Cần xem xét lại bản án theo thủ tục tái thẩm
Vì Người cao tuổi 10/05/2024 10:45
Nội dung vụ việc
Ông Đỗ Đình Cử cho biết: Năm 1981, gia đình ông được chính quyền địa phương cấp đất theo hình thức giãn dân với diện tích 680m2 tại Đồng Mai, thôn Thượng, xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Sơn (cũ), tỉnh Bắc Ninh.
Năm 1988, UBND xã Cảnh Hưng đo lại đất ở và đất vườn, chủ trương cấp cho mỗi hộ không quá 300m2 đất ở. Do nhà ông thừa đất ở, nên UBND xã Cảnh Hưng đã khấu trừ vào 12 thước đất vườn (tương đương 288m2), 4 thước ruộng (tương đương 96m2) thuộc đất tiêu chuẩn cấp canh tác năm 1987 của gia đình.
Sau đó, ngày 24/12/1998, gia đình ông được UBND huyện Tiên Sơn (nay là huyện Tiên Du) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) thửa đất nêu trên, với cùng diện tích 680m2, số thửa 120, tờ bản đồ số 2, được gia đình ông sử dụng ổn định, không tranh chấp với ai và từ trước đến nay, gia đình ông vẫn đóng đầy đủ toàn bộ thuế đất cho diện tích 680m2 của mảnh đất nêu trên.
Ông Đỗ Đình Cử chỉ thửa đất đang tranh chấp. |
Tháng 11/2004, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tiên Du xuống cưỡng chế, lấy đi của gia đình ông chiếc xe máy, gia đình ông mới biết sự việc ông Đỗ Đình Vận khởi kiện gia đình ông đòi chia đất từ năm 2003 tại TAND huyện Tiên Du. Tại Bản án dân sự sơ thẩm số: 08/DSST ngày 24/06/2003 của TAND huyện Tiên Du tuyên: Buộc ông Đỗ Đình Cử phải trả cho ông Đỗ Đình Vận một phần thửa đất với diện tích 160m2 tại thửa đất số 120, tờ bản đồ số 2, thôn Thượng, xã Cảnh Hưng.
Ông Đỗ Đình Cử cho biết thêm: Trong quá trình xét xử, gia đình ông không nhận được bất kì thông báo, hay quyết định của TAND huyện Tiên Du, kể cả Bản án dân sự sơ thẩm số: 08/DSST ngày 24/06/2003 cũng không nhận được.
Sau khi biết sự việc, gia đình ông đã lên TAND huyện Tiên Du đề nghị làm rõ và xin sao chụp bản án, tuy nhiên, mãi đến ngày 20/12/2006, gia đình ông mới nhận được bản án.
“Từ năm 1971 đến nay, ông Vận đã đi thoát li khỏi địa phương, có hộ khẩu thường trú tại số nhà 18, tổ Liên Cơ, thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội, làm sao lại được địa phương cấp đất, mà đòi đất của gia đình ông? Hồ sơ tài liệu lưu trữ tại xã và các văn bản trả lời của UBND xã Cảnh Hưng đều khẳng định, mảnh 680m2 là của gia đình tôi. Tại sao TAND huyện Tiên Du (cũ) lại tuyên như thế được?” - Ông Cử đặt vấn đề.
Quan điểm của luật sư về vụ án trên
Sau khi nhận được bản án của TAND huyện Tiên Du, do quá thời hạn kháng cáo, nên gia đình ông không kháng cáo được. Tuy nhiên, gia đình ông đã làm đơn khiếu nại bản án của TAND huyện Tiên Du và vấn đề tranh chấp đất đai với ông Vận gửi các cơ quan chức năng liên quan, nhưng vẫn không được giải quyết dứt điểm.
Ở một diễn biến khác, ngày 15/3/2007, gia đình ông Đỗ Đình Vận và vợ là bà Nguyễn Thị Giang đã chuyển nhượng QSDĐ và tài sản trên đất cho gia đình ông Lê Đắc Thủy và vợ là bà Nguyễn Thị Liên.
Tiếp đó, ngày 18/10/2018, gia đình ông Thủy và bà Giang đã chuyển nhượng QSDĐ cho gia đình ông Nguyễn Công Hiển và bà Nguyễn Thị Nụ.
Bản án dân sự sơ thẩm số 08/DSST ngày 24/06/2003 của TAND huyện Tiên Du |
Ông Cử cho biết thêm, do không biết việc gia đình ông Vận được cấp GCNQSDĐ và việc gia đình ông Vận chuyển nhượng cho 2 gia đình trên, nên hiện nay, gia đình ông vẫn sử dụng mảnh đất có diện tích 160m2 này.
Sau khi ông Nguyễn Công Hiển có đơn khởi kiện ra TAND huyện Tiên Du về việc “Đòi tài sản” ngày 20/12/2023, ông mới biết việc ông Vận đã được cấp GCNQSDĐ và đã chuyển nhượng QSDĐ cho người khác.
Theo luật sư Trịnh Đình Trực, Văn phòng Luật sư Trịnh Trực, Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Giấy khai sinh, chứng minh thư và các giấy tờ khác đều ghi ông Đỗ Đình Cử sinh năm 1950. Giấy khai sinh là giấy gốc để chứng minh thông tin nhân thân của một người nào đó. Ông Cử sinh năm 1950, Bản án số 08/DSST ngày 24/06/2003 lại ghi sinh năm 1952. Như vậy, sai lệch hoàn toàn về năm sinh nên ông Cử có quyền từ chối tham gia tố tụng và tham dự phiên toà. Bản án đã tuyên phải thật chuẩn xác, không được có bất kì sai sót.
Theo Điều 55 Pháp lệnh của Hội đồng Nhà nước số: 27-LCT/HDDNN8 ngày 7/12/1989 về thủ tục giải quyết các vụ án dân sự quy định: “Bản án, quyết định đã tuyên thì không được sửa chữa, bổ sung, trừ trường hợp có sai sót rõ ràng về số liệu vì tính toán sai”. Ở đây không phải là số liệu tính toán.
Theo hướng dẫn tại Điều 38 Nghị quyết số: 05/2012/NQ- HĐTP ngày 3/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, nếu bản án có sai sót, HĐXX chỉ được sửa chữa, bổ sung bản án trong các trường hợp sau đây: Phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả như: Lỗi do viết không đúng từ ngữ, dấu, chữ viết hoa, viết thường, phiên âm tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, bỏ sót không ghi tên đệm trong họ, tên của đương sự,...
Luật sư Trịnh Đình Trực, Văn phòng Luật sư Trịnh Trực, Đoàn Luật sư TP Hà Nội |
Số liệu do nhầm lẫn hoặc do tính toán sai (kể cả án phí) như: Cộng, trừ, nhân, chia sai..., mà phải sửa lại cho đúng.
Ngoài ra, chứng cứ trong tố tụng dân sự không thể tiến hành một cách tuỳ tiện theo ý chí chủ quan của toà án cũng như của đương sự, mà phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật. Bản án số: 08/DSST ngày 24/6/2003 của TAND huyện Tiên Du không đánh giá các căn cứ, tài liệu để chứng minh tính hợp pháp trong yêu cầu khởi kiện của ông Đỗ Đình Vận, mà chấp nhận luôn, dẫn đến quyết định không thuyết phục, thiếu khách quan, có thể dẫn đến án oan đối với gia đình ông Cử.
Bên cạnh đó, Bản án số: 08/DSST ngày 24/6/2003 của TAND huyện Tiên Du có dấu hiệu tạo dựng hồ sơ để đưa ra phán quyết thiếu công bằng, khách quan. Cụ thể: Giấy tờ ông Đỗ Đình Cử về thửa đất 680m2 đầy đủ, nhưng ông Vận thì không có bất kì giấy tờ gì.Ông Đỗ Đình Vận đã đi thoát li và có HKTT tại thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội từ năm 1971, chưa bao giờ nhập khẩu về quê, nên không có tiêu chuẩn cấp đất (có sổ gốc thôn Thượng).
“UBND xã Cảnh Hưng đã xác nhận mảnh đất số 120, tờ bản đồ số 2, diện tích 680m2 là của gia đình ông Đỗ Đình Cử. Các nhân chứng là người hàng xóm của ông Cử đều xác nhận, ông Cử được cấp thửa đất này. TAND Cấp cao tại Hà Nội, Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội cần xem xét lại bản án theo thủ tục tái thẩm” - Luật sư Trịnh Đình Trực nhấn mạnh.
Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người cao tuổi, tránh oan sai và thượng tôn pháp luật, Tạp chí Người cao tuổi đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội, Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội xem xét lại bản án theo thủ tục tái thẩm theo quy định pháp luật.