Phát huy tinh thần của Ngày Quốc tế Lao động
Nghiên cứu - Trao đổi 01/05/2024 09:27
Sinh thời, Các Mác đã nói nhiều đến việc phải rút ngắn thời gian lao động trong ngày và Các Mác đã coi đây là nhiệm vụ đấu tranh của giai cấp công nhân. Bởi lúc này, các tổ chức tư bản độc quyền trên thế giới đang tăng cường bóc lột giai cấp công nhân để thu lợi nhuận tối đa có thể. Trong đó nổi lên hiện tượng bọn tư bản độc quyền thường kéo dài số giờ làm trong ngày, thường xuyên ra lệnh tăng ca, làm việc liên tục không nghỉ trong tuần. Điều này khiến công nhân kiệt sức nên họ thường ốm đau, bệnh tật và có tuổi thọ thấp. Tuy nhiên, công nhân thường không dám nghỉ việc vì sợ mất việc làm sẽ chết đói dù đồng lương ít ỏi. Tại Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế I họp tại Genève (Thụy Sĩ) tháng 9/1866, vấn đề đấu tranh cho ngày làm việc 8 giờ được Các Mác xác định là nhiệm vụ quan trọng của giai cấp công nhân. Mục tiêu đấu tranh ngày làm 8 giờ từ Anh, nơi đặt trụ sở Quốc tế I, dần lan sang các nước khác.
Năm 1884, Đại hội Liên đoàn lao động Mỹ họp tại thành phố Chicago đã thông qua Nghị quyết nêu rõ: “Từ ngày 1/5/1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ”. Sở dĩ ngày 1/5 được chọn bởi đây là ngày bắt đầu một năm kế toán tại hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở Mỹ. Vào ngày này, hợp đồng mới giữa thợ và chủ sẽ được kí. Điều này chứng tỏ giai cấp công nhân toàn nước Mỹ đã không chịu được tiếp tục sự bóc lột của giới chủ. Ngày 1/5/1886, do yêu cầu không được đáp ứng, giai cấp công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình. Báo cáo của Liên đoàn Lao động Mỹ xác nhận chưa bao giờ trong lịch sử nước Mỹ lại có một cuộc nổi dậy mạnh mẽ, toàn diện trong quần chúng công nhân công nghiệp đến như vậy. Công nhân Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan,… cũng tổ chức nhiều cuộc mít tinh bày tỏ sự đồng tình với công nhân Mỹ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Xưởng Cơ khí Khu Công nghiệp liên hợp gang thép Thái Nguyên ngày 1/1/1964. Ảnh tư liệu lịch sử |
Tiếp nối tinh thần của Quốc tế I và để ghi nhớ sự kiện đấu tranh của giai cấp công nhân ở Mỹ vào ngày 1/5/1886, Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế II đã quyết định lấy ngày 1/5 hằng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của tầng lớp vô sản các nước. Từ đó, ngày 1/5 trở thành Ngày Quốc tế Lao động.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc tế thứ II, Ngày Quốc tế Lao động được kỉ niệm với quy mô thế giới lần đầu tiên vào năm 1890. Công nhân ở các nước Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Áo, Đan Mạch, Bỉ, Thụy Điển, Hà Lan, Ý và nhiều nước khác tiến hành bãi công, mít tinh, xuống đường biểu tình mang theo biểu ngữ “Ngày làm 8 giờ”, “Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại”.
Sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi (7/11/1917), đến ngày 10/1/1918, Đại hội Xô viết toàn Nga lần III đã thông qua “Tuyên ngôn về quyền lợi Nhân dân lao động và bị bóc lột”, khẳng định nước Nga Xô viết là một nước xã hội chủ nghĩa với mục tiêu xóa bỏ chế độ người bóc lột người. Năm 1920, dưới sự phê chuẩn của V.I.Lênin, nước Nga Xô viết là nước đầu tiên cho phép người dân được nghỉ làm vào Ngày Quốc tế Lao động (1/5). Sáng kiến này dần dần được nhiều nước khác trên thế giới thực hiện. Nước Nga Xô viết cũng đã quy định số giờ làm việc là 8 tiếng mỗi ngày cũng như nhiều phúc lợi xã hội khác cho người lao động.
Tại Việt Nam, ngay khi vừa mới ra đời, Đảng đã lãnh đạo cuộc biểu tình nhân Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1930) tạo nên cao trào cách mạng 1930-1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh.
Ngày 1/5/1938, khi phong trào Mặt trận Bình dân ở Pháp (do Đảng Cộng sản Pháp làm nòng cốt) đang sôi nổi, công nhân và Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã kỉ niệm Ngày Quốc tế Lao động, cuộc mít tinh tại trường Đấu Xảo (Hà Nội), với sự tham gia của 2,5 vạn người, gồm 25 ngành, giới: Thợ hoả xa, thợ in, nông dân, phụ nữ, người cao tuổi, nhà văn, nhà báo,... và 5 nghìn người tại rạp hát Thành Xương (Sài Gòn).
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước nhà được độc lập, Ngày Quốc tế Lao động năm 1946 được tổ chức kỉ niệm mít tinh trọng thể tại Hà Nội, với sự tham dự của 20 vạn Nhân dân lao động. Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời kêu gọi hướng về đồng bào toàn quốc, đặc biệt là Nhân dân lao động: “Cùng đồng bào toàn quốc! Cùng anh chị em lao động! Ngày 1/5 là một ngày Tết chung cho tất cả các nước trên thế giới. Đó là một ý nghĩa đoàn kết rất sâu xa. Ở nước ta, lần này là lần đầu tiên đồng bào ta, anh chị em lao động ta được tự do đón tiếp ngày 1/5. Vậy nên nó có ý nghĩa đặc biệt sâu xa hơn nữa. Đối với chúng ta nó là một ngày để cho thế giới biết rằng: Ngày này chẳng những là ngày Tết lao động, mà còn là ngày Nhân dân đoàn kết. Đoàn kết để giữ vững tự do dân chủ. Đoàn kết để kiến thiết nước nhà. Đoàn kết để xây dựng một đời sống mới”.
Sau đó, ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí Sắc lệnh số 22c NV/CC về những ngày nghỉ Tết, kỉ niệm lịch sử và lễ tôn giáo, trong đó công bố: Ngày 1/5 là một trong những ngày Lễ chính thức và công nhân, lao động cả nước được nghỉ một ngày có hưởng lương. Kể từ đây, Ngày Quốc tế Lao động (1/5) là một trong những ngày lễ chính thức hằng năm của Nhà nước ta.
Từ đời sống cơ cực dưới chế độ thực dân phong kiến, giai cấp công nhân Việt Nam đã có cuộc sống ấm no, hạnh phúc dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, tuy chỉ chiếm tỉ lệ khoảng 14% dân số, 27% lực lượng lao động xã hội, song hằng năm giai cấp công nhân Việt Nam đã tạo ra trên 65% giá trị tổng sản phẩm xã hội và hơn 70% giá trị thu ngân sách Nhà nước.
Ở Cuba, vào ngày 1/5/1961, đúng vào Ngày Quốc tế Lao động, Chủ tịch Fidel Castro tuyên bố Cuba là một quốc gia xã hội chủ nghĩa. Hơn 60 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Cuba, đất nước Cuba đã có những thay đổi sâu sắc chưa từng có trong lịch sử. Sống ở Cuba, người lao động được đảm bảo miễn phí về y tế, giáo dục, nhà ở và nhiều phúc lợi khác.
Trong khi đó, tại các nước tư bản khi có khủng hoảng xảy ra thì đời sống của người lao động lâm vào hoàn cảnh cực kì bi đát. Gần đây nhất là cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ từ năm 2007, bùng phát mạnh từ cuối năm 2008. Kết quả là phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” đã bùng nổ ở Mỹ vào hai tháng 9 và 10/2011 và lan qua các nước tư bản khác. Chỉ cần nhìn vào những tấm biểu ngữ trên đường phố như “99% dân nghèo chống lại 1% người giàu có”… là đã phần nào hiểu được căn nguyên của vấn đề.