Nông dân Nam Bộ vào mùa Tết
Đời sống 04/12/2024 09:36
Ông Nguyễn Minh Được, 60 tuổi, ở xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang trồng 500 cây vạn thọ trong vườn, đang chọn riêng 100 cây lên chậu cho biết: “Năm nào cũng vậy, tôi bày hoa trước nhà cho người dân biết hoa tự trồng, chứ không phải mua đi bán lại. Từ lúc này, tôi coi như bán hoa Tết, chất lượng ra sao đến vụ tiếp vẫn y như vậy. Khách mua lẻ hay sỉ đều được, kiểm tra chậu cây kĩ lưỡng, giá chào hàng thơm thảo để tạo mối quen”.
Thời điểm này, hơn 3.100 chậu cúc pha lê và cúc mâm xôi của ông Trung Dân, 61 tuổi, ở thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang đã lên dàn đèn chiếu. “Dàn hoa được tỉa cành để tạo thế sum suê hơn, ban đêm lên đèn sáng trưng cả vườn, ai cũng đến hỏi thăm. Trồng trọt mùa nào cũng lệ thuộc phần nhiều thời tiết, sâu bệnh, đến ngày giao hàng cho thương lái đâu vào đó, tôi mới dám thở phào nhẹ nhõm. Thành ra, ngày nào tôi cũng cặm cụi trong vườn, ngắm nghía từng cây hoa, xem xét tới đâu chăm sóc tới đó, không dám nhận kinh nghiệm hơn ai để chia sẻ”, ông Dân chia sẻ.
Nông dân chuẩn bị sản xuất phục vụ mùa Tết. |
Nhiều nông dân trồng hoa cho biết, giá hoa giống năm nay tiếp tục tăng, cộng với thời tiết không thuận lợi, gây khó khăn cho việc chăm sóc. Dự kiến, một số loại khó trồng và tốn kém chi phí sẽ điều chỉnh cao hơn chút đỉnh. Để hoa nở đúng dịp Tết, phải nắm rõ thời gian sinh trưởng của từng loại, rồi xuống giống lúc thích hợp. Bên cạnh đó, việc tỉa cành, chiếu đèn, bón phân, tưới nước hằng ngày cũng phải đúng kĩ thuật, theo dõi và “hiểu” được tình trạng của cây để tăng, giảm phù hợp.
Các loại cây màu có thời gian sinh trưởng ngắn hơn, mùa này mới bắt đầu phủ xanh trên cánh đồng. Ở xóm ươm giống cây trồng xã Phú An, huyện Phú Tân, hơn 30 hộ theo nghề đang tăng số lượng ươm theo yêu cầu của thị trường. Ông Hồng Gương, ở ấp Phú Bình cho biết, các hộ theo nghề này lâu năm do ít có đất sản xuất, tận dụng sân trước nhà, sau hè để kiếm thu nhập. Có hộ xem là nghề phụ, có hộ đã gắn bó đến chục năm nhờ phát triển thêm. Từ nghề này, hộ sản xuất ít nhất cũng kiếm được 4 - 5 triệu đồng/tháng. Phục vụ nông dân xuống giống mùa Tết, nơi đây cung ứng tăng số lượng gấp 2 - 3 lần so các tháng bình thường trong năm. Thị trường cũng không giới hạn, mà theo chân thương lái phân phối đến nhiều tỉnh. Cao điểm mùa sản xuất còn tạo thêm việc làm cho lao động nhàn rỗi, nhất là phụ nữ, vì ưu tiên sự kiên nhẫn, tỉ mỉ.
Nông dân trồng hoa cung cấp cho thị trường. |
Tết Nguyên đán năm nay đến sớm, các vùng chuyên canh rau màu xuống giống sớm hơn nửa tháng. Theo bà Lê Thị Thảo, 62 tuổi, ở xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, mỗi năm bà con gieo trồng các loại khác nhau, chứ không theo thói quen cố định. Rút kinh nghiệm mấy năm trước, củ cải trắng bán được giá, nhiều hộ đổ xô trồng, đến thời điểm cuối năm giá rớt thê thảm.
Hiện nay, nông dân vừa thăm dò thị trường, vừa nắm bắt từ người cùng nghề trong vùng, người khác đã trồng loại nào thì người sau né loại đó, hoặc giảm số lượng, tránh thời điểm thu hoạch bị “dội chợ” do cung vượt cầu. Ngoài sản xuất theo truyền thống, hiện nay rất nhiều nông dân tận dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật để làm nông khỏe hơn, sạch hơn, giúp đầu ra nông sản có giá bán cạnh tranh. Họ đầu tư hệ thống tưới tự động, lên nhà lưới, học hỏi kĩ thuật tự nhân giống để giảm chi phí, nhân công…
Còn khoảng 2 tháng đến Tết Nguyên đán, tạm gác chuyện thu nhập, đồng lãi ra sao, nông dân chỉ mong mưa thuận gió hòa để mùa màng thuận lợi. Nhiều năm liên tục kể từ khi dịch bệnh ảnh hưởng đến đời sống, bài toán chi tiêu ngay cả trong dịp Tết cũng dè chừng hơn. Nông dân “một nắng, hai sương” vẫn cần mẫn chăm chút cho từng mảnh vườn với bao tâm huyết, kì vọng thành quả của mình đến tay khách hàng thuận mua, vừa bán, để ai cũng vui vẻ đón Tết.