Người bắt na ra trái theo ý muốn
NCT làm kinh tế giỏi 17/07/2024 10:12
Năm 1966, giữa lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ của dân tộc đang trong giai đoạn ác liệt, ông Tiến lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại chiến trường Thừa Thiên Huế. Do bị thương ba lần, sức khỏe yếu, năm 1970, ông Tiến được điều chuyển ra Bắc điều dưỡng, giám định khả năng lao động giảm 61%., ông phục viên về quê hương, lập gia đình và sinh được 5 người con.
Pha ấm trà nóng mời khách, ông Tiến tâm sự: “Những ngày mới xuất ngũ trở về địa phương, kinh tế gia đình còn rất khó khăn, thiếu vốn, thiếu khoa học kĩ thuật. Song nắm được tiềm năng, lợi thế ở địa phương, tôi bàn với vợ mạnh dạn vay vốn để trồng cây ăn quả và cây lấy gỗ. Kinh tế gia đình dần ổn định, tuy nhiên do thiếu vốn nên hiệu quả làm ăn chưa cao. Năm 1993, khi Nhà nước có chủ trương phủ xanh đất trống đồi trọc, tôi mạnh dạn vay vốn ngân hàng, nhận 2ha đất đồi trồng bạch đàn, sau này phát triển thêm vải thiều, bưởi và nuôi ong”.
Quá trình làm kinh tế, ông cũng nếm trải nhiều thất bại do thiếu kiến thức. Trong một lần đi tham quan học tập cách trồng cây ăn quả ở thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, ông Tiến đã mạnh dạn đưa cây na dai về trồng. Thật không ngờ, cây na dai lại thích ứng rất tốt với chất đất và khí hậu nơi đây cho quả to và rất ngọt. Thấy vậy, ông Tiến tiếp tục trồng na dai trên mảnh đất của mình. Cùng với việc chăm bón truyền thống, ông nghiên cứu sách vở để “bắt” na dai ra quả theo ý muốn của mình.
Ông Tiến cho biết: “Từ việc trồng na dai, mỗi năm 1 vụ, nhưng giờ đây với kĩ thuật mới, tôi có thể cho na dai ra 2 đến 3 vụ một năm. Với kĩ thuật tỉa cành, ép tán, không cho mầm mọc tự do; thụ phấn nhân tạo để điều chỉnh lượng quả trên cây; thiết kế các rãnh thoát nước tiêu úng... nên vài năm gần đây, vườn na của gia đình tôi luôn đạt năng suất cao, quả to, mẫu mã đẹp, thời gian thu hoạch kéo dài tới 4 tháng, thay vì vài tuần như trước”.
Thấy cách làm hay, nhiều người đến học hỏi, ông Tiến nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm. Bởi vậy, những tháng cuối mùa, nhiều vùng đã kết thúc mùa vụ nhưng nơi đây vẫn có na bán, giá trung bình 50.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với đầu vụ. Với hơn 600 cây na, khoảng 200 cây bưởi và 60 thùng ong, trừ chi phí, mỗi năm, ông Tiến thu về gần 400 triệu đồng. Nhờ những thành tích trong phát triển kinh tế, gương mẫu trong các hoạt động xã hội, nhiều năm liền ông tiến được UBND huyện, tỉnh tặng giấy khen, bằng khen.
Đánh giá về mô hình kinh tế của gia đình ông Phương Văn Tiến, ông Bùi Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Huyền Sơn cho biết: Với bản tính cần cù, chịu khó, dám nghĩ - dám làm cộng với tinh thần ham học hỏi, cựu chiến binh Phương Văn Tiến đã phát triển kinh tế hộ gia đình có hiệu quả. Ông Tiến là một trong những tấm gương sáng trong học tập và làm theo gương Bác Hồ ở xã nói riêng và ở huyện Lục Nam nói chung.