Nguyện vọng có chỗ ở của cụ bà 92 tuổi
Pháp luật - Bạn đọc 19/03/2024 09:28
Cụ Trang cho biết: Cụ và chồng là cụ Nguyễn Xuân Cán có 5 người con gồm: Nguyễn Thị Kim Thu, Nguyễn Xuân Thanh, Nguyễn Thị Thu Hồng, Nguyễn Thị Thu Hương, Nguyễn Thị Tuyết Mai và nuôi Nguyễn Xuân Quế (mồ côi cả cha lẫn mẹ, anh, chị em đều mất trong đó có anh trai là liệt sĩ) từ năm 1978. Năm 1971, gia đình cụ có đơn xin HTX thôn Vo Đông, xã Hội Xá (nay là phường Sài Đồng) đất thùng vũng, không thuộc diện tích đất canh tác để sử dụng và được HTX đồng ý. Gia đình cụ sinh sống và sử dụng thửa đất đó ổn định, không tranh chấp.
Sau buổi họp gia đình ngày 25/1/1996, đến ngày 25/2/1996, vợ chồng cụ Trang và cụ Cán có làm Đơn cho đất theo di chúc gửi UBND thị trấn Sài Đồng, huyện Gia Lâm (nay là phường Sài Đồng, quận Long Biên), nhất trí cho vợ chồng ông Nguyễn Xuân Thanh, bà Nguyễn Thị Kim Xuyến số đất là 7m (ngang) x 13 m (chiều dài) = 91m2, để xây nhà ở và sản xuất. Số đất còn lại là của vợ chồng cụ Trang, cụ Cán và bà Mai. Nếu vợ chồng ông Thanh có nhu cầu sử dụng thêm phải trả tiền theo thỏa thuận của gia đình. Trong phần ghi chú nêu: Số đất còn lại thuộc lô 2 là của ông bà (cụ Trang, cụ Cán) nếu vợ chồng Thanh, Xuyến muốn mượn tạm để làm nhà xưởng sản xuất phải kí xác nhận mượn, trong vòng 1 năm phải dỡ để trả lại ông bà sử dụng trồng trọt. Nếu muốn lấy hẳn phải trả tiền để ông bà gửi tiết kiệm khi tuổi già. Sau đó, bà Nguyễn Thị Xuyến có ghi: “Mượn số đất của ông bà để làm xưởng sản xuất một năm” và được ông Nguyễn Tiến Bộ, Chủ tịch UBND thị trấn Sài Đồng kí đóng dấu.
Cụ Nguyễn Thị Trang búc xúc chia sẻ với PV. |
Năm 1996, vợ chồng cụ chia cho con trai, con gái đất để làm nhà, còn lại 128m2 đất hai vợ chồng cụ để lại dưỡng già. Năm 1996, sau khi chia cho con trai, con gái để làm nhà, bà Xuyến (con dâu, vợ ông Nguyễn Xuân Thanh) đã viết giấy mượn phần đất “dưỡng già” của vợ chồng cụ để làm xưởng sản xuất (có kí tên, đóng dấu của UBND phường).
Đến ngày 6/3/1997, do tuổi cao sức yếu, vợ chồng cụ Trang tự nguyện viết di chúc phân chia di sản để lại cho con cháu sau này. Tổng diện tích vợ chồng cụ Trang đang sử dụng là 480m2, lô phía trước chia ưu tiên cho 2 người con và không có đường đi chung. Cụ thể, chia cho ông Thanh 160m2 đất và một ngôi nhà 3 tầng khép kín, vợ chồng Thanh - Xuyến phải phụng dưỡng vợ chồng cụ; cho bà Mai 80m2 đất ở và một ngôi nhà cấp 4 tường gạch, lợp ngói Sông Cầu.
Lô phía sau chia cho 4 người, có đường đi chung 1m2 gồm: Nguyễn Thị Kim Thu 43m2 đất, Nguyễn Xuân Quế 49m2 đất, Nguyễn Thu Hương và Nguyễn Thị Thu Hồng được 43m2 đất. Di chúc trên được UBND thị trấn Sài Đồng kí tên đóng dấu.
Cụ Trang cho rằng, năm 2001, bà Xuyến tự viết “Giấy phân chia tài sản đất và nhà ở” để sử dụng 128m2 đất (phần 49m2 đất đã chia cho ông Nguyễn Xuân Quế và phần đất dưỡng già của hai cụ). Theo đó, Giấy không ghi số lô, thửa, không ai kí, nhưng lại có chữ kí của vợ chồng cụ Trang và các anh chị em. Sự việc trên, bà Xuyến đã công nhận tại Công an quận Long Biên. Thời điểm đó, bà Mai bị lừa sang Trung Quốc từ năm 1994 đến năm 2018, không thể kí vào “Giấy phân chia tài sản đất và nhà ở” cho vợ chồng bà Xuyến năm 2001 được. Tuy nhiên, trong hồ sơ cấp GCNQSDĐ của vợ chồng bà Xuyến lại có Giấy phân chia tài sản trên có chữ kí của bà Mai (!?) Trước sự việc trên, vợ chồng cụ Trang đã có đơn tố giác gửi Công an quận Long Biên.
Năm 2011, ông Nguyễn Xuân Thanh chết. Trước đó, ông Thanh viết 2 giấy cho cụ Cán, cụ Trang 700 triệu đồng, nhưng bà Xuyến chỉ cho 2 cụ 500 triệu đồng. Cho rằng, bà Xuyến đối xử tệ bạc, đến năm 2013, vợ chồng cụ được con gái là bà Nguyễn Thị Thu Hồng đón về nhà ở. Không những vậy, hai cụ còn viết đơn gửi UBND quận, UBND phường về việc tranh chấp đất đai và từ mặt con dâu. Ngày 12/7/2023, UBND phường Sài Đồng tổ chức hòa giải mâu thuẫn gia đình theo đơn đề nghị của cụ Trang. Buổi hòa giải không thành do bà Xuyến không chấp nhận ý kiến của cụ Trang.
Khu đất cụ Trang cho vợ chồng ông Nguyễn Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Kim Xuyến mượn. |
Ngày 24/1/2022, cụ Nguyễn Xuân Cán và cụ Nguyễn Thị Trang đã có đơn khởi kiện đòi quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy GCNQSDĐ, người bị kiện là bà Nguyễn Thị Kim Xuyến. Đến ngày 26/9/2023, TAND quận Long Biên có Quyết định số: 210/2023/QĐST-DS về việc chuyển toàn bộ vụ án Dân sự sơ thẩm thụ lí số: 126/2023/TLST-DS ngày 14/10/2022 về việc “Đòi quyền sử dụng đất và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” đến TAND TP Hà Nội giải quyết theo thẩm quyền.
Chia sẻ với PV, cụ Trang cho biết: Năm 1996, 1997, vợ chồng tôi đã có di chúc chia cho các con cháu. Riêng vợ chồng Thanh - Xuyến, chúng tôi đã cho phần hơn để có trách nhiệm phụng dưỡng vợ chồng tôi. Phần đất chúng tôi chia cho cháu Quế và phần đất Xuyến mượn có kí vào đó. Vợ chồng tôi chỉ muốn lấy lại phần đất đó để trả cho cháu Quế và làm nhà ở sinh sống. Tuy nhiên, bà Xuyến lại thách thức “đi mà kiện” khiến chồng tôi quá uất ức định tẩm xăng đốt nhà và tự thiêu. Sự việc trên, gia đình trình báo Công an phường Sài Đồng. Chúng tôi không hiểu bà Xuyến bằng cách nào mà lại làm GCNQSDĐ hết cả phần đất mượn đó để đứng tên. Tôi chỉ mong TAND TP Hà Nội xem xét, giải quyết yêu cầu bà Xuyến trả lại đất cho tôi để tôi thực hiện theo đúng di chúc và nguyện vọng của chồng tôi (đã mất) là xây dựng nhà thờ và có chỗ ở lúc tuổi già”.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Phó Chủ tịch UBND phường Sài Đồng cho biết: Vụ việc của gia đình cụ Trang rất phức tạp, đã có nhiều đơn thư, phường đã tổ chức hòa giải cả về Đơn từ mặt con dâu và đất đai. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp là của tòa án.
Để có thông tin khách quan đa chiều về vụ việc, PV đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Kim Xuyến. Qua điện thoại bà Xuyến cho biết, vụ việc để tòa án xem xét và không có ý kiến.
Theo luật sư Bùi Thị Kim Liên, Đoàn luật sư TP Hà Nội: Nếu đúng như đơn thư của cụ Nguyễn Thị Trang cung cấp thì vụ việc có dấu hiệu của hành vi tạo dựng giả hồ sơ, giấy tờ để được cấp GCNQSDĐ. Trong khi đó, “Giấy phân chia tài sản đất ở và nhà ở” không có số ô, thửa, chữ kí có dấu hiệu giả mạo. Nội dung xác nhận trong Giấy phân chia không đúng, ngày tháng, năm, xác nhận của UBND bị tẩy xóa. Ở góc độ đạo đức, con cái cần làm tròn chữ hiếu với cha mẹ. Việc chưa phụng dưỡng hết trách nhiệm, dẫn đến việc cha, mẹ làm đơn từ mặt, kiện con ra Tòa án để giải quyết là sự việc đáng tiếc. Hiện nay vụ việc đang được TAND TP Hà Nội thụ lí giải quyết, cấp tòa án cần làm rõ trong di chúc “cho mượn” đất có thể làm được sổ đỏ đứng tên vợ chồng bà Xuyến hay không? Phần đất cho ông Quế tại sao bà Xuyến lại làm sổ được, cũng như các chữ kí của thành viên trong gia đình cụ Trang... Bên cạnh đó, di chúc của hai cụ chưa phát sinh có hiệu lực vì thời điểm đó cụ Cán chưa mất, không thể mở thừa kế tại thời điểm làm sổ. Đến năm 2020, bà Xuyến lấy phần đất của hai cụ tặng cho em trai ruột là ông Nguyễn Mạnh Hùng, vợ là Lê Thị Hồng Thắm 90m2 và cho tặng cho con trai Nguyễn Xuân Tùng 93,4m2. Tòa án và cơ quan quản lí đất đai, cũng như cơ quan xét duyệt hồ sơ cấp GCNQSDĐ cần rà soát lại quy trình, tính hợp pháp, hợp lí của hồ sơ xin GCNQSDĐ của bà Xuyến đã tuân thủ đúng quy định của pháp luật?