Nghệ nhân ưu tú mang cói Việt đi năm Châu
NCT làm kinh tế giỏi 22/02/2024 08:27
Thăng trầm nghề cói
Buổi chiều ngày cuối năm Quý Mão 2023, bà Trần Thị Việt, ở thị trấn Nga Sơn, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa niềm nở dẫn chúng tôi tham quan xưởng sản xuất cói rộng hơn 5.000 m2 của gia đình. Khu vực sản xuất được xây dựng theo quy trình khép kín gồm: Kho chứa nguyên liệu, phòng sấy, kho chứa hàng xuất khẩu, phòng trưng bày sản phẩm, khu vực hong phơi,...
Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Việt |
Cầm trên tay chiếc đĩa được làm từ sợi cói với đường nét hoa văn tinh tế, bà Việt hồ hởi nói: “Làm mặt hàng thủ công mỹ nghệ này tuy không khó nhưng đòi hỏi phải thực sự tâm huyết và kiên trì. Ngoài ra, phải luôn đổi mới, sáng tạo và không ngừng cải tiến mẫu mã đáp ứng thị hiếu của khách hàng”.
Nhờ hướng đi này, cơ sở sản xuất cói xuất khẩu của bà Việt vẫn “sống khỏe”, dẫu nghề cói của địa phương đã trải qua biết bao thăng trầm. Bà Việt kể, từ ngày còn bé thuở mới lên 9 - 10 tuổi, bà đã theo chân bố mẹ ra đồng cói làm việc. Ban đầu chỉ học những công việc đơn giản như chọn cói, đan quại,... Khi đã quen tay, bà được bố mẹ truyền lại cho cách dệt chiếu rồi trở thành thợ dệt chiếu có tiếng trong làng lúc bấy giờ.
Sau này khi xây dựng gia đình, bà Việt vẫn tiếp tục gắn bó với nghề truyền thống. Tuy nhiên, trăn trở làm sao để phát triển được nghề truyền thống của cha ông đã thôi thúc bà tìm hướng đi mới cho sản phẩm. Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, bà Việt chủ động thu mua nguyên liệu, tổ chức sản xuất đồng thời ký kết hợp đồng với các công ty chuyên xuất khẩu. Nhờ vậy, nhiều hộ gia đình ở địa phương có công việc ổn định, cải thiện thu nhập và nuôi con cái học hành.
Những năm 90 của thế kỷ trước, sự sụp đổ của các nước Xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu khiến nghề dệt cói ở Nga Sơn bị ảnh hưởng. “Hồi ấy, nhân dân vùng đồng cói như Nga Tân, Nga Tiến, Nga Điền, Nga Phú,... gần như bị mất nghề. Thậm chí, nhiều gia đình phải bỏ quê quán đi kiếm sống”, bà Việt nhớ lại.
Trong bối cảnh ấy, bà Việt vẫn cầm cự với nghề cói nhờ giữ được đơn hàng với một số đối tác xuất khẩu sản phẩm đi Hàn Quốc. Từ năm 1993 trở đi, các mối hàng Trung Quốc bắt đầu mua cói lõi với số lượng lớn giúp làng nghề khôi phục trở lại, nhiều người dân cũng quay lại gắn bó với nghề.
Phòng trưng bày sản phẩm xuất khẩu của công ty. |
“Không khí sản xuất ở làng nghề khi ấy rất sôi nổi, các gia đình ai cũng hăng say với công việc. Riêng bến cảng Hói Đào (Nga Sơn) ngày ấy rất tấp nập kẻ bán, người mua. Có thời điểm, mỗi tháng chúng tôi xuất đi 2 tàu hàng, mỗi tàu ít nhất 300 tấn hàng”, bà Việt niềm nở chia sẻ.
Giữ hồn cốt nghề truyền thống
Năm 2001, bà Việt mạnh dạn đầu tư vốn vào Cụm làng nghề truyền thống liên xã Nga Mỹ, Nga Hưng, Nga Thanh (huyện Nga Sơn). Đồng thời, thành lập Xí nghiệp sản xuất kinh doanh xuất khẩu Việt Trang.
Bà Việt cho biết, những ngày mới thành lập xí nghiệp, ngoài gặp khó khăn về nguồn vốn, cơ sở sản xuất của gia đình bà còn phải hứng chịu 2 trận bão lớn xảy ra vào năm 2003 và 2005 gây thiệt hại nặng nề về cơ sở hạ tầng và nguyên liệu.
Khi bão đi qua, gia đình bà bắt tay sửa sang cơ sở hạ tầng, vay vốn ngân hàng để duy trì sản xuất. Năm 2008, khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh xuất khẩu cói ở Nga Sơn chao đảo. “Sản phẩm làm ra không thể xuất đi được, trong khi lãi suất ngân hàng mỗi ngày lại tăng thêm. Trong nhà khi ấy có đồ vật gì giá trị là cầm cố hết, miễn sao có thể cầm cự qua giai đoạn khó khăn này”, bà Việt bộc bạch.
Mặc dù, thị trường thăng trầm là vậy, song nhờ tình yêu với nghề cói đã giúp nghệ nhân xứ Thanh từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn. Năm 2015, bà Việt thành lập Công ty TNHH xuất khẩu Việt Trang từ tiền thân là Xí nghiệp sản xuất kinh doanh, xuất khẩu Việt Trang.
Bà Việt đang kiểm tra khu vực hong phơi sản phẩm. |
Bên cạnh những sản phẩm truyền thống từ sợi cói, nghệ nhân Trần Thị Việt còn dạy công tìm tòi, cải tiến về mẫu mã, kết hợp với các nguyên liệu khác như: Bèo tây, bẹ ngô, xơ dừa, bẹ chuối, cỏ tranh,... Đến nay, công ty đã ra mắt hàng trăm mẫu mã khác nhau như chiếu cói, đôn, thảm, túi xách, giỏ trái đất,...
“Mỗi năm, công ty lại cho ra mắt bộ sưu tập sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của khách hàng. Sản phẩm của công ty hiện xuất khẩu ổn định sang các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Tây Ban Nha,...”, nữ nghệ nhân chia sẻ.
Theo bà Việt, hiện công ty đang tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 30 lao động làm việc thường xuyên và hàng nghìn lao động thời vụ tại các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Cẩm Thủy, Thọ Xuân, Nông Cống, Thạch Thành,...
Thời điểm xảy ra dịch bệnh Covid-19, công ty vẫn duy trì sản xuất, thường xuyên có đơn hàng xuất khẩu đi nước ngoài. Thậm chí trong những năm 2020, 2021 doanh thu ước đạt gần 80 tỷ đồng.
Với những cống hiến cho nghề cói truyền thống, bà Việt vinh dự được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân ưu tú năm 2020. Ngoài ra, nữ nghệ nhân còn được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2003, danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc năm 2005; Bằng khen của Ban chấp hành Hội NCT tỉnh Thanh Hóa với thành tích “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi cấp tỉnh” giai đoạn 2018-2023, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Chia sẻ về mục tiêu trong thời gian tới, Nghệ nhân ưu tú Trần Thị Việt cho biết, sẽ tiếp tục duy trì ổn định sản xuất, đặc biệt là lực lượng lao động lành nghề. Khi thị trường ổn định trở lại sẽ có đủ tiềm lực để phát triển.
Ông Phạm Văn Sinh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nga Sơn, khằng định: Bà Việt là Nghệ nhân ưu tú đầu tiên của Nga Sơn vinh dự được nhận danh hiệu cao quý này. Công ty TNHH xuất khẩu Việt Trang cũng là một trong những công ty đi đầu trong việc cải tiến mẫu mã tham gia thị trường xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Ngoài Công ty TNHH xuất khẩu Việt Trang, huyện Nga Sơn còn nhiều doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu các sản phẩm cói hiệu quả như: Công ty CP sản xuất chế biến cói xuất khẩu Việt Anh, Công ty TNHH Ngân Khương, Công ty TNHH sản xuất thương mại và xuất khẩu Cói Xanh,...
“Sở dĩ sản phẩm cói mỹ nghệ của Nga Sơn được thị trường, nhất là thị trường nước ngoài ưa chuộng là vì sản phẩm được làm bằng nguyên liệu thiên nhiên, thân thiện với môi trường. Ngoài ra, các sản phẩm này cũng phù hợp với khí hậu ở những nước này, sản phẩm cũng bền đẹp và đa dạng về mẫu mã”, ông Sinh cho hay.
Theo ông Sinh, hiện Công ty TNHH xuất khẩu Việt Trang có 2 sản phẩm đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh gồm: Đôn Việt Trang và Giỏ trất đất. Cả hai sản phẩm này đều có tiềm năng, thế mạnh nâng cấp lên thành OCOP 5 sao.