Nhiều ý kiến đồng thuận với GS.TS Thái Văn Thành về việc biên soạn sách giáo khoa
Giáo dục 06/11/2023 15:39
Theo đại biểu Thái Văn Thành, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 triển khai đến nay có thể nói là thành công, đi theo xu hướng phát triển nền giáo dục khai phóng. Trao đổi quan điểm về việc liệu Bộ GD&ĐT có nên biên soạn một bộ sách giáo khoa hay không, vị đại biểu đoàn Nghệ An cho rằng, Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội và Luật Giáo dục đã quy định việc thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa. Năm 2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 122, trong đó nêu rõ: "Khi thực hiện biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một sách giáo khoa được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách Nhà nước của môn học đó”. Luật Giá (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 cũng đã đưa sách giáo khoa vào danh mục quản lý giá. Giáo sư Thái Văn Thành cho rằng, Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 thực hiện đến năm học 2024-2025 là hết chu trình đầu tiên. Như vậy, chỉ còn một năm học nữa để Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung phê duyệt, thẩm định bộ sách giáo khoa các năm học lớp 9 và 12 đảm bảo chất lượng, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn. Theo đại biểu, sau thực hiện hết chu trình đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD&ĐT nên nghiêm túc đánh giá, rà soát hoàn chỉnh chương trình, bộ sách giáo khoa.
GS.TS Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT, Đoàn Đại biểu Quốc hội Nghệ An phát biểu tranh luận tại phiên thảo luận chiều ngày 1/11 tại hội trường Quốc hội. |
Đại biểu Thái Văn Thành cũng cho rằng, Bộ GD&ĐT không nên tham gia biên soạn sách giáo khoa cho tất cả các môn học, mà chỉ với một số môn học đặc thù, Bộ mới cần giữ vai trò chủ đạo. “Các môn học thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ không nhất thiết Bộ Giáo dục và Đào tạo tham gia biên soạn sách giáo khoa vì đây là các môn học tri thức, chân lý của nhân loại”, đại biểu nêu quan điểm. Thay vào đó, Bộ GD&ĐT có thể cân nhắc biên soạn một số môn học khoa học xã hội để đảm bảo giữ vai trò chủ đạo của Bộ trong việc định hướng giá trị lý tưởng, đạo đức cách mạng cho học sinh, đồng thời biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc và sách cho học sinh khiếm thị để đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục.
GS.TS Thái Văn Thành có gần 30 năm giảng dạy, quản lý giáo dục và nghiên cứu khoa học ở Đại học Vinh sau giữ chức Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An có nhiều kinh nghiệm về giáo dục. Phát biểu của ông ở tầm vĩ mô nên cũng có ý kiến chưa đồng thuận. Tuy nhiên theo tìm hiểu đa số các giáo viên đang công tác trong ngành và các giáo viên nghỉ hưu đều đồng thuận với quan điểm của GS.TS Thái Văn Thành.
Cô Võ Thị Hương, Trường Mần non Thanh Khai (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An- một người đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi trực tuyến của Trung ương tổ chức nói: Theo quan điểm của tôi và các giáo viên khác đều đồng tình: Bộ GD&ĐT không nên tham gia biên soạn sách giáo khoa cho tất cả các môn học, mà chỉ với một số bộ môn học đặc thù. Còn cô Nguyễn Thị Hải, giáo viên lớp 1 Trường Tiểu học Nghi Phú 2 (TP. Vinh) đã có 7 năm tham gia dạy lớp 1 trong đó có 4 năm dạy theo chương trình cải cách 2018 nói: Các môn học thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ không nhất thiết Bộ phải tham gia biên soạn. Riêng môn Tiếng Việt, sách giáo khoa lớp 1, chương trình cải cách cô Hải góp ý "Chương trình Tiếng Việt lớp 1 phần âm đi quá nhanh, mỗi ngày 2 âm, 5 tuần các cháu phải nhớ hết chữ cái, các cô rất vất vả nên phần này hơi nặng, còn lại thì ổn.
Thầy Lê Văn Thành, Hiệu trưởng Trường THPT Đặng Thái Mai (Thanh Chương) chia sẻ: Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm của GS.TS Thái Văn Thành, Bộ GD&ĐT chỉ nên tham gia biên soạn một số môn khoa học xã hội như Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân để góp phần định hướng nhân cách học sinh, lòng yêu nước và lịch sử của dân tộc. Các môn thuộc lĩnh vực tự nhiên, công nghệ không nhất thiết Bộ tham gia vì đây là các môn trí thức, chân lý của nhân loại. Thầy Cù Nguyên Long, giáo viên dạy Văn Trường THPT Quỳnh Lưu 1 (hiện đã nghỉ hưu) thì cho rằng: Là người có gần 40 năm dạy Văn cấp 3 tôi thấy các môn đặc thù thuộc khoa học xã hội Bộ GD&ĐT cần phải tham gia biên soạn và giữ vai trò định hướng cho giáo dục, các môn thuộc lĩnh vực tự nhiên thì cần xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa vì Luật giá (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 cũng đã đưa sách giáo khoa vào danh mục quản lý giá. Thầy Trần Văn Thìn, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Đặng Thúc Hứa (Thanh Chương ) góp ý: Bộ GD&ĐT nên tham gia biên tập sách giáo khoa tiếng dân tộc và sách đặc thù cho người khiếm thị để đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục; là người có gần 40 năm làm quản lý giáo dục tôi hoàn toàn đồng thuận với ý kiến tranh luận của GS.TS Thái Văn Thành.
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên bên hành lang Quốc hội khi cuộc tranh luận về sách giáo khoa đang làm "nóng" nghị trường chiều 2/11, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội ông Nguyễn Đắc Vinh nói: "Việc Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa là thể hiện trách nhiệm của nhà nước. Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội giao cho Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ sách là thể hiện trách nhiệm của nhà nước ở trong vấn đề này. Đoàn giám sát kiến nghị tiếp tục thực hiện việc này chứ không nói rằng Bộ làm một bộ sách thì những tổ chức, cá nhân khác không làm được đâu?. Tôi thấy Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khi giải trình trước Quốc hội cũng không phản đối quan điểm này và thấy đó là việc làm cần thiết. Tới nay chỉ còn 1 năm nữa sẽ hoàn thiện toàn bộ chương trình mới. Khi đó Bộ GD&ĐT sẽ đánh giá và đề xuất phương án cụ thể. Tức là nguyên tắc thì phải giữ nhưng làm thế nào cho tốt thì sẽ phải cân nhắc tình hình thực tiễn".
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng: Cần thay đổi lộ trình thông qua Luật đất đai (sửa đổi) Qua quá trình rà soát tiếp tục phát sinh các vấn đề chính sách mới nên còn nhiều ý kiến khác nhau vì vậy Luật ... |
Bộ trưởng Y tế thông tin, làm rõ về một số vấn đề người dân quan tâm Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội của Kỳ ... |
Tiếp tục tăng cường công tác kiểm toán việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng 6/11, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trình bày Báo ... |