Phim về đề tài chiến tranh: Làm thế nào để khơi thông điểm nghẽ
Nghiên cứu - Trao đổi 08/05/2024 10:54
Sức hút của phim về đề tài chiến tranh
Trên thế giới, mảng đề tài phim chiến tranh luôn được quan tâm và trở thành một trong những dòng phim ăn khách nhất thế giới. Làm được một bộ phim đề tài chiến tranh thật hấp dẫn và trung thành với lịch sử là thách thức của mọi đạo diễn và nhà sản xuất. Không ít tác phẩm đề tài chiến tranh của Việt Nam đã trở thành những bộ phim kinh điển như: “Chung một dòng sông”, “Nổi gió”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”, “Cánh đồng hoang”, “Biệt động Sài Gòn”,… Sau này tiếp tục có những phim đề tài chiến tranh được thực hiện, như “Mùi cỏ cháy”, “Những người viết huyền thoại”, “Sống cùng lịch sử”, “Truyền thuyết về Quán Tiên”, “Đường xuyên rừng”, “Bình minh đỏ” và mới nhất là “Đào, phở và piano”… đã góp phần truyền thông điệp về tình yêu quê hương, lòng dũng cảm và tinh thần bất khuất vì độc lập tự do, thể hiện sức mạnh của dân tộc.
PGS.TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam phát biểu tại hội thảo “Di sản phim truyện chiến tranh của điện ảnh Việt Nam. |
Kể từ năm 1959 với bộ phim truyện Việt Nam đầu tiên “Chung một dòng sông” của đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Hiếu Dân, cho đến sau này, đề tài phim chiến tranh đã và vẫn là dòng phim chủ đạo phản ánh sinh động cuộc sống, chiến đấu của quân và dân ta, phục vụ tuyên truyền, nâng cao dân trí, góp phần tích cực cổ vũ tinh thần yêu nước, dũng cảm chiến đấu, sẵn sàng hi sinh vì sự nghiệp cứu nước của dân tộc. Có thể nói, những sự kiện, câu chuyện, nhân vật làm nên các mốc lịch sử trọng đại của dân tộc được kể lại, tái hiện trong các bộ phim ấy luôn là nguồn cảm hứng để các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ tự hào về truyền thống yêu nước, lòng dũng cảm và tinh thần bất khuất vì độc lập - tự do của dân tộc.
Khơi thông “điểm nghẽn”
Khoảng mười năm trở lại đây, số lượng phim về đề tài chiến tranh đang có xu hướng giảm sút về số lượng, gần như vắng bóng ở các rạp chiếu thương mại, và nếu có lịch chiếu thương mại thì cũng không hút được khán giả. Trong không khí cả nước đã và đang có rất nhiều hoạt động kỉ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, những người làm điện ảnh nước nhà đã hội tụ để bàn về vấn đề “Di sản phim truyện chiến tranh của điện ảnh Việt Nam: Giá trị nghệ thuật, lưu trữ, khai thác và phổ biến trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.
Đề tài chiến tranh Việt Nam là đề tài lớn, xuyên suốt, một dòng chảy liên tục trong sự phát triển của điện ảnh Việt Nam cả trong thời kì chiến tranh và hòa bình. Trong nền kinh tế thị trường, khi tư nhân được tham gia sản xuất phim thì đề tài chiến tranh hầu như không được đầu tư do bị cho là “kén khách, lỗ nặng”. Vì vậy, nhiều năm nay, phim đề tài này phụ thuộc hoàn toàn vào sự đầu tư của Nhà nước. Nguồn ngân sách không dồi dào, khác với mục đích làm phim vì lợi nhuận của tư nhân, những bộ phim do Nhà nước đặt hàng hãng phim nhà nước, sản xuất chủ yếu phục vụ nhiệm vụ chính trị hay bảo tồn, phát huy lịch sử, văn hóa dân tộc.
Để khơi thông “điểm nghẽn” trong hoạt động khai thác phổ biến phim, với cơ chế hiện nay, Nhà nước mới chỉ đầu tư cho việc sản xuất phim nói chung và phim truyện điện ảnh về đề tài chiến tranh nói riêng mà chưa đầu tư cho việc khai thác, phổ biến phim. Có một thực tế là, đa số các bộ phim do Nhà nước đặt hàng đều thường xuyên lỗ vốn do quá ít người xem. Ngoài lí do nội dung kén khách thì nguyên nhân nữa là do không có kinh phí quảng cáo nên người xem không biết đến. Những bộ phim do Nhà nước đặt hàng thường sau một vài buổi chiếu ra mắt, hoặc một đợt chiếu ngắn phục vụ chính trị nhân dịp kỉ niệm ngày lễ rồi cất vào kho. Hiện nay, nhu cầu xem phim của giới trẻ trên Internet là rất lớn, nhưng hoạt động phổ biến phim, tư liệu điện ảnh chiến tranh cách mạng Việt Nam trên không gian mạng lại chỉ ở bước thử nghiệm. Vậy nên, số lượng hoạt động quảng bá, phổ biến phim chưa đáp ứng được nhu cầu của công chúng; hiệu quả trong quảng bá các bộ phim đề tài chiến tranh chưa được như kì vọng. Nguồn lực và năng lực hạn chế là một trong những nguyên nhân gây ra thực trạng này.
Bên cạnh tuyên truyền và phương thức phát hành, dư luận cũng quan tâm đến làm phim thế nào để thu hút được khán giả trẻ hiện nay. Đơn cử như với phim “Đào, phở và piano” đã vừa khơi dậy cảm xúc của lòng yêu nước, vừa chạm vào trái tim người xem theo cách nhẹ nhàng, đồng thời nhấn mạnh được tính nhân văn của người Hà Nội nhưng việc quảng bá là quá ít. Nếu không có cộng đồng mạng có lẽ bộ phim này cũng sớm bị “cất vào kho”.
Nếu thực sự coi điện ảnh là mũi nhọn của ngành công nghiệp văn hóa, rất cần có sự thống nhất về quan điểm và tìm ra giải pháp khả thi để tối ưu hóa vốn đầu tư nhà nước cho sản xuất và phổ biến phim. Trong đó có những giải pháp như: Kết hợp nguồn công - tư cho sản xuất phim; đổi mới cơ chế, cải tiến thủ tục để hoàn thiện hóa phương thức đầu tư đồng bộ cho cả hoạt động sản xuất, quảng cáo và phát hành phổ biến các phim sử dụng ngân sách; cần quan tâm đặc biệt đến chiến lược tuyên truyền, lan tỏa thông tin về bộ phim… Những rào cản pháp lí nếu sớm được tháo gỡ sẽ là điều kiện tiên quyết không chỉ để phim truyện, mà cả phim tài liệu, tư liệu điện ảnh chiến tranh cách mạng Việt Nam nhanh chóng mở rộng phạm vi tiếp cận công chúng trong và ngoài nước trên các hạ tầng kĩ thuật không gian số; đồng thời phát huy giá trị tương xứng tầm vóc di sản tư liệu hình ảnh động trong thời kì Cách mạng Công nghệ 4.0. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kĩ thuật, công nghệ thông tin, việc phổ biến phim hiện nay có nhiều thuận lợi. Nhiều phương tiện truyền thông đã phát huy khả năng để truyền tải thông tin chính xác, hiệu quả đến khán giả.
Hiện tượng “Đào, phở và piano” cho thấy việc đưa các bộ phim sử dụng ngân sách Nhà nước ra rạp là một “phép thử” và bước đầu có những tín hiệu khả quan. Có lẽ việc xây dựng cơ chế “mở” để truyền thông bài bản, phát hành diện rộng như các phim tư nhân khác, trích % doanh thu sau phát hành để tái đầu tư, quảng bá cho các phim nghệ thuật khác. Đồng thời, các cơ quan quản lí cũng nên tính đến một phương thức hợp tác ngắn hạn với các nhà phát hành tư nhân trên tinh thần đôi bên cùng có lợi.
Từ những tín hiệu đáng mừng của những bộ phim như “Đào, phở và piano”, hay “Địa Đạo” kì vọng dòng phim chiến tranh Việt Nam không chỉ được đông đảo khán giả ủng hộ mà còn mở ra hướng mới về đầu tư, sản xuất, quảng cáo và phát hành cho dòng phim lịch sử chiến tranh trong sự phát triển chung của nền điện ảnh Việt Nam.