Làm giàu từ mô hình trang trại kinh tế VACR
NCT làm kinh tế giỏi 05/08/2024 16:50
Trần Ngọc Sơn (đứng đầu từ trái sang) đang giới thiệu về mô hình kinh tế VAC của gia đình. |
Dẫn chúng tôi đi tham quan khu trang trại được quy hoạch gọn gàng, ông Sơn cho biết: Năm 1976, ông lập gia đình, cuộc sống lúc bấy giờ gặp rất nhiều khó khăn. Ban đầu hai vợ chồng chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi theo hướng tự cung, tự cấp nên cái đói, cái nghèo cứ bám riết mãi. Với ý chí quyết tâm không cam chịu đói nghèo, lại được sự động viên của bố mẹ hai bên, ông bà đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích đất đồi rừng, chuyển sang trồng cây ăn quả như bưởi diễn, thanh long, hồng gia, thanh ruột đỏ và kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, đào ao thả cá…
Sau khi ông cùng gia đình xây dựng mô hình kinh tế trang trại theo hướng VACR, đã không ít lần, ông nản chí muốn bỏ. Nhưng được sự quan tâm của Hội Nông dân xã, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện tạo điều kiện, cho đi tập huấn chuyển giao khoa học kĩ thuật, tham quan các mô hình làm kinh tế tiêu biểu trong và ngoài tỉnh. Khi về ông đã kiên trì, khắc phục mọi khó khăn, không ngừng tích lũy kinh nghiệm, từng bước xây dựng lại mô hình của mình hoàn thiện hơn.
Sau những tháng ngày vất vả, thành quả mà ông đạt được là những vạt đồi rừng phủ kín cây xanh, là màu vàng ngút mắt mỗi độ cây vào mùa trái chín. Hiện nay, mô hình của ông có hơn 30ha; trong đó diện tích cây nguyên liệu giấy 23ha, cây ăn quả 4,8ha, mặt nước nuôi thủy sản 2,23ha. Ngoài ra, ông còn nuôi 11.000 con gà thương phẩm và 120 đàn ong lấy mật… Hằng năm, trang trại của ông xuất bán ra thị trường 35 tấn thanh long, với giá bán dao động từ 20 - 25 nghìn đồng/kg quả; 5 tấn hồng không hạt; 4.000 quả bưởi diễn; 3 tạ cá. Nhờ vậy, trừ chi phí, mô hình đã giúp gia đình ông thu lãi khoảng 2,4 tỉ đồng/năm; tạo việc làm thường xuyên cho 10-12 lao động với mức thu nhập từ 5-10 triệu đồng/người/tháng.
Theo ông Sơn, mô hình VACR của gia đình có mối quan hệ hỗ trợ nhau mật thiết. Chất thải chăn nuôi được xử lí triệt để, phân khô dùng làm phân bón cho cây trồng; chất thải được dẫn vào bể biogas làm khí đốt giúp tiết kiệm chi phí, bảo đảm vệ sinh môi trường, một phần để làm thức ăn cho cá, tất cả tạo thành mô hình nông nghiệp tuần hoàn, khép kín. Để mô hình phát triển ổn định, bền vững, ngoài việc lựa chọn con nuôi phù hợp, nguồn thức ăn chăn nuôi đảm bảo thì quan trọng nhất phải làm tốt công tác vệ sinh, phòng chống dịch bệnh.
Ông Trần Ngọc Sơn giới thiệu kĩ thuật cách chăm sóc thanh long |
Không chỉ làm kinh tế giỏi, gia đình ông còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội do địa phương phát động và ủng hộ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, ủng hộ quỹ vì người nghèo, khuyến học, hỗ trợ nông dân… Đồng thời, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, phát triển kinh tế cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã nên ông được bà con trong khu, xã tin yêu, quý trọng. Gia đình ông nhiều năm liền đều đạt danh hiệu “Gia đình Văn hóa”, và được bình chọn tham dự Hội nghị Biểu dương NCT làm kinh tế giỏi cấp huyện, giai đoạn 2018 - 2023.
Ông Nguyễn Công Chiến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện, Trưởng BĐD Hội NCT huyện Thanh Sơn nhận xét: Mô hình VACR của ông Nguyễn Ngọc Sơn hiện đạt hiệu quả kinh tế khá cao. Đây là mô hình kinh tế điển hình, hiệu quả, thể hiện sự năng động, sáng tạo của nông dân cao tuổi trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi; góp phần thay đổi diện mạo quê hương, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương; mở hướng đi mới cho nông dân địa phương học tập phát triển kinh tế gia đình.