Nghi phạm đã tử vong, nếu không có đồng phạm, Cơ quan điều tra sẽ đình chỉ vụ án
Pháp luật - Bạn đọc 26/09/2023 10:20
Trong quá trình điều tra vụ án, Cơ quan điều tra phát hiện thi thể trên sông Đuống, gần cầu Phù Đổng, huyện Gia Lâm. Cơ quan điều tra tiến hành khám nghiệm, xét nghiệm, giám định ADN và kết luận thi thể trên là Giáp Thị Huyền Trang, kẻ đã bắt cóc và sát hại cháu bé 21 tháng tuổi.
Dưới góc độ pháp lí, TS. Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để tiến hành điều tra làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án. Trong quá trình điều tra, nếu xác định bị can đã chết, không có đồng phạm khác, cũng không có người khác phạm tội, vụ án sẽ được đình chỉ giải quyết.
Hình ảnh nghi phạm Giáp Thị Huyền Trang qua camera an ninh. |
Với kết quả xác minh ban đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hưng Yên đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với đối tượng Giáp Thị Huyền Trang về tội “Giết người” theo Điều 123 Bộ luật Hình sự để tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật.
Theo đó, tội giết người là hành vi tước đoạt trái pháp luật tính mạng của nạn nhân. Kết quả xác minh điều tra đến nay cho thấy đối tượng đã thực hiện hành vi sát hại cháu bé. Tuy nhiên, cơ quan điều tra vẫn cần làm rõ hành vi sát hại cháu bé được thực hiện như thế nào (bóp cổ, đánh đập, dìm chết, hay các hành vi khác dẫn đến nạn nhân tử vong...); nguyên nhân, động cơ thực hiện hành vi.
Về khoa học pháp lí, hành vi gây nguy hiểm đến tính mạng của người khác, nhận thức được hành vi của mình có thể dẫn đến nạn nhân tử vong nhưng cố ý thực hiện hành vi, mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra thì đối tượng thực hiện hành vi sẽ bị xử lí về tội “Giết người” theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015. Hành vi giết người dưới 16 tuổi, giết người có tính chất côn đồ hoặc vì động cơ đê hèn là những tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự. Bởi vậy, trong trường hợp đối tượng này còn sống và bị kết tội về tội “Giết người” với nhiều tình tiết tăng nặng như vậy thì hình phạt sẽ phải đối mặt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Ngoài ra, vụ án này còn có thông tin về việc đối tượng yêu cầu gia đình giao tiền chuộc, gia đình đã chuyển khoản cho đối tượng 550.000.000 đồng. Hành vi này có dấu hiệu của tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” nên Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ hành vi này để xử lí theo quy định của pháp luật. Nếu kết quả điều tra cho thấy đã có hành vi bắt giữ cháu bé nhằm đòi tiền chuộc, đã thông báo cho gia đình yêu cầu gia đình phải đưa tiền thì mới thả cháu bé thì đây là hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, đối tượng sẽ bị xử lí theo Điều 169 Bộ luật Hình sự với hình phạt cao nhất của tội danh này có thể tới 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Trong trường hợp đối tượng bắt cóc cháu bé để đòi tiền chuộc, do không đáp ứng được yêu cầu nên đã sát hại cháu bé thì đối tượng sẽ bị xử lí về hai tội danh là tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” và tội “Giết người”.
Trường hợp kết quả điều tra cho thấy đối tượng chỉ thực hiện hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, không có mục đích sát hại nạn nhân, nạn nhân chết là do tình huống ngoài mong muốn của đối tượng thì chỉ bị xử lí một tội danh là tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” với hậu quả là làm chết người. Yếu tố lỗi liên quan đến cái chết của nạn nhân trong tình huống này là lỗi vô ý nên đây chỉ là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự chứ không phải là tình tiết định tội để xử lí thêm về tội “Giết người”.
Về mặt thủ tục tố tụng hình sự thì pháp luật hình sự Việt Nam quy định chỉ xử lí với người phạm tội còn sống. Trường hợp quá trình điều tra, truy tố, xét xử mà người thực hiện hành vi phạm tội đã chết thì cơ quan điều tra sẽ đình chỉ điều tra đối với bị can, bị cáo đã chết đó.
Đối với vụ án hình sự mà đối tượng thực hiện hành vi đã chết thì có thể cơ quan điều tra vẫn khởi tố vụ án hình sự để tiến hành các hoạt động điều tra. Quá trình điều tra xác định người phạm tội duy nhất đã chết, không có đồng phạm khác, không còn người khác phạm tội thì cơ quan điều tra sẽ đình chỉ điều tra đối với vụ án đó.
Trong trường hợp bị can Giáp Thị Huyền Trang được xác định đã chết thì Cơ quan điều tra sẽ đình chỉ điều tra đối với bị can này, nếu có người khác phạm tội với vai trò đồng phạm hoặc kết quả điều tra cho thấy có người khác phạm tội phạm khác thì sẽ tiếp tục điều tra xử lí đối với các bị can khác.
Trường hợp kết quả điều tra cho thấy vụ án chỉ có một bị can duy nhất đã chết, không còn người khác đồng phạm, không có người khác phạm tội khác thì sẽ đình chỉ điều tra đối với bị can, đồng thời cũng đình chỉ điều tra đối với vụ án.