Đừng để Vu Lan chỉ là một lễ hội...
Đời sống 16/08/2024 09:31
Không khó để chúng ta nhận ra mỗi khi tháng 7 âm lịch về, nhất là những ngày cận Rằm tháng 7, không khí Vu Lan dường như lan tỏa khắp mọi nơi. Nhiều người dù bận mấy cũng tranh thủ thời gian lên chùa khấn Phật. Không ít người dành ra mấy ngày liên tục để làm công quả ở chùa. Nhiều người lại bắt đầu mua chim, cá để phóng sinh. Lại có không ít người, nhất là các bạn trẻ thích được xem và check-in tại lễ hội hoa đăng do các chùa tổ chức… Nói chung, với nhiều người, Vu Lan là một lễ hội lớn trong năm, bên cạnh Tết Nguyên đán, Trung thu, Đoan ngọ, Phật đản,…
Thế nhưng, đây mới chỉ là phần “lễ hội” của Vu Lan. Nếu chúng ta hiểu rõ ý nghĩa đích thực của lễ Vu Lan thì ngày Rằm tháng 7 không chỉ đơn thuần là những hoạt động trên.
Ảnh minh hoạ |
Lễ Vu Lan bắt nguồn từ tích truyện Mục Kiền Liên cứu mẹ. Ý nghĩa sâu xa nhất của Vu Lan là lòng hiếu thảo và việc báo hiếu của con cháu đối với cha mẹ, ông bà. Hiểu được như vậy, chúng ta sẽ nhận ra Vu Lan không chỉ là một ngày Rằm tháng 7, mà là mọi ngày trong năm; Vu Lan cũng không chỉ là việc lên chùa khấn Phật, phóng sinh mà còn quan trọng hơn là đền đáp công ơn dưỡng dục, sinh thành của cha mẹ.
Nếu ở nhà, chúng ta thờ ơ, nặng lời với cha mẹ, cả ngày bận rộn chẳng biết hỏi han cha mẹ một lời… thì lên chùa niệm Phật, cung kính trước các vị sư thầy cũng bằng vô ích. Chúng ta để cha mẹ đói ăn, thiếu mặc, đau ốm không được chạy chữa thuốc thang, nhà ở xập xệ, muốn đi thăm quê hay người thân, bạn bè trong tuổi xế chiều mà chỉ biết ngồi một chỗ… thì bao nhiêu tiền đi mua chim, cá để phóng sinh phỏng có ý nghĩa gì. Cả một đời cha mẹ chưa bao giờ nhận được bó hoa của mình thì ta lên chùa cắm hoa, đơm quả hay cài lên ngực áo đóa hoa màu hồng cho thật đẹp cũng chẳng để làm gì (?!).
Đức Phật từ bi đâu cần tiền cúng dường, lễ vật hay những hoạt động công quả, phóng sinh… của ta. Cái mà Đức Phật muốn thấy ở chúng sinh là sự tinh tấn trong trí tuệ và tấm lòng bao dung, yêu thương, vị tha với mọi người mà trước hết là với cha mẹ, những đấng sinh thành của ta. “Tu đâu cho bằng tu nhà/ Thờ cha kính mẹ ấy là chân tu”, câu ca trên chính là một sự khẳng định cho chân lí ấy.
Vậy thì, đừng để Vu Lan chỉ là một lễ hội. Trước khi lên chùa, ta hãy dành thời gian về thăm cha mẹ nếu đã lâu chưa về, đưa cha mẹ đi khám bệnh tổng quát nếu đã lâu chúng ta chưa quan tâm đến sức khỏe của cha mẹ, cùng nhau sơn sửa hay quét dọn lại căn nhà cho cha mẹ nếu nó đã cũ kĩ; hãy đưa cha mẹ đi chơi đâu đó trong điều kiện có thể, mua cho cha mẹ những bộ đồ mới, làm cho cha mẹ thưởng thức vài món ăn ngon, hãy trò chuyện, hỏi thăm, tâm sự cùng cha mẹ nhiều hơn…
Thật ra, nhiều khi cha mẹ ta chẳng đòi hỏi những điều đó. Cha mẹ nuôi con đâu cần báo đáp. Nhưng chính từ những hành động yêu thương, quan tâm của con cái, dù nhỏ nhặt thôi cũng là niềm hạnh phúc của mẹ cha ở tuổi xế chiều. Hãy yêu thương, quan tâm cha mẹ nhiều hơn. Có vậy chúng ta mới thật sự có một mùa Vu Lan trọn vẹn…