Phạt và không thể tồn tại
Trong mắt người già 26/09/2023 09:34
Theo Nghị định số 121/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, tại khoản 9, Điều 13 có quy định “phạt và cho phép tồn tại” đối với những trường hợp tổ chức, cá nhân nộp số lợi bất hợp pháp. Tuy nhiên, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, quản lí công trình hạ tầng kĩ thuật; kinh doanh bất động sản đã có đổi mới. Đó là không còn quy định “phạt cho tồn tại,” mà buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu và bồi thường thiệt hại. Sau khi nghị định này được ban hành, một đại diện Bộ Xây dựng khẳng định “cơ quan, tổ chức, cá nhân nào vi phạm, để xảy ra sai phạm thì đều phải chịu trách nhiệm”. Đặc biệt, theo quy định mới sẽ không còn “ phạt cho tồn tại ” công trình vi phạm.
Cần chấm dứt tình trạng "phạt cho tồn tại" |
Song thực tế đến nay cho thấy vẫn rất nhiều công trình xây dựng nhà ở sai phạm đang tồn tại, điển hình là sự phát lộ hàng chục căn chung cư mang tên mi ni tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh khi cơ quan chức năng bắt đầu kiểm tra, rà soát những ngày qua. Hệ quả hiện nay các chung cư vi phạm đã bán, cho thuê và cư dân đang cư trú đã để lại vấn đề không dễ xử lí, đó là thiếu các thiết bị, kết cấu kĩ thuật bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ. Những chung cư với hàng chục, thậm chí hàng trăm con người đang sinh sống không thể chấp nhận “phạt cho tồn tại” sai phạm liên quan đến an toàn tính mạng cư dân.
Tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 20/9, khi cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề nghị cơ quan soạn thảo xây dựng tiêu chí về giao thông, môi trường và phòng cháy, chữa cháy của Hà Nội vượt trội hơn so với cả nước và “dứt khoát không hợp thức hóa chung cư mi ni”.
Sau đợt tổng rà soát vi phạm xây dựng với loại hình chung cư gắn nhãn mi ni rất cần một sự quyết liệt đột phá của chính quyền. Căn chung cư tại Khương Hạ vừa xảy ra hỏa hoạn từng có quyết định cưỡng chế của UBND quận Thanh Xuân cách đây gần chục năm, song nó vẫn giữ “nguyên bản” cho đến khi xảy ra thảm họa, lí do rất đơn giản là… “trên bảo, dưới không nghe”!?
Người dân đô thị sửa chữa nhỏ căn nhà của mình hầu hết đều bị cơ quan quản lí trật tự xây dựng nắm được, đến nhắc nhở, xử phạt. Vậy sao những tòa nhà hàng chục căn hộ, hàng trăm người cư trú lại “lọt” những sai phạm? Đây là câu hỏi dư luận đang chờ sự hồi đáp của các cấp chính quyền. Nếu không xử lí triệt để, khắc phục hoàn toàn các vi phạm thì thảm họa sẽ vẫn luôn treo lơ lửng trên đầu người dân tại nhiều chung cư.