Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng: Đa tài, đa cảm, đa đoan và luôn chạy đua với thời gian
Nhịp sống văn hóa 15/06/2023 15:10
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng bảo: “Sống phải sáng tạo không ngừng, nếu không cuộc đời sẽ thật nhạt nhẽo, vô vị”. Đã bước sang tuổi 84, nhưng khối lượng công việc còn rất lớn, khi chuẩn bị để xuất bản 2 cuốn sách, khiến cụ Đáng phải căng lên chạy đua với thời gian. Cụ nói: “Chưa khi nào tôi thấy thời gian quý giá đến vậy”…
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng |
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng mở đầu cuộc trò chuyện giữa chúng tôi bằng câu: “Giờ chúng ta nói chủ yếu về công việc nhé”. Đầu tiên là giới thiệu về việc chuẩn bị để xuất bản 2 cuốn sách: “Tình thơ ảnh nghệ” và “Tỏa sáng đất trời Nam”. Lục tìm bản thảo, cụ Đáng chỉ từng trang và giải thích ý nghĩa. Tập “Tình thơ ảnh nghệ” có tất cả 40 bài thơ tình, khoảng năm chục bức ảnh, 6 bản nhạc phổ thơ, trong đó cụ Đáng có 3 bài thơ được nhạc sĩ Văn Ký phổ 2 bài, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phổ nhạc một bài. Bản thảo cuốn sách được thiết kế hiện đại, thoáng đãng. Cuốn thứ hai nhan đề “Tỏa sáng đất trời Nam” gồm bài viết, ảnh, bút tích, chữ kí của các văn nghệ sĩ tên tuổi. Cụ cho biết, ban đầu định lấy tên là “Tinh hoa tỏa sáng đất trời Nam”, nhưng xét thấy có điều nhạy cảm, nên đổi lại thành “Tỏa sáng đất trời Nam”. Mục đích cuốn sách muốn giới thiệu tên tuổi, tác phẩm, hình ảnh các nghệ sĩ tên tuổi, do cụ Đáng sưu tập, gìn giữ nhiều năm.
Cụ Đáng cho biết, cụ sưu tập tư liệu, sắp xếp, xuất bản sách nhằm đem đến cho độc giả cái nhìn toàn diện hơn, ví như nghĩ về ngày 30/4 thế nào? Cả nước hướng về Trường Sa ra sao? Từng phần một, ai muốn theo dõi phần nào thì tùy chọn. Sách của cụ Đáng có cả những câu chuyện cảm động về những con người thật, những việc làm thật có ý nghĩa. Ví dụ viết về nhân vật Huỳnh Tiểu Hương ở Bình Dương bị ung thư đang đi điều trị, mà vẫn dành tâm huyết thành lập trung tâm nuôi 345 người bệnh, hoàn cảnh khó khăn. Không những thế, bà còn thành lập một trung tâm nhân đạo ở Mỹ, khi bà điều trị ung thư tại đây…
Về nhân thân, cụ Đáng kể: Cụ sinh năm 1940 tại xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, nhưng khai sinh ghi năm 1942. “Tôi sinh ra tưởng không sống được, nên mấy năm sau biết tôi chắc chắn sống được nên bố tôi mới làm khai sinh muộn cho tôi. Vì vậy mới ghi là sinh năm 1942” - cụ Đáng giải thích. Thời trẻ, cụ Đáng từng là giáo viên dạy giỏi, làm Hiệu trưởng khi mới 25 tuổi. Cụ còn được Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên chỉ thị cho Ty Giáo dục Hưng Yên không được để cho Đáng đi đâu, mà phải giữ lại xây dựng điển hình.
Thế nhưng, đến năm 1965 có lệnh tổng động viên, nên cụ gia nhập quân đội, làm lính công binh thuộc Đoàn 559, lăn lộn giữa cái sống và cái chết ở núi rừng Trường Sơn. Cuối năm 1965 cụ bị sốt rét ác tính, phải nằm viện điều trị gần một năm. Ra viện, cụ được bác sĩ ghi vào bệnh án rằng, chỉ có thể làm việc nhẹ. May mắn lúc bấy giờ đơn vị lập ra tờ Trường Sơn gang thép, sau nâng cấp lên thành Báo Trường Sơn, cụ Đáng được cử làm phóng viên cho tờ báo. Từ đó cụ được làm việc cùng những tên tuổi lừng danh sau này, như cố nhà thơ Phạm Tiến Duật, cố nhà văn Lê Lựu, nữ sĩ Nghiêm Thị Hằng. “Có thể nói, tôi là một trong những người đầu tiên được giao nhiệm vụ xây dựng tờ báo, cùng Trung úy Cao Cân, cô Nguyễn Ngọc Huệ, anh Nguyễn Vĩnh Phúc. Tờ báo phát hành hàng nghìn số cho chiến trường. Tôi vừa viết bài vừa chụp ảnh”.
Bìa cuốn sách “Tình thơ ảnh nghệ” |
Cụ Đáng giở cho xem tập Thời báo Văn học Nghệ thuật, rồi nói: “Thời báo này phát hành mỗi tuần một số, tuần nào tôi cũng được đăng bài đẫy 2 trang, viết về những văn nghệ sĩ thành danh như Văn Cao, Tô Hoài, Nguyễn Tuân… Tôi về hưu đã nhiều năm, nhưng thực tế có hưu đâu! Tôi vẫn viết báo, viết sách, chụp ảnh, sưu tầm và in sách. Sống phải sáng tạo không ngừng, nếu không cuộc đời sẽ thật nhạt nhẽo, vô vị”. Câu hỏi đặt ra, từ thực tế như vậy, cụ Đáng cũng là cây viết đáng nể, sao lại “rẽ ngang” sang nhiếp ảnh?
Cụ Đáng kể, ngày ở Trường Sơn, cụ thấy mình viết cũng ở mức “thường thường bậc trung”, nên muốn mượn thêm vũ khí nữa kết hợp vào cho sinh động, mà ở đây thứ vũ khí đó không gì khác ngoài ảnh. Vậy là mầy mò chụp ảnh, trong điều kiện không có thầy dạy. Chụp ảnh xong lại phải tráng phim rửa ảnh là khâu khó nhất. Cụ cười: “Cũng phó phá nhiều lắm mới làm nên cơm cháo. Cứ mầy mò như vậy rồi cũng thành công. Được cái điều kiện của mình lúc bấy giờ cho phép mình được tự học, chứ không thì cũng khó khăn”.
Hoạt động báo chí ở Trường Sơn, cụ chắt chiu, góp gom được kho tàng khá đồ sộ về tư liệu, bài viết, hình ảnh về những năm tháng bộ đội ta sống, chiến đấu ở núi rừng Trường Sơn, để 30 năm sau, khi đã về hậu tuyến, đất nước đã hòa bình, cụ xuất bản được cuốn “Đường Hồ Chí Minh trong chiến tranh”. Cuốn sách được thiết kế chuyển tải cả những bài viết, những hình ảnh tư liệu sinh động, như sự kiện mới xảy ra ngay trước mắt độc giả.
Cuối năm 1974, cụ Đáng xin được chuyển ngành. Cầm giấy tờ đến trình với 3 tờ báo: Nhân dân, Quân đội, Văn nghệ, được cả 3 cơ quan báo đồng ý tiếp nhận. Thế nhưng, cụ chọn về công tác tại Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Cụ bảo, công tác tại Báo Văn nghệ có điều kiện được tiếp xúc với các nhân sĩ, trí thức, các văn nghệ sĩ, nhằm nâng tầm hiểu biết về lĩnh vực mà mình luôn say mê, gắn bó. Ở Báo Văn nghệ, cụ được cử làm biên tập viên, kiêm nhiếp ảnh. Một thời gian sau được bổ nhiệm Trưởng phòng Tổng hợp mĩ thuật và nhiếp ảnh. Năm 1978 cụ chuyển sang Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, đến năm 1982 trúng cử vào Ban Chấp hành, công tác ở đây được 2 khóa, cụ được rút về Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), làm chuyên viên nghiên cứu về văn hóa văn nghệ. Công tác tại Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương được 9 năm, thì cụ Đáng đến tuổi nghỉ hưu. Nói là nghỉ hưu, nhưng cụ đâu có nghỉ, mà vẫn luôn chân, luôn tay sáng tác ảnh, viết báo, viết văn và xuất bản sách.
Cụ bảo, hằng ngày trên đất nước này, trên trái đất này diễn ra hàng nghìn, hàng vạn sự kiện, đòi hỏi người nghệ sĩ phải có năng lực quan sát, phải biết chắt lọc, ghi chép lại, cái nào đáng viết thì mình viết, cái nào viết chưa đủ thì phải dùng ảnh minh họa, để người xem có cảm giác hiện thực đó đang hiện diện ngay trước mắt.
Đến nay, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng có trong tay kho tàng khá đồ sộ, với hàng nghìn bức ảnh, hàng nghìn bài báo và xuất bản nhiều cuốn sách như: “Người mở đường”, “Thơ và đời”, “Kazit và bạn bè”, “Hội An đô thị cổ”, “Phố Hiến lịch sử văn hiến”, “Sách ảnh nghệ thuật Việt Nam”, “Chân dung văn hóa Việt Nam”… Nhiếp ảnh gia Hoàng Kim Đáng là người đa tài, đa cảm, đa đoan, một lúc mang trong mình nhiều chức trách: Hội viên Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế FIAP, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Hà Nội, hội viên Hội Bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long. Từng được tặng thưởng các Huy chương: Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, Vì sự nghiệp nhiếp ảnh nghệ thuật Việt Nam, Vì sự nghiệp tư tưởng văn hóa Việt Nam.
Cụ Đáng hiện vẫn đang ấp ủ xuất bản một số cuốn sách cuối đời. Mong cụ luôn khỏe mạnh để hoàn thành những dự định đang còn dang dở, tiếp tục cống hiến nhiều giá trị cho cuộc sống.