Nôn nao hoa Tết ở miền Trung
Nhịp sống văn hóa 01/01/2021 08:00
Nước mắt ở vùng hoa
Trồng hoa Tết là nghề mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình. Năm nay, thời tiết thất thường, bão lũ kéo dài, khiến nhiều loại hoa nở sớm hoặc hư hại nặng. Nước lũ đã rút cách đây hơn một tháng, nhưng hậu quả của nó vẫn hiện hữu trong nhà những người trồng hoa, cây cảnh ở miền Trung. Trên những con đường vào các vùng trồng hoa cảnh, dù sự tất bật vẫn hiện hữu, những nỗi lo về thất bát của vụ hoa Tết vẫn canh cánh trong người trồng hoa.
Ở xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi có hơn 700 hộ trồng hoa Tết, chủ yếu trồng hoa cúc, vạn thọ, ngoài ra có thược dược, hoa hồng. Những trận mưa lũ lớn vừa dứt, người trồng hoa vội vàng dầm mình giữa dòng nước để tạt nước "tắm" cho những thân hoa lấm lem bùn đất. Não ruột vì những chậu hoa được chăm bẵm cả năm với bao mồ hôi, nước mắt, nay "tàn" theo dòng lũ, “còn nước còn tát”, họ nỗ lực cứu những hi vọng cuối cùng.
Người trồng chăm sóc hoa cho kịp vụ Tết. |
Mưa lớn kéo dài khiến nhiều diện tích trồng hoa cúc vàng, hoa công nghệ cao phục vụ Tết trên địa bàn TP Đà Nẵng bị hư hỏng gần như hoàn toàn. Hơn 200.000 chậu hoa Tết ở các địa phương thuộc huyện Hòa Vang, quận Cẩm Lệ, quận Ngũ Hành Sơn bị ngập sâu. Gia đình bà Nguyễn Thị Hữu, ở xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang có hơn 500 chậu hoa cúc bị nhấn chìm trong lũ. Lũ vừa dứt, gia đình dốc sức cứu hoa, nhưng hơn 2/3 số chậu hoa vô phương cứu chữa. Nhiều nhà vườn ở thôn Vân Dương 1, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang hư hại đến gần 70%, số còn lại cũng chưa biết có trổ hoa đúng dịp Tết hay không; riêng hoa cúc hư hại đến hơn 30%. Ông Lý Phước Dạng, Tổ trưởng tổ hợp tác hoa Dương Sơn Hòa Châu, xã Hòa Châu cho biết: “Năm nay, không ai mà nghĩ còn mưa lũ lại gây ngập sâu đến thế. Bà con ai nấy đều dồn công sức cho hoa cúc vàng và hoa công nghệ cao phục vụ Tết, giờ thì mất trắng. Bà con đang xuống giống nhưng không biết có kịp thời điểm Tết đến nữa không!”.
Nhiều nông dân trồng hoa và cây cảnh Tết ở Hội An cũng đang lâm vào cảnh trắng tay vì mưa lũ, thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Lũ dâng cao, hầu hết các vựa trồng hoa lớn của Hội An đều ngập úng, hoa chết rất nhiều. Trong cơn mưa tầm tã, người trồng hoa đứng trên bờ bất lực nhìn hoa chìm trong nước.
Ông Nguyễn Thêm, ở phường Cẩm Phô, TP Hội An cho biết: “Sau cơn lũ vừa rồi rất nhiều chậu hoa trong vườn bị ngập úng hư hại nên tôi chỉ còn bám víu vào số hoa còn lại. Tuy nhiên với thời tiết như hiện nay thì rất lo, chỉ mong sao những ngày tới trời nắng ấm thì mới hi vọng”.
Những ngày này dạo quanh các vườn hoa Hội An dễ dàng nhận thấy không khí khẩn trương của các chủ vườn, ai cũng tất bật chăm chút những chậu hoa mong kịp Tết. Nhiều người trồng hoa cho biết, chưa năm nào thời tiết khắc nghiệt và khó lường như năm nay, sau lũ lụt là mưa lạnh liên tiếp, trong khi hoa lá rất dễ bị bệnh khi thời tiết thay đổi.
Một người trồng hoa tại Hội An cho biết, trung bình mỗi héc-ta trồng khoảng 200.000 cây cúc, mỗi cây 3.000 đồng, mỗi vụ Tết ước tính tổng thu được cả tỉ đồng. Nhưng năm nay, bà con mất trắng toàn bộ. Đến thời điểm này, bình quân mỗi sào hoa cúc cũng đã đầu tư khoảng 7-8 triệu đồng. Mỗi hộ khoảng vài sào, chăm bón cả mấy tháng nay, nhưng lũ ngập hết đã khiến người trồng hoa phải làm lại từ đầu.
Tranh thủ những ngày thời tiết nắng lên, người dân trồng hoa đang hối hả, tất bật chạy đua với thời gian để chăm sóc, vun trồng với mong muốn hoa nở đúng dịp Tết Nguyên đán.
Tại thủ phủ mai vàng miền Trung (xã Nhơn An, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định), mưa bão liên tục cuối tháng 10 và tháng 11, nhiều vườn mai bị chìm trong nước lũ, nay nhiều cây đã rụng lá và nở hoa lác đác, dù còn cách Tết Nguyên đán gần 2 tháng. Mỗi năm, người trồng mai chỉ chờ đợi vào những ngày giáp Tết, nhưng năm nay hoa nở sớm, không bán được. Coi như mất Tết!
Các vựa hoa ở các xã Phú Thượng, Phú Mẫu của huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng rơi vào cảnh khốn đốn, khi mưa lũ đã nhấn chìm, làm hư hại hoàn toàn.
Hi vọng, nhưng vẫn nhờ…trời…
Hình ảnh người dân chật vật ôm từng chậu hoa vượt lũ trong nước mắt. Vì bị ngập sâu nên nhiều chậu hoa lá úa, trơ rễ, héo rụi dần. Sau đó, người nông dân lại phấp phỏng lo âu khi hoa bị sâu hại, trằn trọc hằng đêm để chăm sóc… Đó là những hình ảnh hết sức đau lòng. “Người muốn nhưng trời không chiều, thiên nhiên không ưu đãi thì đành phải chịu. Ai chống được ông trời?”, một người trồng hoa ở Hội An ngậm ngùi nói, rồi nhìn số hoa kiểng đã hư hỏng nặng của mình.
Ông Lê Hai, một chủ vườn mai tại Đà Nẵng cũng đứng ngồi không yên. Dù đã dự đoán tiết lạnh sẽ bất lợi cho vườn mai, ông đã tuốt lá sớm hơn mọi khi, nhưng những cành mai vẫn trơ ra trước giá lạnh. "Nông dân làng hoa chúng tôi bỏ công bỏ sức chăm cho lứa hoa phục vụ Tết, nhưng xem ra tình hình không mấy sáng sủa. Đó là chưa kể hàng trăm chậu mai của khách hàng kí gửi chăm sóc suốt năm. Tiền chăm mai đã nhận trung bình 1-2 triệu đồng/chậu/năm, giờ không biết ăn nói sao với khách”, ông Hai lo lắng.
Đợt cắt tỉa cành quất cuối cùng của nông dân để nhường chất cho quả chín đều vào Tết |
Ở nhiều vùng trồng hoa của Quảng Ngãi, Đà Nẵng thời điểm này các năm trước, nhiều thương lái đã đến đặt hàng, nhưng hiện nay chưa có tín hiệu gì khiến nhà vườn đứng ngồi không yên. Để chuẩn bị cho mùa hoa Tết, nhiều gia đình đã thế chấp cả sổ đỏ vay ngân hàng mua giống, phân bón… về trồng hoa.
Tác động của mưa lũ, cộng thêm với đó là những tác động không mong muốn từ dịch Covid-19, khiến nhà vườn trồng hoa ở miền Trung dự đoán trước một cái Tết kém vui, phần lớn các hộ trồng hoa đều e dè, vừa sợ mất mùa, vừa lo không bán được nên trồng số lượng ít hơn năm ngoái. Cố gắng lắm cũng chỉ vớt vát được số ít hoa còn lại nhưng hoa èo uột. Họ chỉ hi vọng gần Tết giá hoa lên cao để gỡ gạc chút ít vốn liếng.
Theo những người trồng hoa, nếu may mắn và thời tiết thuận lợi từ giờ tới cận Tết thì cũng chỉ hi vọng giữ khoảng 50% số hoa kiểng. Để có được những mẫu hoa ưng ý, cung cấp ra thị trường Tết Nguyên đán, thì cuối tháng 11 âm lịch được xem là thời điểm quan trọng nhất, quyết định sự thành công hay thất bại của cả vụ hoa. Thế nhưng thời tiết không thuận lợi đang khiến các hộ trồng hoa ngao ngán, bất an.
Ông Lý Phước Dạng cho biết: “Đợt mưa kéo dài đã hư một số cây, úng thân, sau quá trình chỉnh sửa, phòng bệnh phun thuốc đã ổn định để có thể phục vụ Tết. Nếu thời tiết nắng thuận lợi thì khả quan hơn. Năm trước hoa cúc đóa bán được giá hơn, năm nay có khả năng giá sẽ tăng, do ngày công lao động tăng, phân bón và thuốc đã tốn kém nhiều để chăm sóc hoa sau mưa lũ.
Nhiều nhà vườn đang hối hả phun thuốc kích thích để hoa gượng dậy sau đợt mưa lũ kéo dài. Tuy nhiên, theo một số chủ vườn, dù phun thuốc thì tình hình vẫn không mấy khả quan, vì trời lại đổ mưa khiến cho sâu bệnh phát triển nhanh, nhiều khi tốn thêm chi phí đầu tư nhưng lại khó thu được vốn.
Với người trồng hoa Tết, mỗi vụ hoa đều xen lẫn niềm vui, nỗi buồn. Thành công năm nay chưa chắc đã là bảo chứng cho năm sau.