Học tập đạo đức của Bác Hồ trong những ngày đầu xây dựng chính quyền
Nghiên cứu - Trao đổi 30/08/2024 10:33
Ngày 17/9/1945, Bác đã có “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà”. Trong thư Bác không lấy danh nghĩa là Chủ tịch Chính phủ mà “chỉ lấy danh nghĩa của một người đồng chí già mà viết để san sẻ ít nhiều kinh nghiệm”. Và Người bảo đảm: “Trong công tác, có vấn đề gì khó giải quyết, các đồng chí cứ viết thư thảo luận với tôi. Tôi rất sẵn sàng giúp ý kiến”. Đây là một bức thư dành riêng cho những người đang đảm trách công tác quản lí nhà nước ở quê hương, rất thân tình. Trong thư, Bác nhấn mạnh: “Nói tóm tắt, thì chính sách của Chính phủ là: Củng cố sự đoàn kết toàn dân. Sửa đổi những khuyết điểm khắp các phương diện”.
Sau khi nêu bốn vấn đề thuận lợi, khó khăn của cuộc cách mạng, Người yêu cầu phải sửa đổi những khuyết điểm khắp phương diện, trong đó có khuyết điểm to nhất ở các địa phương là: “Khuynh hướng chật hẹp và bao biện, kế đó là lạm dụng hình phạt và tham ô, hữu hóa”.
Người nhắc nhở các cán bộ, đảng viên phải đề phòng hủ hóa. Đồng thời, Người nêu rõ: “Cán bộ ta nhiều người “cúc cung tận tụy”, hết sức trung thành với nhiệm vụ, với Chính phủ... Nhưng cũng có người hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành độc đoán, hoặc là dĩ công dinh tư”.
Một tháng sau, ngày 17/10/1945, Bác lại có “Thư gửi Ủy ban Nhân dân các kì, tỉnh, huyện và làng”, nêu lên 6 lỗi lầm chính dễ mắc phải: Trái phép, cậy thế, hữu hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo. Phân tích những lỗi lầm đó, Người chỉ rõ những hành vi biểu hiện của sự tham nhũng: “Ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn, thử hỏi tiền bạc ấy ở đâu ra? Thậm chí lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức”.
Người nhắc nhở: “Những khuyết điểm trên, nhỏ thì làm cho dân chúng hoang mang, lớn thì làm cho nền đoàn kết lay động. Chúng ta không sợ có khuyết điểm. Chúng ta chỉ sợ không có quyết tâm sửa đổi”. Trong thư, Bác còn nhấn mạnh: “Nếu không có Nhân dân thì không đủ lực lượng; nếu không có Chính phủ thì không ai dẫn đường. Vậy nên Chính phủ và Nhân dân phải đoàn kết thành một khối. Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Nhưng “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lí gì”. Bác thiết tha kêu gọi cán bộ, đảng viên: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại cho dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, thì dân mới yêu ta, kính ta”.
Và những dòng cuối thư, Bác đã trút hết tấm lòng của mình để nói rằng: “Vì hạnh phúc của dân tộc, vì lợi ích của nước nhà mà tôi phải nói. Chúng ta phải ghi sâu những chữ công bình, chính trực vào lòng”.
Để thực hiện ba nhiệm vụ diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm, đòi hỏi người cán bộ phải luôn gương mẫu; và Bác là người gương mẫu trước tiên. Ngày 28/9/1945, Bác gửi thư cho đồng bào toàn quốc kêu gọi cứu đói, trong đó có đoạn: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn 3 bữa (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”. Với lời kêu gọi và sự gương mẫu này, chỉ trong vài tháng, Nhân dân cả nước đã đóng góp hàng vạn tấn gạo để cứu đói.
Xây dựng chính quyền, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thông qua các tiêu chuẩn đạo đức là mối quan tâm suốt đời của Bác. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại trong những năm đầu “nước sôi lửa bỏng”, nền độc lập của dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc” cũng đủ để chúng ta chiêm nghiệm, liên hệ từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ ra những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Các biểu hiện đó là cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỉ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo điều này: “Nhiều năm qua, những hiện tượng cán bộ, đảng viên sa sút phẩm chất, thoái hóa có chiều hướng gia tăng và ngày càng nghiêm trọng... Đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng chân chính hết sức bất bình trước những hiện tượng đó và lo ngại về sự xói mòn bản chất cách mạng và truyền thống tốt đẹp của Đảng”. Sự lo lắng của người lãnh đạo cao nhất của Đảng cũng là mối quan tâm chung của hàng triệu đảng viên, quần chúng Nhân dân và những người quan tâm đến vận mệnh dân tộc.
79 năm - một chặng đường đầy gian nan và đang khởi sắc, đòi hỏi mọi cán bộ, đảng viên của hệ thống chính trị, của cơ quan lập pháp, tư pháp, hành pháp, từ việc xây dựng pháp luật đến thực thi pháp luật tiếp tục thực hiện nghiêm túc Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; gắn với cải cách hành chính, tăng cường tính hiệu lực và hiệu quả của bộ máy Nhà nước, duy trì có nền nếp và nâng cao chất lượng các chế độ sinh hoạt lãnh đạo, sinh hoạt học tập, sinh hoạt tự phê bình, phê bình của các chi bộ trong toàn Đảng; chăm lo giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao ý thức phục vụ Nhân dân, nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân góp sức, góp tài xây dựng và bảo vệ đất nước.
Đó chính là sự trong sáng và dũng cảm của Đảng, tạo sự gắn bó mật thiết giữa Đảng và quần chúng cách mạng.
Rất nhiều lần Bác Hồ nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Làm cách mạng, khi phạm phải sai lầm, điều đáng sợ là không thấy sai, điều đáng lo là biết sai mà không chịu sửa, không tìm được cách để sửa đổi cho tốt. Để sửa đổi cho tốt phải biết tự chỉnh đốn, thường xuyên tu dưỡng và lắng nghe ý kiến quần chúng...”.
Chính vì vậy, cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp Nhân dân nên học tập tư tưởng xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm đầu cách mạng; lấy giá trị đạo đức của Hồ Chí Minh để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nêu cao khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và gìn giữ truyền thống đạo đức của dân tộc.