Nắng mưa đâu chỉ tại giời (Kì cuối)
Nghiên cứu - Trao đổi 10/11/2020 10:00
Hiệu quả phòng chống thiên tai phụ thuộc rất nhiều vào sự đồng bộ của các chính sách vĩ mô và hoạt động ở cơ sở. Ngoài từng bước hoàn thiện hệ thống luật pháp, cần tăng cường năng lực tổ chức điều hành phòng chống thiên tai ở các bộ, ngành, địa phương…
Tăng cường tính chế tài của luật pháp
Hệ thống luật pháp hiện hành của ta có nhiều văn bản liên quan đến công tác phòng chống thiên tai.
Luật Phòng chống thiên tai số 33/2013/QH có hiệu lực từ ngày 1/5/2014. Mới đây, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê diều được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 17/6/2020 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2021. Ngoài ra còn có nhiều Luật liên quan như Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường, Luật Lâm nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP về “Vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”… Các văn bản pháp luật nêu trên quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Đến nay, nhiều nội dung đã đi vào cuộc sống và phát huy tốt hiệu quả.
Dùng xuồng, ca nô tìm kiếm nạn nhân trên sông ở xã Trà Leng |
Tuy nhiên, việc quán triệt, phổ biến và tổ chức thực hiện các văn bản luật này ở nhiều nơi chưa nghiêm túc, đồng bộ và thường xuyên. Chỉ đến khi xảy ra thiên tai, nảy sinh tình huống phức tạp mới soi lại các nội dung liên quan. Ví dụ, Luật Phòng chống thiên tai năm 2013 hay sửa đổi năm 2020 và Nghị định số 64/2008/NĐ-CP năm 2008 quy định rất cụ thể về việc cứu trợ nhưng có tổ chức, cá nhân vẫn tự ý vận động, phân phát tiền hàng, bỏ qua chính quyền, đoàn thể địa phương. Việc làm này bị các phần tử cơ hội, chống đối lợi dụng đề cao vai trò một số cá nhân, hạ thấp, vô hiệu hóa vai trò của chính quyền, đoàn thể cơ sở và tạo ra sự “nhờn luật”.
Trong quy hoạch xây dựng các khu đô thị, khu dân cư, các công trình giao thông, thủy lợi, thủy điện… các văn bản pháp luật luôn quy định phải tính đến yếu tố tác động môi trường, phương án thích ứng và có chế tài xử lí nghiêm khắc các trường hợp vi phạm… nhưng không phải nơi nào cũng chấp hành nghiêm túc. Vì vậy, Nhà nước và các địa phương cần rà soát lại các công trình dân sinh; hạ tầng giao thông, thủy điện, thủy lợi; các khu vực rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng trồng thay thế…; tiếp tục nghiên cứu sản xuất, đưa vào sử dụng các loại vật liệu có khả năng chịu đựng gió bão lớn; đầu tư, hướng dẫn cho Nhân dân cách xây dựng nhà và các công trình dân sinh thích ứng. Xây dựng hệ thống bản đồ cảnh báo địa chất, nâng cao năng lực dự báo thiên tai để kịp thời di dời người dân về nơi an toàn. Có phương án huy động lực lượng, phương tiện, vật tư; bảo đảm lương thực, thực phẩm, điện, nước, y tế và các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu cho dân khi xảy ra thiên tai...
Nhà nước cũng cần điều chỉnh, bổ sung các quy định, chế tài phù hợp đối với các vấn đề mới nảy sinh, xử lí những cán bộ chính quyền, đoàn thể có biểu hiện tư túi tiền hàng cứu trợ khiến các nhà hảo tâm mất niềm tin; có chính sách ưu tiên đầu tư kinh phí huấn luyện lực lượng chuyên trách; mua sắm vật tư, trang bị, phương tiện phòng chống thiên tai đủ khả năng ứng phó kịp thời trong các tình huống.
Tổ chức phòng chống thiên tai căn cơ, hiệu quả
Ngoài từng bước hoàn thiện hệ thống luật pháp, cần tăng cường năng lực tổ chức điều hành phòng chống thiên tai ở các bộ, ngành, địa phương. Vì vậy, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, từng bộ, ngành, địa phương cần có những chủ trương, cơ chế tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo, vận hành phòng chống thiên tai ở các cấp độ một cách căn cơ, cụ thể.
Trên từng địa bàn, cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục về Luật Phòng chống thiên tai; phổ biến, hướng dẫn cách phòng chống gắn với phát huy kinh nghiệm phòng chống thiên tai của người dân. Phương châm "bốn tại chỗ" phải được xây dựng đủ thực lực theo các tình huống. Các văn kiện, kế hoạch phòng chống thiên tai thường xuyên được bổ sung sát với thực tiễn địa bàn; đưa ra các tình huống phức tạp nhất để kiểm tra, rèn luyện và lựa chọn giải pháp ứng phó hiệu quả. Phân công nhiệm vụ, tổ chức phối hợp hiệp đồng cần thực hiện chặt chẽ, tỉ mỉ cho từng lực lượng trong các giai đoạn phòng chống thiên tai. Đặc biệt, phải làm tốt các khâu thông báo tình hình địa bàn; quy định các kí, tín hiệu hợp đồng và tổ chức luyện tập, diễn tập theo định kì. Sau mỗi đợt diễn tập hoặc thực tế phòng chống thiên tai cần rút kinh nghiệm, bổ sung nội dung, biện pháp kịp thời.
Công tác kiểm tra phòng chống thiên tai phải đặc biệt chú ý công tác bảo đảm vật chất, vật tư phương tiện, quân số và khả năng cơ động, thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tại chỗ nhất là lực lượng dân quân tự vệ; các kế hoạch phòng chống thiên tai, kể cả kế hoạch sơ tán Nhân dân, di chuyển đơn vị, cơ quan, chính quyền ra khỏi vùng nguy hiểm...
Tóm lại, phòng chống thiên tai là nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với mỗi quốc gia, địa phương và tổ chức, cá nhân. Nhiệm vụ này chỉ có hiệu quả thật sự và bền vững khi huy động được toàn dân tham gia với tinh thần tự giác cao độ. Đây cũng là thước đo bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất, năng lực của cấp ủy, chính quyền và cán bộ lãnh đạo trong thực hiện nhiệm vụ ở mỗi địa phương, đơn vị.
Nắng mưa đâu chỉ tại giời ( Kì 2) Những bất cập trong công tác phòng chống thiên tai |
Nắng mưa đâu chỉ tại giời Bão là hiện tượng cực đoan của tự nhiên thường kéo theo lũ lụt, sạt lở đất là những loại thiên tai gây nhiều thiệt ... |