Nhiều dấu hiệu oan sai, cần hội đồng xét xử phiên tòa phúc thẩm xem xét, giải quyết!
Đơn thư bạn đọc 04/05/2021 09:02
Ví trí ông Cường cầm cục đá ném anh Hải và ôm anh Hải vật xuống đất (ảnh thực nghiệm hiện trường vụ án) |
Nội dung vụ việc
Anh Lê Văn Hải trình bày: “Khoảng 10 giờ ngày 27/112016, ông Hoàng Minh Cường và em gái tôi là bà Hà có nói chuyện qua lại với nhau thì ông Cường xông vào hành hung, mẹ tôi đang làm gần đó thấy vậy đi lại cũng bị ông Cường tấn công. Tôi đang trút mủ thấy vậy đi lại can ngăn thì ông Cường cầm đá hành hung tôi, đẩy ngã xuống đất, tôi và ông Cường vật nhau qua lại khoảng 1 phút thì dừng lại. Tôi bị ông Cường tấn công bằng hung khí là cục đá, và chỉ tự vệ bằng tay không, trong tình thế không thể không tự vệ nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mình đang bị đe dọa.
Sau khi ông Cường đánh tôi và vật nhau với tôi xong, mặc dù cả hai bên không gây thương tích nghiêm trọng gì nhưng ông Cường đã đến Trung tâm y tế huyện Phú Giáo làm giấy tờ nhập viện và lấy giấy chứng thương để gây áp lực và yêu cầu tôi bồi thường.
Cơ quan Điều tra không làm rõ được các vấn đề mà Tòa án yêu cầu. Nhưng ngày 22/9/2020, TAND huyện Phú Giáo vẫn đưa vụ án ra xét xử, và ngày 24/9/2020, tuyên buộc tôi phạm tội cố ý gây thương tích”.
Tôi nhận thấy Tòa án mâu thuẫn với chính bản thân mình, bởi lẽ, trước đây Tòa án huyện Phú Giáo cho rằng Tòa án không thể xét xử được vì một số vấn đề chưa được làm rõ và phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nhưng sau đó cũng vẫn hồ sơ đó TAND huyện Phú Giáo lại tuyên tôi phạm tội”.
Nhiều dấu hiệu oan sai!
Một, cơ quan tố tụng căn cứ kết quả Giám định Pháp y số 16/17/Tgt ngày 23/3/2017 của Phân viện Pháp y Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh trả lời: Thương tích gẫy mũi - 9% (bút lục 69-72).
Theo kết quả trên, ông Cường bị thương tích gẫy xương mũi nhưng không dựa vào phim X Quang chụp ngày 27/11/2016 do cơ quan công an cung cấp trong hồ sơ giám định; dựa vào phim Scnner chụp ngày 19/1/2017 do ông Cường tự đưa giám định, vì phim X quang ngày 27/11/2016, không giám định được thương tích gẫy mũi, do không phải là phim để xác định thương tích gẫy mũi, không có tên tuổi, ngày tháng, bệnh viện chụp- theo kết luận giám định pháp y. Phim X quang ngày 27/11/2016 này, thể hiện có dấu hiệu giả mạo, cần được xem xét, kết luận công khai.
Kết quả giám định trên dựa vào phim Scanner chụp ngày 19/1/2017, cách thời điểm xảy ra vụ việc 53 ngày để kết luận gẫy mũi. Phim này không phải do cơ quan tố tụng cung cấp cho cơ quan giám định mà do ông Cường tự đi chụp và cung cấp cho giám định viên để giám định (Căn cứ theo hồ sơ tại Quyết định trưng cầu giám định số 07 gửi Phân viện Pháp y Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh ngày 30/12/2017 của Công an huyện Phú Giáo và Công văn số 02/PVPYQG-KGD ngày 31/12/2019 của Phân viện Pháp y Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh, bút lục 870).
Như vậy, sau khi các hồ sơ, phim chụp tại thời điểm xảy ra vụ việc ngày 27/11/2016 không chứng minh được ông Cường có thương tích gẫy mũi, thì ông Cường tự đi chụp một phim khác để đưa vào giám định. Trong khi, luật quy định rõ chỉ có cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mới có quyền trưng cầu giám định, cung cấp hồ sơ chứng cứ để giám định. Giám định viên không phải là cá nhân có quyền tiến hành tố tụng, có quyền tự đưa phim Scanner do ông Cường trực tiếp cung cấp cho giám định viên cũng như chỉ định cho ông Cường tự chụp Scanner sử dụng cho việc giám định. Đặc biệt trong trường hợp này thời điểm chụp scanner cách khi xảy ra vụ việc 53 ngày. Đây là hành vi thể hiện dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng trong giám định, thể hiện làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Việc hội đồng xét xử phiên tòa sơ thẩm cho rằng giám định viên có quyền tự đưa, sử dụng phim chụp scanner chụp ngày 19/1/2017 không phải là phim được thu thập, cung cấp bởi cơ quan tố tụng vào giám định thương tật là hợp pháp và sử dụng kết quả này để buộc tội anh Hải, là hành vi thể hiện dấu hiệu cố tình làm trái luật. Việc sử dụng kết quả thực nghiệm, xét nghiệm bổ sung quy định tại Điều 23 Luật Giám định tư pháp nêu trên vẫn phải tuân theo Điều 68, 205,206,207 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Với lập luận của Hội đồng xét xử của Tòa án nhân dân huyện Phú Giáo như trên, thì giám định viên có thể đưa bất kỳ phim, chỉ định ông Cường chụp các X Quang, xét nghiệm .v.v để tự đưa đi giám định thì lấy gì đảm bảo được các bằng chứng này là khách quan?!
Một điều hết sức vô lý là khi cơ quan công an huyện Phú Giáo ra Kết luận điều tra số 73 ngày 12/7/2019 (bút lục số 371-374), Viện Kiểm sát nhân dân huyện Phú Giáo ra cáo trạng số 54/CT-VKSPG ngày 15/8/2019 (bút lục số 390-391), nhưng hai cơ quan này vẫn không biết phim chụp scanner chụp ngày 19/1/2017 được sử dụng để giám định ra thương tích gẫy mũi-9% cho ông Cường có nguồn gốc từ đâu, do ai chụp, chụp khi nào? Việc này thể hiện ngày 19/11/2019 cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Giáo gửi công văn số 494/CAH-CSĐT hỏi Phân viện Pháp y Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh: “Việc chụp CT Scnner sọ não ngày 19/1/2019 được thực hiện vào thời gian cụ thể nào, chụp tại đâu?” (bút lục 827-828). Đến nay, phim chụp này được lưu giữ ở đâu? Không có kết luận giám định làm rõ được thương tích trên phim scanner chụp ngày 19/1/2017 này (nếu có) thì thời gian vụ án xảy ra khi nào, có phải xảy ra ngày 27/11/2016 hay không? Phim chụp không tuân thủ theo quy trình thu thập chứng cứ, thời gian cách ngày xảy ra vụ việc 53 ngày, không chứng minh được thương tích trên phim đem giám định xảy ra khi nào thì làm sao có thể cho rằng thương tích gẫy mũi là có thật, do anh Hải gây ra?
Mặc dù kết quả Giám định Pháp y về thương tích số 16/17/Tgt ngày 23/3/2017 của Phân viện Pháp y Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh kết luận ông Cường bị gẫy mũi, nhưng cũng căn cứ trên hồ sơ yêu cầu giám định mà cơ quan công an cung cấp, kết luận giám định số 12BS/18/Tgt ngày 11/1/2018 (bút lục số 65-67a) dựa trên Quyết định trưng cầu giám định số 17 ngày 21/12/2017 của cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Giáo, bản kết luận nội dung như sau:
Cũng chính Phân viện Pháp y Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh khẳng định không xác định được có thương tích gẫy mũi hay không dựa vào các hồ sơ bệnh án, phim chụp được thu thập ngày xảy ra vụ việc 27/11/2016 và 28/11/2016. Như vậy làm sao khẳng định được ông Cường bị gẫy xương mũi bằng kết luận giám định số 16/17/Tgt trước đó? Hai kết luận của cùng một trung tâm trước và sau mâu thuẫn nhau về cùng một vấn đề nhưng cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Phú Giáo và Hội đồng xét xử phiên tòa sơ thẩm vẫn kết tội anh Hải?
Căn cứ theo hồ sơ bệnh án 5672 của ông Cường tại Trung tâm Y tế huyện Phú Giáo, giấy chứng nhận thương tích số 137/CN ngày 28/11/2016 (bút lục số 75) cũng không có xác nhận ông Cường bị thương tích gẫy mũi, lời khai tại tòa của bác sĩ Thiện là người điều trị cho ông Cường vào ngày 27/11/2016 và chứng nhận thương tích cho ông Cường cũng không xác nhận ông Cường có thương tích gẫy mũi như quy kết của cơ quan tố tụng; Căn cứ theo giấy chứng nhận thương tích số 9466/PKRHM ngày 30/11/2016 tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương (bút lục số 75) cũng không ghi nhận thương tích gẫy mũi.
Ông Cường sau khi xảy ra xô xát đã đi đến Trung tâm y tế huyện Phú Giáo và Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương để điều trị, xin y chứng. Nhưng theo theo hồ sơ, kết quả giám định phim tại đây đều không có thương tích gẫy mũi. Đây là bằng chứng cho thấy ông Cường không có thương tích gẫy mũi vào ngày 27/11/2016, nhưng cơ quan tố tụng đã không xem xét việc sử dụng phim scanner không rõ nguồn gốc, không tuân thủ theo quy trình thu thập chứng cứ để buộc tội anh Hải bằng kết luận giám định có dấu hiệu vi phạm pháp luật, là thể hiện dấu hiệu bao che sai phạm. Mặc dù anh Hải đã rất nhiều lần khiếu nại về kết luận điều tra, về cáo trạng nhưng vẫn không được trả lời thỏa đáng.
Hai, về thương tích gẫy răng 2.3. Cơ quan tố tụng căn cứ vào kết quả Giám định Pháp y về thương tích số 16/17/Tgt ngày 23/3/2017 của Phân viện Pháp y Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh trả lời (bút lục 69-72), để kết luận ông Cường gẫy răng 2.3, nhưng có nhiều căn cứ cho thấy ông Cường không bị gẫy răng 2.3, cụ thể:
Ông Cường khai đã trồng răng 2.3 tại nha khoa Sài Gòn Tân Tiến thể hiện trên các phiếu thu (bút lục số 276-277-278), nhưng không có phim chụp răng, hồ sơ điều trị trồng răng tại đây. Để thực hiện việc trồng răng thì phải có bước điều trị nội nha, chụp X Quang rất nhiều lần mới có thể tiến hành phẫu thuật trồng răng được nhưng cơ quan điều tra đã không thu thập được chứng cứ này tại đây. Như vậy làm sao xác định được ông Cường trồng răng do bệnh lý hay do vụ xô xát dẫn đến gãy răng để quy kết tội cho anh Hải? Ngoài ra, còn có các mâu thuẫn trong hồ sơ, thể hiện dưới đây:
Theo giấy chứng nhận thương tích số 137/CN do Trung tâm y tế huyện Phú Giáo, ký ngày 28/11/2016 không ghi nhận thương tích gẫy răng 2.3 của ông Cường.
Theo Giấy chứng nhận thương tích số 201600001149/CN-BVĐK ngày 30/11/2016 của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương (bút lục số 76), ghi nhận ông Cường gãy răng 2.3. Tuy nhiên cũng chính tại bệnh viện này cũng xác nhận thông tin ghi nhận ông Cường vào đây điều trị, có chụp phim X Quang về răng và kết quả bình thường, không có thương tích (bút lục 335).
Và Kết luận giám định số 32BS/20/Tgt ngày 14/02/2020 của Phân viện Pháp y Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh (bút lục số 883-887) dựa trên Quyết định trưng cầu giám định số 26 ngày 6/2/2020 của Công an huyện Phú Giáo về 2 phim X quang của ông Cường chụp ngày 28/11/2016 tại BVĐK tỉnh Bình Dương, được ông Cường nộp tại Tòa ngày 19/11/2019, phim này ông Cường lúc khai mất, sau này lại khai đã đưa cho giám định viên của Phân viện pháp y Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh ngày 19/1/2017 và được trả lại đem vể cất giữ (bút lục 833-836).
Cần nói rõ thêm: Kết luận giám định trên ghi rõ thương tích của ông Cường trên phim chụp ngày 28/11/2016; từ nội dung của bản kết luận này có thể hiện ông Cường không có thương tích răng 2.3 vào ngày 27/11/2016. Mặc dù kết luận rất rõ ràng, dựa trên phim chụp chuyên khoa răng hàm mặt vào ngày 28/11/2016 (các giám định trước đây không có phim chụp này trong hồ sơ giám định, vì cơ quan công an cho rằng ông Cường khai đã mất). Đây là bằng chứng rõ ràng khẳng định ông Cường không bị gẫy răng 2.3, phù hợp với ghi nhận trong hồ sơ bệnh án 5762 tại TTYT huyện Phú Giáo, giấy chứng nhận thương tích số 137/CN (bút lục số 75) và phiếu xác nhận thông tin của bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương (bút lục 335). Thế nhưng cơ quan tố tụng đã bỏ qua những chứng cứ khách quan của vụ việc để kết tội anh Hải.
Trang 1 |
Trang 13, Bản án sơ thẩm của TAND huyện Phú Giáo |
“Anh Lê Văn Hải không phạm tội”
Đó là khẳng định của Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh bào chữa cho anh Lê Văn Hải, trong phiên tòa sơ thẩm; và phản ánh trong bài viết: “Huyện Phú Giáo, Bình Dương: Một vụ án có nhiều dấu hiệu khuất tất, mâu thuẫn, oan sai!”, ngày 21/09/2020 của Tạp chí điện tử Ngaymoionline.com.vn (https://ngaymoionline.com.vn/huyen-phu-giao-binh-duong-mot-vu-an-co-nhieu-dau-hieu-khuat-tat-mau-thuan-oan-sai-18238.html): “Hồ sơ vụ án có dấu hiệu ngụy tạo chứng cứ; nhiều vấn đề mờ ám, có dấu hiệu oan sai. Tại phiên tòa trước đây chúng tôi chứng minh là Kết luận giám định không hợp pháp vì không tuân thủ theo quy định của pháp luật. Mặt khác, phía bên kia đã hai lần uống rượu say tự tông vào cột điện và tông vào người khác tưởng chết và nằm bệnh viện cấp cứu cả tháng trời. Chúng tôi đã nêu ra nhiều sai phạm và nhiều tình tiết bất minh nên, Tòa đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Càng điều tra càng phát sinh nhiều tình tiết thể hiện dấu hiệu của sự “ngớ ngẩn”, “mờ ám”, Luật sư Hùng khẳng định!
Hy vọng phiên tòa phúc thẩm sắp tới, Hội đồng xét xử sẽ tuyên anh Hải vô tội!”