Những kiến nghị về thực trạng bộ máy và cán bộ cơ sở hiện nay
Nghiên cứu - Trao đổi 04/06/2024 10:34
Do xác định vai trò, vị trí của cấp cơ sở là rất quan trọng để thực hiện: Tuyên truyền phổ biến mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước hướng dẫn, động viên Nhân dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; bảo đảm an ninh trật tự; vệ sinh môi trường; phòng chống thiên tai dịch bệnh; chống các tệ nạn xã hội; xây dựng đoàn kết cộng đồng dân cư; giải quyết các vướng mắc của dân; nắm và phản ánh mọi nguyện vọng tâm tư của dân lên cấp trên …Vì thế Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương, chính sách (thậm chí ghi trong Hiến pháp) để tổ chức bộ máy, lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ. Đồng thời đầu tư xây dựng công sở, hạ tầng cơ sở, mua sắm các phương tiện, tài liệu… nhất là những năm gần đây đã thực hiện chế độ công chức, viên chức và khung bậc lương. Mặt khác mỗi lần tổ chức bầu cử HĐND, phải chi phí công sức, tiền của khá tốn kém. Tuy nhiên do nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong đó có sự phát triển mau lẹ, đa dạng, thậm chí phức tạp ở cơ sở nhưng lại thiếu sự nghiên cứu để thay đổi, nên bên cạnh những ưu điểm như: Cơ sở vật chất được quan tâm, cải cách hành chính để phục vụ Nhân dân có nhiều tiến bộ, việc lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ được nâng lên khá rõ nét nên trình độ am hiểu chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước nhất là trình độ học vấn (kể cả tin học, ngoại ngữ) quản lí Nhà nước… khác nhiều so với trước đây.
Ảnh minh họa |
Song bên cạnh đó cũng còn nhiều tồn tại như: Tuy có đủ các chức danh chuyên môn, nghiệp vụ đoàn thể chính trị- xã hội và lực lượng công an chính quy… nhưng dưới cấp này còn nhiều tầng, nhiều đầu mối như: Dưới xã lại có các thôn, bản. Dưới thôn, bản lại có các làng, xóm, ấp… Hoặc dưới phường, thị trấn lại có các tổ dân phố, khu dân cư. Dưới khu dân cư, tổ dân phố lại có các tổ liên gia, các đường, ngõ, cụm dân cư… Do đó cấp xã thực sự là trung gian (gần giống cấp huyện) chỉ không có các phòng, ban mà thôi! Còn thôn, bản, tổ dân phố mới là nơi trực tiếp mọi việc với dân, kể cả các loại thu, trong đó có thu thuế, rồi chứng thực việc đi lại, cư trú của công dân, thậm chí còn nhận xét cả đảng viên là công chức nhà nước… nên nhiều người dân, trong đó có cả cán bộ gọi là “cấp thôn”! Cũng vì thế mà cán bộ xã, phường, thị trấn đương nhiên thành quan liêu, xa rời dân, nhất là không ít cán bộ chủ chốt về Đảng, chính quyền, đoàn thể rất ngại tiếp xúc với dân, nên dù làm tới hai, ba nhiệm kì nhưng dân không biết mặt (mặc dù là mình bầu ra). Do vậy, không ít vụ việc xảy ra trong dân đã không nắm được kịp thời để giải quyết hoặc giải quyết nhưng không đúng thực chất, không khách quan, trung thực mà gây nhiều bức xúc trong đảng viên, cán bộ và Nhân dân dẫn đến tình trạng kéo nhau đi khiếu nại, tố cáo đông người đến các cấp, trong đó có những vụ việc kéo dài hàng chục năm, vài chục năm đến nay vẫn không giải quyết được!
Về phong cách làm việc, hiện hầu hết cán bộ, công chức đến công sở (số đông bằng ô tô) là vào phòng khép cửa, pha trà, café,… xong ngồi vào trước máy tính, trong đó không loại trừ để xem các trang mạng với đủ thứ “thầm kín”, thậm chí xấu, độc! Còn nếu cần gì thì bấm điện thoại di động hoặc điện thoại bàn rồi ghi chép lại coi đó là “tư liệu” để khi cần là phản ánh báo cáo, sơ, tổng kết. Cứ như vậy ngày này qua ngày khác gần đúng nghĩa: “Sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.
Hoặc có nơi đến giờ làm việc nhưng cấp trên xuống kiểm tra đột xuất thì chưa ai có mặt. Nhất là việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở còn tồn tại nhiều khuyết điểm khá nghiêm trọng ở nhiều nơi, nên đã gây ra bức xúc trong Nhân dân. Đặc biệt hơn, là không ít cán bộ cấp này đã móc ngoặc với cán bộ cấp trên hoặc cán bộ thôn, bản, tổ dân phố để cũng thu đất, chia đất, bán đất, cho thuê đất sai thẩm quyền làm giàu bất chính gây bất bình trong Nhân dân nên đã bị kỉ luật hành chính, thậm chí bị xử tù hàng chục năm… Mặt khác cũng có hiện tượng chạy chức, chạy quyền, cục bộ, bè phái, đưa con cháu, người thân vào các vị trí quan trọng gọi là “ngon ăn” của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhằm vụ lợi, tham nhũng ở địa phương!
Để khắc phục thực trạng về bộ máy và cán bộ cấp cơ sở hiện nay, xin đề nghị đề xuất với Đảng và Nhà nước như sau:
1. Rất cần làm cho bộ máy cơ sở gọn nhẹ, hiệu quả, trong đó nên bỏ HĐND, vì thực tế cả 3 chức năng: Quyết định, giám sát, động viên đều vô cùng hạn chế, thậm chí chỉ là “hữu danh vô thực”! Bởi bỏ HĐND, chính quyền cơ sở không yếu đi mà ngược lại hoạt động thông thoáng hơn, nhất là giảm được chi phí ngân sách!
2. Phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng chức danh cán bộ, công chức, viên chức để phân công nhiệm vụ phù hợp, thống nhất. Từ đó, khi kiểm tra xem xét đánh giá kết quả công việc được chính xác, nhất là tính gương mẫu, phẩm chất, phong cách, năng lực, uy tín của người đứng đầu, để quy tụ đoàn kết trong Nhân dân.
3. Cần căn cứ vào đặc điểm như: Diện tích, dân số, tình hình cán bộ, an ninh trật tự xã hội, phong tục tập quán, trình độ dân trí, đời sống,… mà phân bổ số lượng cán bộ nhưng chỉ nên từ 8, tối đa là 10 chức danh chuyên môn nghiệp vụ, còn thì bố trí kiêm nhiệm. Đặc biệt phải quy định thành chế độ hằng ngày, hàng tuần, hằng tháng cán bộ cấp này phải xuống kiểm tra đôn đốc thôn, bản, tổ dân phố.
4. Nên bổ nhiệm cán bộ có thời hạn (3 hoặc 5 năm) và giữa nhiệm kì là lấy tín nhiệm trong nội bộ và Nhân dân để sử dụng tiếp hoặc thôi. Việc làm này bắt buộc cán bộ phải tự rèn luyện tu dưỡng về mọi mặt, nếu không sẽ bị loại bỏ. Mặt khác phải thực hiện tốt chế độ đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng về mọi mặt phẩm chất năng lực chuyên môn để đạt được “vừa hồng vừa chuyên” trong công tác cán bộ ở cơ sở.
5. Thường xuyên đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời tăng cường kiểm tra đôn đốc của cấp trên với cấp dưới. Nếu làm được như vậy, chắc chắn bộ máy, cán bộ nói chung và ở cơ sở nói riêng sẽ mang lại lợi ích to lớn cho đất nước; đạt được mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.