Người dân khiếu kiện về việc thu hồi đất không đúng quy định
Pháp luật - Bạn đọc 16/06/2022 09:10
Mập mờ” nguồn gốc đất
Nội dung đơn của ông Đỗ Văn Tuyên, ở đội 1, thôn Đào Lâm, xã Đoàn Tùng và một số hộ dân cho biết: Ngày 28/4/1992, Tỉnh ủy Hải Hưng (cũ) ban hành Nghị quyết 03-NQ/TU về chủ trương giao ruộng đất cho nông dân. Đồng thời, UBND tỉnh Hải Hưng cũng đã có Quyết định số 721-QĐ/UB ngày 17/9/1992 cho làm thí điểm giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài cho hộ nông dân. Sau khi thí điểm đạt kết quả tốt, ngày 25/2/1993, UBND tỉnh Hải Hưng ra Quyết định số 235-QĐ/UB thực hiện việc giao quyền sử dụng ruộng đất cho hộ nông dân trong toàn tỉnh.
Thửa đất tại khu vực trạm bơm A được UBND xã Đoàn Tùng giao khoán cho ông Tuyên theo chủ trương giao quyền sử dụng đất ruộng lâu dài cho hộ nông dân, theo đúng Nghị quyết 03-NQ/TU của Tỉnh ủy Hải Hưng, tức là đất được Nhà nước giao theo chủ trương giao quyền sử dụng đất lâu dài cho nông dân, được sử dụng cho phát triển nông nghiệp, tổng diện tích là 1.944m2.
Gia đình cụ Trần Thị Đọc (94 tuổi) và con trai Nguyễn Văn Sử bức xúc về việc bị thông báo thu hồi đất |
Hiện nay, ông Tuyên và một số người dân đang trực tiếp sản xuất nông nghiêp, phát triển kinh tế trang trại trên thửa đất. Luật Đất đai qua các thời kì luôn quy định khi hết thời hạn sử dụng đất, người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng đất.
Tuy nhiên, mới đây UBND xã Đoàn Tùng cho rằng, thửa đất này là đất “công điền” do UBND xã quản lí và yêu cầu người dân phải di dời toàn bộ các tài sản trên đất để trả lại đất cho UBND xã. Điều này khiến người dân vô cùng bức xúc bởi họ cho rằng, bị xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp.
Cụ Trần Thị Đọc (94 tuổi), cũng có thửa đất được giao tương tự như ông Tuyên bức xúc cho rằng, UBND xã Đoàn Tùng xác định các thửa đất trên là đất “công điền” do UBND xã quản lí là không có cơ sở, trái với các quy định của pháp luật. Bởi, đối với đất công điền, pháp luật về đất đai đã bỏ loại đất này, Nhà nước đã thực hiện giao ruộng đất cho người dân. UBND xã chỉ được phép quản lí với đất công ích (tối đa không quá 5% diện tích đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích công ích). Khi gia đình cụ Đọc yêu cầu đưa ra các căn cứ chứng minh diện tích đất trên là đất công ích thì phía UBND xã Đoàn Tùng không đưa ra được.
. Ông Đỗ Văn Tuyên cho rằng việc thu hồi đất cho doanh nghiệp xây dựng khách sạn đối với thửa đất mà gia đình ông đang sinh sống và trồng cây là không đúng quy định. |
“Lập lờ đánh lận con đen”?
Sở dĩ có việc UBND xã Đoàn Tùng cho rằng, mảnh đất tại khu vực trạm bơm A là đất “công điền” là do người dân có hợp đồng thuê khoán thời hạn 1 năm với UBND xã. Theo đó, sau khi hết thời hạn giao đất theo Nghị quyết nêu trên, từ năm 2017 đến nay, UBND xã Đoàn Tùng đã yêu cầu người dân phải kí kết Hợp đồng giao khoán diện tích đất mà người dân đã khai hoang, phục hoá từ những năm 1993 với lí do để thuận tiện quản lí.
Cụ Đọc và ông Tuyên bức xúc: UBND xã Đoàn Tùng đã lừa dối người dân về pháp luật và các chính sách về đất đai của Nhà nước, từ đó yêu cầu người dân kí hợp đồng giao khoán từng năm một. Do tin vào những hứa hẹn của các cán bộ xã, người dân đã kí vào các hợp đồng trên. Dựa vào các hợp đồng này, UBND xã Đoàn Tùng đã hạn chế quyền lợi của người dân trên thửa đất của chính bản thân mình. Bởi, chiếu theo quy định tại Điều 20 Luật Đất đai 1993 và Điều 126 Luật Đất đai 2013, khi hết thời hạn sử dụng 20 năm, người dân phải được tiếp tục sử dụng thửa đất và thời hạn sử dụng đất là 50 năm. Việc UBND xã Đoàn Tùng cho rằng, đây là đất “công điền”, được giao cho người dân sử dụng với thời hạn 1 năm là không có căn cứ .
Ông Tuyên bức xúc: “Chúng tôi cho rằng, các hợp đồng giao khoán diện tích chuyển đổi đất ao do UBND xã Đoàn Tùng yêu cầu chúng tôi kí vào giai đoạn từ 2017 đến nay là hoàn toàn vô hiệu, do các thửa đất là đối tượng của hợp đồng không thuộc quyền quản lí của xã Đoàn Tùng. Việc UBND xã Đoàn Tùng lấy lí do hợp đồng hết thời hạn và yêu cầu gia đình tôi trả lại đất là hoàn toàn không có căn cứ và trái quy định pháp luật”.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã Đoàn Tùng trao đổi với PV về vụ việc |
Cũng theo ông Tuyên, mặc dù không chứng minh được việc thu hồi đất là đúng pháp luật, không chứng minh được mục đích thu hồi đất, ông Tuyên cũng không nhận được bất kì quyết định thu hồi đất nào từ các cơ quan Nhà nước, nhưng UBND xã Đoàn Tùng vẫn yêu cầu gia đình ông phải di dời tài sản ra khỏi khu đất trên. Điều này đã vi phạm rất nghiêm trọng về trình tự, thủ tục thu hồi đất, vi phạm về thẩm quyền thu hồi đất. Ngay cả khi UBND xã Đoàn Tùng chứng minh được rằng, đây là đất công ích, thì phải đề nghị UBND cấp huyện tiến hành thu hồi đất, UBND xã Đoàn Tùng không có quyền tự tổ chức thu hồi đất.
Nhận định về vụ việc, Luật sư Hoàng Doanh Trung, Giám đốc Công ty Luật Passlawyers, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: Theo quy định pháp luật, cấp xã không có thẩm quyền kí kết giao khoán một năm với người dân. UBND xã Đoàn Tùng cần căn cứ theo Luật Đất đai năm 2013, điều chỉnh hợp đồng cho người dân là 50 năm.
Liên quan đến sự việc, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đoàn Tùng cho biết, việc thu hồi đất của gia đình ông Đỗ Văn Tuyên, ông Nguyễn Văn Sử (con cụ Đọc) là đất giao khoán đã hết hạn. Hiện nay, Dự án xây khách sạn khu vực nhà ông Tuyên cũng đang chậm tiến độ. Các trường hợp giao khoán đất như gia đình ông Tuyên, ông Sử… sắp tới xã sẽ kiến nghị huyện để thực hiện cưỡng chế. Xã cũng sẽ mời các hộ dân lên để họp và trao đổi các ý kiến.