Kiến trúc độc đáo đình, chùa, thánh đường của các dân tộc

Văn hóa - Thể thao 28/01/2025 08:04
![]() |
Tác giả (thứ nhất phải) và đồng đội thăm thành cổ Quảng Trị. |
Ngày 27/1/1973, Hiệp định Pa-ri được kí kết, buộc quân đội Mỹ phải rút khỏi chiến trường miền Nam. Hai bên ta và địch đã tiến hành trao trả tù binh chiến tranh bên bờ sông Thạch Hãn vào tháng 4/1973. Những tháng đầu năm 1973 cũng là thời gian Nhân dân vùng giải phóng, lực lượng du kích và các đơn vị bộ đội đang chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị háo hức chuẩn bị đón Tết Quý Sửu 1973 - Tết giải phóng đầu tiên trên quê nhà. Các đại đội pháo binh đón Tết ngay tại trận địa để sẵn sàng chiến đấu đánh chặn quân địch vi phạm hiệp định cắm cờ lấn đất. Cơ quan tiểu đoàn bộ chia làm 2 bộ phận tổ chức đón tết đón Xuân tại khu vực hậu cứ và khu vực chỉ huy tác chiến để trực chiến luôn trong tư thế sẵn sàng đánh địch khi có lệnh của sư đoàn. Bộ phận chỉ huy tác chiến đóng ở làng Tả Hữu, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong nằm dọc bờ phía tây bắc sông Thạch Hãn, giáp gianh với vùng địch chiếm do tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Thuận và chính trị viên phó tiểu đoàn Trương Hữu Đương trực tiếp chỉ huy. Ở bộ phận hậu cứ phía sau tại làng Hà Xá, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong do chính trị viên Nguyễn Hữu Thị và tiểu đoàn phó Vương Căn trực tiếp chỉ huy. Tiểu đoàn lệnh cho bộ phận hậu cần nhận đủ khẩu phần ăn tươi cho bộ đội tối 30 Tết và 4 bữa chính trong ngày mồng 1 và 2 Tết theo sự phân bổ của hậu cần sư đoàn, đồng thời tăng cường công tác dân vận để có thêm nguồn thực phẩm bổ sung trong ngày mồng 3 Tết.
Với tôi, đây là lần thứ hai đón Tết xa nhà (lần đầu đón Tết Nhâm Tý 1972, tại nơi huấn luyện ở xã Minh Đức, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) nhưng lại là lần đầu tiên đón Tết ở mặt trận, ngay trên vùng đất mới cách đây ít ngày còn là chiến sự vô cùng ác liệt nên sự thiếu thốn về vật chất không có nhiều ý nghĩa mà quan trọng là tinh thần được thoải mái, tâm trạng đầy hứng khởi.
Phân công nhau mỗi người mỗi việc theo năng khiếu của mỗi người, trong đó có bộ phận biên tập ra báo tường số đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Quý Sửu 1973 và phần đông tập trung vào việc cắt khẩu hiệu, làm cây hoa trang trí căn nhà bán âm có sức chứa khoảng 40 người, phục vụ đón giao thừa. Bộ phận thông tin, máy nổ lo sạc ác-quy có đủ cơ số bảo đảm ánh sáng cho căn hầm âm… Mọi thứ đã được chuẩn bị khá đầy đủ trước bữa ăn tươi tối 30 Tết. Dưới lá cờ nửa đỏ nửa xanh, ở giữa là ngôi sao vàng 5 cánh của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và ảnh chân dung Bác Hồ là dòng chữ cắt giấy tô màu đỏ: “Chúc mừng năm mới Quý Sửu 1973”. Trên bàn đóng ghép từ những mảnh gỗ vỏ thùng đạn cối 120li phủ tấm dù pháo sáng có một bó hoa rừng sặc sỡ cắm vào vỏ đạn lựu pháo 105li và bên cạnh là một cành cây to dán hoa đào cắt giấy phục vụ cho chương trình “Hái hoa dân chủ” đêm 30 Tết.
![]() |
Tác giả (thứ nhất trái) và đồng đội tại Quảng Trị |
Đúng Giao thừa, mọi người hân hoan đón nhận lời chúc Tết của chính trị viên phó tiểu đoàn, lời chúc Tết của đại diện lãnh đạo đại đội du kích xã và sau đó là chương trình “Hái hoa dân chủ”, ai cũng được ngắt một “bông hoa” và thực hiện yêu cầu nội dung của “bông hoa” ngắt được, kể cả chỉ huy tiểu đoàn và đại diện chỉ huy đại đội du kích xã. Người hát, người ngâm thơ, người kể những câu chuyện vui, những kỉ niệm về Tết ở quê nhà… Tiếng đàn măng-đô-lin xen lẫn những tiếng hát, lời thơ tạo nên một không khí vui tươi, ấm cúng, chan hòa tình thân ái làm cho mỗi người quên đi nỗi nhớ nhà. Lại càng vui hơn khi đoàn đại biểu du kích xã toàn là các chị em nữ duyên dáng, rắn rỏi nên hình như cánh lính trẻ có cuộc đua ngầm để tranh thủ cảm tình và sự chú ý của chị em.
Đúng 2 giờ sáng, buổi đón Giao thừa kết thúc và ca 1 đổi gác cho ca 2 với tinh thần “Đón Xuân nhưng vẫn không bị động trước kẻ thù“. Sáng mồng 1, mọi người chưa kịp chúc Tết thì nhận được lệnh của tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Thuận cấp tốc triển khai đài quan sát trên cao điểm 41, tại tọa độ X, thông báo ngay các phần tử bắn cho trận địa pháo để sẵn sàng bắn yểm trợ cho một đơn vị bộ binh trên chốt ở cao điểm Y. chống địch nống lên lấn chiếm và ngày mồng 2 Tết bắn đánh chặn địch ở khu vực thôn Tích Tường, Như Lệ,…
Năm đầu tiên đón Tết tại chiến trường Quảng Trị của những người lính trẻ chỉ diễn ra trọn vẹn trong đêm Giao thừa. Nhưng như thế cũng đã là đủ trong việc động viên tinh thần người lính, giúp đám lính trẻ chúng tôi hiểu được những nỗi gian lao, hi sinh vất vả của những chiến binh nơi chiến trường. Đồng thời cũng hiểu rằng, nỗi gian lao hi sinh vất vả không chỉ những người lính phải chịu đựng vượt qua mà còn cả những người dân hiền lành vô tội cũng phải rời xa quê hương bản quán tạm đón Tết ở một vùng miền nào đó, không được đón Tết ở tại quê nhà.
Đặc biệt là những nữ du kích mảnh mai nhưng cũng đã dẻo dai bền bỉ vượt qua những nỗi đau mất mát, đứng vững nơi chiến trường ác liệt, sẵn sàng chiến đấu hi sinh bảo vệ quê hương. Sức chịu đựng trong cuộc sống chiến đấu kham khổ và hình ảnh những nữ du kích kiên cường, dũng cảm đã động viên chúng tôi tạm quên những Tết xa nhà, cùng toàn quân, toàn dân quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, để làm nên những mùa Xuân hạnh phúc đất nướcn