Nhóm thiếu niên “xin mấy chục” có dấu hiệu vi phạm tội gì?
Pháp luật - Bạn đọc 20/03/2024 10:26
Theo cơ quan chức năng, rạng sáng 15/3/2024, Đặng Lưu Gia V., Cao Nguyễn Hồng T., Phùng Cẩm Đ., Lê Thanh T. (cùng 15 tuổi, ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) và một số đối tượng khác mang theo phóng lợn tự chế lượn lờ đầu phố Lê Lợi (quận Hà Đông) để tìm “con mồi”.
Thấy nam thanh niên đi xe máy một mình, nhóm đối tượng chặn đầu xe, dùng hung khí đe dọa để cướp tài sản.
Nhóm thanh niên này ép nạn nhân mở cốp xe, bắt đưa tiền. Khi nạn nhân nói không có tiền mặt và chỉ có thể chuyển khoản, các đối tượng hét lớn: “Không có tài khoản”, “chỉ xin mấy chục thôi” rồi bỏ đi.
Toàn bộ diễn biến vụ việc được camera an ninh quay lại và đăng tải lên mạng xã hội. Tại trụ sở điều tra, 4 đối tượng khai nhận còn thực hiện nhiều vụ cướp tài sản khác.
Nhóm thanh niên uy hiếp lấy tiền được Camera an ninh quay lại và đăng tải lên mạng xã hội. |
Cụ thể, rạng sáng 14/3/2024, nhóm thiếu niên trên cướp một xe máy của anh N.Đ.C. trên đường Lĩnh Nam, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.
Trước đó rạng sáng 5/3/2024, các đối tượng cướp xe máy của 3 thanh niên khác ở quận Đống Đa. Cũng trong đầu tháng 3, nhóm nghi phạm dùng phóng lợn truy đuổi 2 thanh niên để cướp xe khiến nạn nhân bị ngã.
Dưới góc độ pháp lí, TS. luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, những gì thể hiện qua clip cho thấy các đối tượng này rất manh động, coi thường pháp luật và đe dọa đến tính mạng của nạn nhân. Hành vi dùng vũ lực uy hiếp tinh thần của nạn nhân nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi cướp tài sản.
Theo khoa học pháp lí, cướp tài sản là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của nạn nhân làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Hành vi cướp tài sản không chỉ xâm phạm đến quyền sở hữu hợp pháp tài sản của công dân mà còn đe dọa xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân. Đặc biệt, hành vi cướp tài sản liền một lúc xâm phạm đến nhiều khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ, trong đó có tính mạng, sức khỏe của công dân và quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân.
Trong trường hợp hành vi dùng vũ lực để cướp tài sản gây ra thương tích cho nạn nhân hoặc khiến nạn nhân tử vong, đối tượng phạm tội sẽ bị xử lí ở các khung hình phạt tăng nặng, có mức hình phạt cao hơn. “Trong vụ việc này, hành vi của các đối tượng là sử dụng vũ lực để uy hiếp tinh thần của nạn nhân, mục đích để chiếm đoạt tài sản nên hành vi này thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội danh “Cướp tài sản” được quy định tại Điều 168 Bộ luạt hình sự.
Tội cướp tài sản có cấu thành hình thức, chỉ cần đối tượng thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc với mục đích để chiếm đoạt tài sản là cấu thành tội phạm, không phụ thuộc vào việc đối tượng đã chiếm đoạt được tài sản hay chưa. Pháp luật cũng không đòi hỏi hậu quả xảy ra nên dù số tiền rất nhỏ chỉ “vài chục nghìn đồng” theo yêu cầu của các đối tượng, hành vi này vẫn phạm tội.
Ngoài ra, bước đầu đã xác định các đối tượng phạm tội nhiều lần nên có thể xác định là phạm tội có tổ chức, sử dụng vũ khí, phương tiện, thủ đoạn nguy hiểm. Do đó, “nếu bị chứng minh có tội, hình phạt các đối tượng có thể phải đối mặt rất nghiêm khắc”, luật sư Cường phân tích.
Tuy nhiên, theo vị Tiến sĩ luật, trong vụ việc này, một số đối tượng là người dưới 18 tuổi phạm tội nên có thể được áp dụng chính sách về người dưới 18 tuổi phạm tội. Theo đó hình phạt sẽ bằng 3/4 mức hình phạt đối với những người đã thành niên. Còn những người từ 18 tuổi trở lên sẽ không hạn chế bởi việc áp dụng pháp luật nên sẽ phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc.