm, đẹp, diễn viên quay, nhảy xoắn lượn rồi nhập và bay qua nhau, xoay lượn quấn quện, chốc lát bay vòng quanh khiến mọi người bỏ cả nón, mũ, ô dù để dướn lên theo dõi từng động tác tạo hình mà Rồng Đông Anh trổ tài.
Đến lượt đoàn Rồng Thanh Trì mọi người ngóng chờ của xứ sở của Rồng đã xuất hiện ở nhiều nơi trong những năm qua - đặc biệt trong lễ kỉ niệm 50 năm Quốc khánh do Bộ trưởng Bộ Văn hóa -Thông tin Trần Hoàn trực tiếp mời và đến dự tổng duyệt đoàn Rồng Thanh Trì trước ngày lễ tổ chức ở Quảng trường Ba Đình sáng 2/9/1995. Công chúng còn đưa tin đoàn Rồng Thanh Trì dưới sự cho phép của ông Nguyễn Văn Nhuận, Phó Bí thư Huyện ủy và ông Nguyễn Tài Học, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin cử ra đoàn chuyên gia do ông Trần Hưng Hoài phụ trách và NSƯT - Thạc sĩ Như Bình dàn dựng cho đoàn Rồng cố đô Huế. Rèn luyện gần 2 tháng để khai mạc Festival Huế lần thứ nhất ngày 19/4/2000. Đoàn Rồng Thanh Trì cũng được Anh hùng Lao động Nguyễn Hải Thoại, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cầu Thăng Long mời vào dự lễ khánh thành cầu song Gianh năm 1989.
Tại lễ hội Mê Linh, quê hương anh hùng của Hai Bà Trưng đã từng dấy binh, cưỡi voi đánh thắng Thái thú Tô Định quân Đông Hán năm 39 sau Công nguyên để xây dựng nền độc lập, với tâm nguyện “đền nợ nước, trả thù nhà”...
Và lễ kỉ niệm 990 Thăng Long - Hà Nội tại sân vận động Hàng Đẫy cũng có 9 chú Rồng ra đón chào. Tại Seagme 23 năm 2002, ở sân động quốc gia Mỹ Đình thì sự hiện diện của Rồng Thanh Trì lại gây tiếng vang trong lễ khai mạc. Rồng Thanh Trì còn có mặt trong lễ hội Festival nghệ thuật múa Việt Nam lần thứ nhất gồm 50 đoàn, với 1.235 nghệ sĩ về Lăng Bác tổ chức lễ báo công, được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất ngày 2/2/1996.
Nhưng uy tín vị trí của Rồng Thanh Trì là di sản của truyền thống văn hóa Thăng Long - Hà Nội mà ngay cả Đền thờ 8 vua đời Lý, do Anh hùng Lao động - Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn chủ trì cùng mời về dàn dựng 2 Rồng cho quê hương Lý Bát Đế để chào mừng ngày hội, khách thập phương về chiêm ngưỡng còn lưu truyền mãi trong sự nghiệp văn hóa nghệ thuật của dân tộc ta.
Chuẩn bị cho lễ kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và ngày giải phòng Thủ đô năm 2024, hi vọng các nghệ sĩ, các nhà văn hóa, các câu lạc bộ múa Rồng quan tâm luyện rèn, xây dựng đội ngũ, nâng cao kĩ thuật của đầu Rồng, đuôi Rồng và dũng sĩ cầm cây gậy ngọc tăng cường kĩ năng, sáng tạo phối hợp với Rồng nhuần nhuyễn để ra mắt công chúng Thủ đô Hà Nội - Thăng Long anh hùng, Thành phố vì hòa bình và trái tim của cả nước.