Nhà máy xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La, “kẻ ăn rươi, người chịu bão”
Pháp luật - Bạn đọc 07/06/2022 18:06
| ||
Hệ thống Nhà máy xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La |
Người dân phải sông chung với ô nhiễm môi trường
Trao đổi với phóng viên, nhiều người dân ở thôn Phương La 1-2-3-4 cho biết: "Tình trạng ô nhiễm ở làng nghề hiện nay rất nghiêm trọng. Cách đây 2-3 năm, người dân chúng tôi còn sử dụng nước mưa thay nước giếng khoan, vì nước giếng khoan khi bơm lên nổi vẩn vàng đục nên không thể sử dụng được, Nhưng gần đây, nước mưa cũng có hiện tượng nổi váng màu vàng đến cá, vịt khi nhiễm phải nguồn nước ô nhiễm này cũng chết hàng loạt. Đặc biệt, sức khỏe của người dân chúng tôi gần đây mắc căn bệnh ung thư rất nhiều nhất là lứa tuổi trẻ. Tại thời điểm dịch bệnh Covid-19 hoành hành, rất nhiều người dân chúng tôi không có việc gì làm chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng để sinh sống nhưng nước ô nhiễm tràn vào cánh đồng không sao cấy được, 90% diện tích canh tác phải bỏ trống.
Báo cáo của UBND huyện Hưng Hà |
Theo Báo cáo số: 230/BC-UBND ngày 18/10/2019 của UBND huyện Hưng Hà: Trên địa bàn xã Thái Phương có 102 doanh nghiệp và cơ sở đang hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ yếu là hàng dệt may. Trong đó, 24 doanh nghiệp hoạt động trong Cụm công nghiệp (CCN) xã Thái Phương (CCN được thành lập năm 2002 với diện tích 10 ha), số còn lại hoạt động trong làng nghề Phương La. Tuy nhiên, trong những năm qua, hầu hết các cơ sở sản xuất, tẩy nhuộm ở đây đều không có hệ thống xử lý nước thải mà thải trực tiếp ra sông Đồng Buộm, sông Tân Việt và sông Bút Mực. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng tại xã Thái Phương và các xã lân cận như Minh Tân, Kim Trung, Văn Lang,...
Trước tình trạng ô nhiễm với những chất thải độc hại chưa được xử lý xả thẳng ra môi trường, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước, không khí và sức khoẻ, mấy năm trước người dân các xã Minh Tân, Kim Trung, Văn Lang đã đắp đập ngăn dòng nước không cho chảy vào địa phận của xã mình. Do không còn đường thoát, nước thải tràn lên cánh đồng, nhất là vào mùa mưa, cả một vùng bị ngập úng, người dân Phương La bị cô lập và bị bủa vây giữa môi trường đã ô nhiễm nay lại càng ô nhiễm trầm trọng hơn.
Để làm rõ những nội dung người dân phản ánh, phóng viên đã trao đổi với lãnh đạo xã Thái Phương: Xác nhận việc ô nhiễm của làng nghề Phương La là có thật, đồng thời cũng cho biết ô nhiễm môi trường đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống sinh hoạt của người dân và trong việc sản xuất nông nghiệp của người dân cũng ảnh hưởng không hề nhỏ.
Dự án Nhà máy xử lý nước thải tập trung bao giờ thành hiện thực?
| ||
Quyết định số: 577/QĐ-TTg ngày 11/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường (BVMT) làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” |
Để tăng cường mạnh mẽ công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trong quản lý và phát triển làng nghề trên phạm vi toàn quốc, ngăn chặn việc phát sinh các làng nghề ô nhiễm môi trường mới; từng bước khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn một cách bền vững. Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định số: 577/QĐ-TTg ngày 11/4/2013 “Phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường (BVMT) làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại làng nghề Phương La (xã Thái Phương, huyện Hưng Hà), ngày 18/9/2013, UBND tỉnh Thái Bình đã có Quyết định số 2032/QĐ-UBND phê duyệt dự án Hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La, với tổng mức đầu tư xấp xỉ 77 tỉ đồng với công suất 800 m3/ngày đêm. Dự án Hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La đã được UBND tỉnh Thái Bình giao cho UBND huyện Hưng Hà làm chủ đầu tư.
Đến tháng 11/2018, dự án Hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La đã được hoàn thành. Ngày 21/11/2018, UBND huyện Hưng Hà đã ban hành Kế hoạch số 91/KH-UBND về việc vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La.
|
|
Ngày 13/12/2018, UBND tỉnh Thái Bình cho phép thực hiện tháo gỡ niêm phong máy móc, thiết bị nấu, giặt, tẩy nhuộm đối với 3 doanh nghiệp (trước đó đã bị niêm phong) tại xã Thái Phương, gồm Công ty TNHH Dệt may Xuất khẩu Nam Thành, Công ty TNHH Dệt nhuộm Minh Tâm và Công ty TNHH Dệt may Xuất khẩu Phương Tiến để vận hành hệ thống xử lý nước thải.
Qua vận hành thử nghiệm kết quả phân tích mẫu nước thải nấu, giặt, tẩy, nhuộm của 3 công ty trên có một số chỉ tiêu cơ bản chưa đạt yêu cầu và cao hơn nhiều so với những tiêu chuẩn đầu vào của dự án nhà máy xử lý nước thải tập trung.
|
| ||
Nhà máy luôn cửa đóng then cài duy nhất chỉ có một người trông coi |
Để hiểu rõ hơn đồng thời cũng có cách nhìn khách quan, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Đức Cải, Giám đốc Công ty TNHH Dệt May Xuất khẩu Nam Thành thì được biết: Ngay khi có dự án Nhà máy xử lý nước thải tập trung, chúng tôi cùng người dân nơi đây mừng lắm, vì khi dự án đi vào hoạt động các doanh nghiệp không còn phải lo đến việc xử lý nước thải, người dân không còn trong cảnh gánh “bão” ô nhiễm môi trường nữa. Nhưng kỳ vọng của chúng tôi và người dân là viển vông, bởi lẽ, dự án Hệ thống xử lý nước thải tập trung hoàn thành nhưng chúng tôi có được đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung này đâu. Họ (UBND huyện Hưng Hà, chủ đầu tư “PV”) yêu cầu chúng tôi phải đầu tư thêm hệ thống tiền xử lý mới cho đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung. Thực hiện yêu cầu của UBND huyện Hưng Hà, công ty chúng tôi đã đầu tư gần 10 tỉ đồng để xây dựng xong khu tiền xử lý nước thải. Tuy nhiên, công ty của tôi chỉ cách Nhà máy xử lý nước thải có hàng rào mà không được đấu nối.... Tôi chỉ mong muốn hệ thống nhà máy xử xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La đi vào hoạt động càng sớm càng tốt.
| ||
Dòng nước vẫn ô nhiễm nặng nề |
Trao đổi với lãnh đạo doanh nghiệp có địa chỉ trong làng nghề Phương La (xin được giấu tên) cho biết: Dự án này đã bộc lộ ra rất nhiều sai sót như: Trước khi thực hiện dự án chủ đầu tư và đơn vị tư vấn chưa đánh giá được khối lượng nước xả thải hàng ngày của các doanh nghiệp; các tạp chất có trong nước thải. Vị lãnh đạo này còn đặt ra nghi vấn liệu có hay không việc chủ đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu? Vì sao khi xây dự dự án không có đánh giá tác động môi trường mà mãi cho đến ngày 31/12/2021, UBND tỉnh Thái Bình mới ra Quyết định số 3474/QĐ-UBND về việc “Phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án Hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La-xã Thái Phương- huyện Hưng Hà” dẫn đến dự án đã hoàn thành nhưng vẫn còn “đắp chiếu”? Phải chăng Dự án Nhà máy xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La đưa nhiều người vào cảnh “kẻ ăn rươi, người chịu bão”(!?)