Nhân mùa Vu Lan bàn chuyện chữ Hiếu
Nhịp sống văn hóa 21/08/2021 08:08
Theo Phật thoại, ngày xưa Mục Kiền Liên là đệ tử của Đức Phật, ngài muốn báo công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, bèn dùng tuệ nhỡn soi rọi thì thấy mẹ của ngài đang bị giam cầm trong ngục ở chốn ngã quỷ. Ngài biết đó là do quả báo, kiếp trước mẹ ngài đã gây nên tội ác nên phải chịu cực hình. Ngài đã vận dụng phép thần thông để đến dâng cơm cho mẹ, nhưng khi mẹ ngài cầm lấy bát cơm thì đã hóa thành đá. Ngài trở về bạch với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, xin được giúp đỡ báo hiếu mẹ trong chốn ngục tù. Đức Phật bèn phóng hào quang soi rọi xuống thì tất cả chúng sinh và mẹ ngài đều được giải thoát. Nhưng mẹ ngài vừa ra khỏi ngục A-tì lại phải rơi vào ngục hắc ám. Ngài Mục Liên lại tâu với Đức Phật, lòng hiếu thảo của ngài đã động đến trời đất, tuy thế vẫn chưa đủ, phải nhờ đến sự hỗ trợ của mười phương chúng tăng mới giải thoát được cho mẹ ngài khỏi chốn địa ngục, trở về với thiên giới; nhờ đó vô số chúng sinh khác cùng số phận với mẹ ngài cũng được giải thoát theo. Căn cứ theo kinh Vu Lan Bồn, lễ Vu Lan được tổ chức vào Rằm tháng 7 âm lịch để chúng tăng, Phật tử cầu nguyện cho ông bà cha mẹ được siêu độ. Trong lễ hội Vu Lan, các trò về Mục Liên nêu gương hiếu thảo được diễn lại tùy theo từng nơi. Những trò đó, theo kinh Phật, vừa vạch ra con đường tội lỗi và cách diệt trừ. Gỡ tội lỗi đã mắc như đeo trên mình một khối đá to, một người đủ tài giỏi cũng không làm nổi, phải nhờ chúng sinh mười phương độ trì. Những cuộc chẩn tế cho người nghèo, thăm viếng người bệnh, những lễ phóng sinh (thả tự do cho các sinh vật bị bắt nhốt) được tổ chức. Những cuộc chẩn tế cho cô hồn, cúng cháo lá đa được diễn ra ở cửa chùa từ chiều cho đến khuya. Ở Việt Nam lễ Vu Lan được tổ chức kết hợp với lễ Địa quan xá tội.
Ảnh minh hoạ |
Như vậy qua lễ Vu Lan và sự tích Mục Kiền Liên cứu mẹ, chúng ta thấy Phật giáo rất coi trọng chữ hiếu. Một trong ba lễ lớn của Phật giáo trong năm là lễ báo hiếu cha mẹ. Dù rằng đã xuất gia nương nhờ cửa Phật, thoát tục nhưng ngay những tăng ni cũng không quên công ơn sinh thành của cha mẹ, thấy cha mẹ đang bị cực hình khổ sở thì tìm mọi cách để cứu thoát, không nề hà mọi nguy hiểm. Tìm mọi phương kế, hết lòng cứu giúp cho mẹ, đó là điều Phật giáo khuyên răn mọi chúng sinh. Bên cạnh việc khuyên răn cổ vũ cho những việc làm hiếu thảo, Phật giáo còn chỉ ra chữ hiếu là ở chỗ vạch rõ con đường tội lỗi của các bậc cha mẹ là do nhân duyên quả báo. Muốn hiếu thảo với cha mẹ thì phải chỉ cho cha mẹ làm điều lành, tu nhân tích đức để khỏi sa vào chốn ngã quỷ hắc ám. Tất cả là đều ở chữ Tâm của con người.
Theo quan niệm của Nho giáo, “chữ hiếu đứng đầu trăm nết, là gốc của đạo đức con người”. Người con có hiếu phải hết lòng yêu thương cha mẹ, phụng dưỡng khi còn sống, tuyệt đối phục tùng, không sửa đổi nhận xét việc làm của cha mẹ, nối chí lập thân, làm vinh hiển cho cha mẹ. Sách “Nhị thập tứ hiếu” viết: Niệm chữ hiếu cho tròn một tiết/ Thật suy ra trăm nết đều nên.
Khi cha mẹ mất, Nho giáo khuyên người ta thực hiện chữ hiếu là “phụng sự người đã chết như phụng sự người đang sống”. Bên cạnh đó, chữ hiếu của đạo Nho cũng có những hạn chế khác nữa như người con “có hiếu là phải giữ mình để phụng sự cha mẹ và coi phụng sự cha mẹ là cái gốc của mọi việc phụng sự” hoặc quan niệm “hiếu là để phụng sự vua, phụng sự bề trên, là để sai khiến dân chúng” hay: “Người hiếu đến mức cao nhất không gì bằng làm cho cha mẹ cao quý, làm cho cha mẹ cao quý nhất không gì bằng có được thiên hạ mà phụng dưỡng” (Hạnh Tử - Thiên Văn Chương).
Chu trình của chữ hiếu là liên tục, cái gương của việc thực hiện chữ hiếu của thế hệ đó sẽ hưởng do thế hệ sau tiếp thu và đáp lại. Không một cha mẹ nào được con cái đối xử tử tế, nếu cha mẹ đó đối xử tệ bạc với các đấng sinh thành.
Yếu tố cơ bản và tích cực nhất của Nho giáo về chữ hiếu, là quan niệm “chữ hiếu là gốc của đức nhân”, gốc của đạo đức con người”. Quả vậy, khi một người mà không có tình thương yêu, kính trọng, chăm sóc, người cha người mẹ mình thì thử hỏi người đó có thể thương yêu ai được, có thể thương dân, yêu nước được chăng? Một điều cũng đáng lưu ý nữa là không chỉ nuôi nấng cha mẹ là đã có hiếu, Khổng Tử viết: “Nuôi nấng cha mẹ mà không kính trọng thì so với nuôi chó, nuôi ngựa có gì để phân biệt?”. Đó cũng là điều đáng để cho chúng ta suy ngẫm.
Trong dân gian, chữ hiếu đã được thể hiện ngay trong những lời ru khi con người mới sinh ra, còn nằm trong nôi: Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Hay: Làm trai nết đủ trăm đường/ Trước tiên chữ hiếu đạo thường xưa nay…
Tình cảm của con cái với cha mẹ là cụ thể: Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa/ Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương. Dù có túng nghèo đói kém vẫn hết lòng phụng dưỡng mẹ cha: Đói lòng ăn hột chà là/ Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng. Con cái phải luôn luôn cầu mong cho cha mẹ được sống lâu để phụng dưỡng để báo đáp công ơn: Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời/ Cầu cho cha mẹ sống đời với con.
Với người Việt Nam việc thờ phụng cha mẹ là một việc làm có phúc đức nhất, hơn cả việc đi tu ở chùa: Tu đâu cho bằng tu nhà/ Thờ cha kính mẹ ấy là chân tu.
Chữ hiếu đối với cha mẹ là phụng dưỡng khi còn sống, sớm thăm tối viếng, gặp cảnh đói nghèo túng bấn, dù cho phải ăn đói, ngô khoai cũng gắng nuôi cha mẹ, nhường phần cơm ngon cho cha mẹ, mong mỏi cho cha mẹ sống lâu để báo đáp công ơn. Những việc làm đó là xuất phát từ tận đáy lòng, từ sự thôi thúc của con tim, là một nhu cầu tất yếu của con người. Chứ không phải khi cha mẹ còn sống, không chăm nom đến nơi đến chốn, đến khi chết thì mới tổ chức cúng tế linh đình, đó không phải là chữ hiếu. Nội dung chữ hiếu trong dân gian đơn giản, thiết thực, bất kì ai cũng có thể làm theo, miễn là có tấm lòng, có nhân cách.